VN | EN

Tin tức

Der Blaue Reiter: Kỵ Sĩ Lam và Cuộc Trường Chinh Trừu Tượng ( Phần 1)

Gabriele Münter - The Yellow House (1909)

Vào buổi bình minh của thế kỷ 20, khi nghệ thuật bắt đầu buông bỏ hình thức cổ điển để dấn thân vào thế giới của ý niệm và cảm xúc thuần túy, một nhóm nghệ sĩ mang tên Der Blaue Reiter (“Kỵ sĩ Lam”) đã mở đường cho một cuộc cách mạng thị giác. Trong khi các nhóm avant-garde khác còn ngần ngại trước vực thẳm của cái mới, họ đã nhảy vào đó với niềm hân hoan và sự tự do tuyệt đối.

Mang tên từ một tác phẩm thử nghiệm của Kandinsky, nhóm Der Blaue Reiter không chỉ mạo hiểm trong việc giải cấu trúc hình ảnh, mà còn truyền cảm hứng cho những thế hệ nghệ sĩ kế tiếp bằng một khát vọng: giải phóng nghệ thuật khỏi thực tại bề mặt và dẫn dắt nó vào cõi tinh thần sâu thẳm hơn.

Hãy cùng bước vào vũ trụ vạn sắc của Der Blaue Reiter – nơi huyễn tưởng gặp gỡ kỹ thuật, nơi lý thuyết hội tụ với xúc cảm – để lần theo hành trình của họ từ những phác thảo ban đầu cho đến những đỉnh cao trừu tượng, đồng thời khám phá các nghệ sĩ và tác phẩm chủ lực đã định hình nên tinh thần của phong trào này.


Khởi Nguyên của Kỵ Sĩ Lam

Ý niệm về Der Blaue Reiter được nhen nhóm trong tâm trí của họa sĩ người Nga Wassily Kandinsky. Trong tác phẩm The Blue Rider (1903), ông vẽ nên một hình tượng kỵ sĩ – một biểu tượng vừa cụ thể vừa mang tính ẩn dụ sâu sắc. Màu lam rực rỡ trong tranh không chỉ là lựa chọn thị giác, mà còn là chất liệu tâm linh, gợi lên sự siêu thoát khỏi thế giới vật chất để bước vào miền cảm nghiệm thần bí.

Chính tinh thần ấy đã hấp dẫn Franz Marc – người nhìn thấy trong bút pháp của Kandinsky một sự khai phá không giới hạn. Cùng với August Macke và một vài nghệ sĩ đồng chí hướng, họ lập nên nhóm Der Blaue Reiter, với mục tiêu đưa nghệ thuật đến gần hơn với bản thể nội tâm của con người.

Năm 1911, họ cho ra đời một bản tuyên ngôn mang cùng tên, trình bày rõ tầm nhìn và lý tưởng của mình về một nền nghệ thuật vượt thoát hình thức, chạm đến tầng sâu cảm xúc và tinh thần.


Tăng Cường Cảm Xúc Thị Giác

Der Blaue Reiter không vẽ lại thế giới – họ cảm nhận và khơi dậy thế giới qua màu sắc. Mỗi bức tranh là một rung chấn, được tạo nên từ bảng màu táo bạo và những nét cọ không ràng buộc bởi hình tướng, nhằm khuếch đại tác động cảm xúc lên người xem.


Nghệ Thuật Như Một Phương Tiện Siêu Việt

Họ xem không gian sáng tác như một “vùng đệm” giữa thực và ảo – nơi con người có thể được vận chuyển ra khỏi hiện tại, chạm đến những trạng thái tâm linh. Tác phẩm của Der Blaue Reiter không chỉ là hình ảnh, mà là cánh cổng dẫn tới trải nghiệm siêu hình.


Theo Đuổi Tính Mới Một Cách Triệt Để

Tránh xa lối vẽ quy ước, nhóm nghệ sĩ này tìm đến các nguồn cảm hứng ngoài châu Âu: nghệ thuật châu Phi, Trung Hoa, Nhật Bản... Họ tìm thấy trong đó một sự tự do hình thức và tinh thần, góp phần mở rộng từ vựng thẩm mỹ phương Tây và giải phóng tư duy sáng tạo.


Những Nghệ Sĩ và Tác Phẩm Chủ Lực

Tinh thần của Der Blaue Reiter thể hiện rõ nhất trong các tác phẩm tiêu biểu – nơi mà hình ảnh không còn là cái đích, mà chỉ là phương tiện truyền tải sự hòa quyện giữa sắc và tâm.

Improvisation 27 (Garden of Love II) (1912) – Wassily Kandinsky

Wassily Kandinsky, Improvisation 27 (Garden of Love II) (1912)

Sinh ra ở Moscow, Kandinsky từng theo học luật và kinh tế trước khi quay lưng lại với lý trí và đắm mình trong thế giới của hình và sắc. Chỉ trong vòng một thập kỷ, ông đã chuyển từ hiện thực sang trừu tượng hoàn toàn. Trong Improvisation 27, ta thấy những khối màu bùng nổ – không còn hình dáng cụ thể, chỉ còn tiết tấu thị giác tựa như một bản giao hưởng không lời.

Tiêu đề của tranh – “Improvisation” – cũng không phải là ngẫu nhiên. Kandinsky tin rằng màu sắc, giống như âm nhạc, có thể giao tiếp với linh hồn. Ông mượn ngôn ngữ của âm nhạc để vẽ tranh, và tin rằng mỗi màu là một nốt nhạc, mỗi hình là một hợp âm, tất cả hòa quyện thành bản giao hưởng trừu tượng của nội tâm con người.

 

The Foxes (1913) – Franz Marc

Franz Marc, The Foxes (1913)

Là linh hồn thơ mộng của Der Blaue Reiter, Franz Marc đã tiếp thu dòng chảy nghệ thuật hiện đại từ Munich tới Paris, nơi ông tiếp xúc với những ý tưởng táo bạo của Fauvism và Cubism. The Foxes không đơn thuần là một bức tranh về động vật – nó là sự tri ân thiêng liêng dành cho thiên nhiên, đồng thời là sân khấu cho cuộc thử nghiệm với hình học lập thể và bảng màu điện rực rỡ. Ba chú cáo phân mảnh trong hình thể, nhưng thống nhất trong nhịp điệu thị giác, thể hiện mối giao hòa giữa sinh thể và hình thức – nơi Marc không mô tả thế giới mà kiến tạo một vũ trụ tâm linh của chính mình.

 

 

(Xem phần 2)

 

Nguồn: Invaluable

Biên dịch: Trang Lê

Viết bình luận của bạn:

Tranh vẽ theo yêu cầu. Chúng tôi nhận đặt vẽ tranh theo yêu cầu với thể loại và chất liệu đa dạng. Hãy để những bức tranh nói lên phong cách của bạn.

Tải ứng dụng ngay

Google Play App Store
popup

Số lượng:

Tổng tiền:

icon icon icon