-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Tin tức
“Đời người ngắn ngủi, nghệ thuật trường tồn”: Cặp đôi gửi gắm nỗi đau vào việc sưu tầm tranh chân dung trẻ em (Phần 2)
Sau khi con gái của họ qua đời ở tuổi 19, Yannick và Ben Jakober đã bắt đầu sưu tập 165 bức tranh chân dung trẻ em tại bảo tàng của họ ở Mallorca – nhiều bức tranh mang trong mình những câu chuyện bi thương tương tự của nhiều gia đình khác.
Bộ sưu tập bắt đầu một năm sau khi Yannick và Ben kết hôn. Khi Yannick đến Palma vào năm 1963, bức tranh đầu tiên bà nhìn thấy chính là “Cô gái với những trái anh đào” (1843) của Joan Mestre i Bosch. Bức tranh được treo trong nhà của một thợ làm mũ. "Tôi yêu nó ngay lập tức." Bà đề nghị mua lại, nhưng bị từ chối thẳng thừng: người thợ làm mũ nhất quyết không bán.
Mười năm sau, Ben quyết tâm mua bức tranh đó cho Yannick. Ông tìm đến nhà buôn nghệ thuật hàng đầu Palma, người có một cửa hàng trên đường Carrer de Sant Miquel, nơi các gia đình quý tộc ở Palma thường ghé qua uống cà phê, và bị thuyết phục bán đi những món đồ nội thất và tranh vẽ của họ. Hai ngày sau, nhà buôn gọi lại. Ông đã có được “Cô gái với những trái anh đào”.
Nhưng phải mãi sau này bộ sưu tập mới thực sự phát triển. Năm 1992, con gái của Ben và Yannick, tên Maima, qua đời ở tuổi 19 trong một vụ tai nạn xe máy ở Tahiti. Maima, theo Yannick, là một cô gái xinh đẹp và "hơi điên rồ". Khi còn nhỏ, Maima là "một cô bé nhạy cảm với tâm hồn thơ ca," có thể sáng tác những bài thơ trôi chảy một cách ngẫu hứng.
Thời điểm Maima mất, Yannick đang làm việc với “Piccoli Principi”, một cuốn sách về chân dung trẻ em, sau đó trở thành một cách tưởng nhớ đến con gái. “Khi chuyện như vậy xảy ra với bạn, bạn sẽ muốn biết điều gì đã xảy ra với người khác,” bà nói. Một năm sau, cặp đôi thành lập quỹ tưởng nhớ Maima. Họ dành bộ sưu tập “Nins” cho cô, và chuyển các bức chân dung ra khỏi ngôi nhà của mình, đặt vào Aljibe – một không gian trưng bày đặc biệt được xây dựng vào năm 1994.
Họ lần tìm những bức tranh mới bằng cách lục tìm các danh mục đấu giá, gọi điện cho các nhà buôn ở Paris và London, và trò chuyện với những người bạn chuyên buôn đồ cổ. Việc này dễ dàng hơn khi mới bắt đầu, khi chưa có quá nhiều cạnh tranh (những năm gần đây, nguồn cung các tác phẩm của các hoạ sĩ bậc thầy đang giảm dần, khiến giá bán đấu giá thường vượt dự đoán). “Khi đó chúng tôi mua được những thứ tuyệt vời,” Yannick hồi tưởng. “Lúc đó, mọi người hứng thú với mèo, chó và ngựa hơn – nhất là người Anh.”
Khi dừng lại trước một nhóm anh chị em nhìn nghiêm nghị, Yannick nhớ lại một buổi đấu giá đặc biệt khó khăn. Cuối cùng bà cũng thắng. Nhưng sau đó bà phát hiện mình đã đấu giá với một quý tộc, người có tổ tiên xuất hiện trong bức tranh. “Cô ấy thực sự rất quyết liệt,” Yannick nhớ lại.
“Cô ấy đã có một cuộc đời bất hạnh, nhưng khi đó cô không biết” ... Công chúa Caroline Mathilde, Willem Verelst, một phần của bộ sưu tập “Nins”. Ảnh: Album/Alamy
Họ mua tranh dựa trên điều mà Yannick gọi là "không có tiêu chí nào khác ngoài cảm xúc," nhưng tránh những tác phẩm quá cảm xúc. Khi Yannick bước quanh phòng trưng bày, bà kể một loạt những câu chuyện về sự khắc nghiệt ngẫu nhiên của số phận.
Chỉ vào một cô bé một tuổi ngồi thẳng lưng, cầm hờ chiếc áo choàng lông chồn giữa ngón tay cái và ngón trỏ, Yannick nói: "Cô ấy đã có một cuộc đời bất hạnh, nhưng khi đó cô không biết." Đứa trẻ mỉm cười trong bức tranh chính là Công chúa Caroline Mathilde của xứ Wales, được Willem Verelst vẽ vào năm 1752. Sau này, cô bị ép gả cho người anh họ, Vua Christian VII của Đan Mạch. Caroline đã có một mối tình với bác sĩ riêng của vua, dẫn đến việc vị bác sĩ bị xử tử, còn cô bị lưu đày. Caroline qua đời ở tuổi 23 vì ung thư.
Xa hơn dọc theo hàng tranh là bức “Chân dung María Concepción Montaner và Vega-Verdugo” (1853) của Gabriel Reinés Pocoví, mà Yannick miêu tả là "rất u sầu." María qua đời ở tuổi lên tám, khi một thợ xây làm việc tại điền trang gia đình cô đã ném mảnh vụn vào một đồng nghiệp mà không nhận ra rằng María đang đi bên cạnh. Trong tranh, cô bé cầm một chiếc kéo, với hai lưỡi kéo mở ra – biểu tượng của một cuộc đời bị cắt ngắn.
"Chân dung cậu bé mặc áo đỏ và dây chuyền vàng", trường phái Florence, thuộc bộ sưu tập “Nins”. Ảnh: Alamy.
Chỉ tay về phía hai bông hoa pansy – biểu tượng của sự tưởng nhớ – trong tay của một đứa trẻ nhỏ nhợt nhạt được thể hiện trong bức tranh “Chân dung cậu bé mặc áo đỏ và dây chuyền vàng” (thế kỷ 16), Yannick suy đoán rằng bức tranh này được vẽ sau khi đứa trẻ qua đời, để tưởng niệm trước khi chôn cất.
Nhìn lại, Ben và Yannick không biết mình đang tạo ra điều gì. Nó đến với họ một cách tự nhiên. “Chúng tôi là những con rối,” Ben nói. Ông ấy hỏi tôi liệu tôi có nghe nói về “kenophobia”, nỗi sợ hãi với những căn phòng trống hoặc khoảng trống: “Khi có một khoảng trống, chúng tôi phải lấp đầy nó.”
Nhưng tôi đến thăm vào thời điểm mà Ben mô tả là một dấu chấm hết. Họ đã cạn kiệt tài chính và, “không còn chỗ cho một tác phẩm nào nữa.” Bên cạnh cửa kính, nơi đóng vai trò là lối vào và lối ra của Aljibe, treo bức tranh mới nhất trong bộ sưu tập: một bức tranh năm 1632, mô tả một cậu bé với kiểu tóc ngắn, dẫn dắt một con ngựa trắng cơ bắp. Đó là món quà từ một người bạn – họ cố gắng không nhìn vào các catalogue của nhà đấu giá nữa. “Nếu không, nó sẽ trở thành vô tận.”
Giờ đây, họ đang chuẩn bị để bộ sưu tập tiếp tục tồn tại mà không có họ. Một khu vườn hoa hồng mà Yannick trồng sau khi Maima qua đời – một nỗ lực, theo bà, “để tạo ra điều gì đó hữu ích từ sự mất mát” – đã bị nhổ bỏ và thay thế bằng những cây olive, dễ chăm sóc hơn trong khí hậu thay đổi của Mallorca. Như Ben giải thích: “Chúng tôi đã đi đến cuối cuộc đời, chúng tôi phải tìm ra những giải pháp bền vững.” Và điều đó có nghĩa là, ông khẳng định, “không mua sắm thêm nữa. Đó là kế hoạch.” Anh tự kiểm điểm lại. “Chà, đó là lời hứa.”
(Xem phần 1)
Nguồn: ‘Life is short, art is long’: the couple who poured their grief into collecting child portraits
Biên dịch: Huyền Trịnh