-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Tin tức
Di sản của nhóm Baghdad Modern Art được tái hiện trong triển lãm lớn đầu tiên tại Mỹ
Từ ngày 21/6 đến 19/10/2025, triển lãm nghệ thuật All Manner of Experiments: Legacies of the Baghdad Modern Art Group tại Hessel Museum of Art (Bard College, New York) mang đến một góc nhìn đặc sắc về nghệ thuật hậu thuộc địa Iraq. Đây là triển lãm nghệ thuật lớn đầu tiên tại Mỹ tập trung vào nhóm Baghdad Modern Art – nhóm nghệ sĩ tiên phong của Iraq, thành lập năm 1951 bởi Jewad Selim và học trò Shakir Hassan Al Said.
Với sự giám tuyển của Nada Shabout, Tiffany Floyd và Lauren Cornell, triển lãm quy tụ 64 tác phẩm gồm tranh, điêu khắc và bản vẽ của 30 nghệ sĩ, trải dài từ năm 1951 đến 2023. Các tác phẩm phản ánh một giai đoạn đầy hy vọng giữa thế kỷ 20, khi Iraq đang xây dựng một nền mỹ thuật vừa gìn giữ truyền thống vừa tiếp cận quốc tế, cho đến thời kỳ chiến tranh và cô lập.
Children’s Games (1953) của Jewad Selim, đồng sáng lập Nhóm Nghệ thuật Hiện đại Baghdad. (Hình ảnh: Tư liệu: Mathaf: Arab Museum of Modern Art Doha).
Trong số đó, nhiều tác phẩm chưa từng được trưng bày trong hàng chục năm. Triển lãm không chỉ là một sự kiện nghệ thuật, mà còn là dịp tôn vinh di sản của nhóm Baghdad Modern Art, khẳng định ảnh hưởng sâu rộng của họ tới các thế hệ nghệ sĩ Iraq và Ả Rập ngày nay.
Các tác phẩm đến từ nhiều bộ sưu tập uy tín trong khu vực Ả Rập như Barjeel Art Foundation (Sharjah), Dalloul Art Foundation (Beirut), Ibrahimi Collection (Amman, Baghdad) và Qatar Museums. Đây đồng thời là một hành động tưởng niệm kho tàng nghệ thuật hiện đại của Iraq từng bị đánh cắp hoặc phá hủy trong cuộc chiến Iraq, đặc biệt là sau khi Trung tâm Nghệ thuật Saddam bị cướp phá. Theo Shabout, ước tính ít nhất 85% trong số 8.000 tác phẩm nghệ thuật hiện đại của trung tâm này đã bị thất lạc hoặc hư hại.
The Café (1958) của Shakir Hassan Al Said. (Hình ảnh: Ibrahimi Collection, Baghdad, Amman).
The Two Worshippers (1989) của Hanaa Malallah. (Hình ảnh: Ibrahimi Collection, Baghdad, Amman).
Triển lãm nghệ thuật không chỉ trưng bày tác phẩm gốc mà còn tái hiện ký ức về các tác phẩm bị đánh mất thông qua bản in, poster, phim, tài liệu và hiện vật – giúp công chúng hình dung lại trải nghiệm nghệ thuật hậu thuộc địa tại Iraq.
Nhóm Baghdad Modern Art đi theo phương pháp Istilham al turath (lấy cảm hứng từ di sản), kết hợp ngôn ngữ trừu tượng của chủ nghĩa hiện đại phương Tây với thẩm mỹ Hồi giáo và Lưỡng Hà. Cảm hứng của họ đến từ Trường phái Baghdad thế kỷ 13, đặc biệt là nghệ sĩ Yahya al-Wasiti. Họ cho rằng cuộc xâm lược của Mông Cổ năm 1258 đã làm đứt đoạn mạch phát triển mỹ thuật bản địa, và nhiệm vụ của họ là khôi phục nó.
Như Shabout nhấn mạnh, nếu nghệ sĩ ở các quốc gia hậu thuộc địa thường chuyển hóa di sản thành các hình thức nghệ thuật đương đại, thì nhóm Baghdad lại chuẩn hóa điều này thành một tiến trình nghệ thuật riêng biệt. Quá trình đó kéo dài xuyên suốt Cách mạng 1958, các biến động chính trị – xã hội, phong trào toàn Ả Rập, và sự ra đời của các thiết chế văn hóa mới.
Di sản của nhóm cũng ảnh hưởng đến các nhóm kế cận như New Vision Group (1969–1972) do Dia al-Azzawi sáng lập, và các nghệ sĩ hiện đại như Hanaa Malallah, người từng học với Shakir Hassan Al Said trước khi rời Iraq năm 2006.
All Manner of Experiments không chỉ là một sự kiện nghệ thuật, mà còn là một hy vọng mới cho thế hệ nghệ sĩ Iraq đương đại đang tìm cách tiếp cận với di sản hiện đại bị mất mát của mình.
Nguồn: The legacy of the Baghdad Modern Art Group is explored in first major US show
Quỳnh Hoa