-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Tin tức
Daigo Urushi: Chất liệu sơn mài hàng đầu của Nhật Bản - cội nguồn của lịch sử hội họa Nhật Bản (P2)
Cùng là nhựa sơn mài, nhưng Urushi ở vùng Daigo lại mang đến chất lượng khác biệt so với các cây nguyên liệu được trồng tại những khu vực khác. Nhựa cây sơn mài ở đây rất giàu urushiol, một hợp chất phenolic. Hàm lượng urushiol trong nhựa cây càng cao thì nhựa cây urushi thành phẩm càng trong suốt. Urushi từ khu vực trên được đánh giá cao ở Nhật Bản và nước ngoài vì độ bóng độc đáo trên các bức tranh sơn mài cũng như những phụ kiện liên quan, mang lại cho các tác phẩm nghệ thuật cảm giác có chiều sâu và ấm áp khi được sử dụng làm lớp phủ ngoài.
Không những vậy, khái niệm Daigo Urushi còn trở nên phổ biến cho loại nhựa cây nguyên liệu cho tranh sơn mài được thu hoạch xung quanh thị trấn Daigo ở Tỉnh Ibaraki và Nakagawa ở Tỉnh Tochigi. Cái lạnh khắc nghiệt của mùa đông xung quanh Daigo là điều kiện lý tưởng để sản xuất urushi, và nó từ lâu đã nổi tiếng về chất lượng sơn mài.
Cây sơn mài Nhật Bản – nguyên liệu chính tạo nên các bức tranh sơn mài và sản phẩm sơn mài chất lượng cao
Loại sơn mài chất lượng cao này từ lâu đã được sử dụng để sơn phủ hoàn thiện trên các sản phẩm urushi cao cấp như Wajimanuri. Nghệ nhân sơn mài Urushi Ōnishi Isao cực kỳ đánh giá cao chất lượng của Daigo Urushi. Ông cho biết “việc sơn nhiều lớp sơn từ Daigo urushi sẽ tạo ra độ bóng với chiều sâu hơn bao giờ hết. Rất khó để có được ánh sáng đó với bất kỳ vật liệu nào khác.”
Cây sơn mài Nhật Bản đã được trồng từ rất lâu ở khu vực trên kể từ khi Tokugawa Mitsukuni (1628–1701), lãnh chúa thứ hai của miền Mito—cũng là nguồn cảm hứng cho nhân vật truyền hình Lord Kōmon—khuyến khích việc trồng trọt. Vào thời điểm đó, cây sơn mài này cũng được sử dụng để sản xuất sáp nến.
Vào đầu thời Minh Trị (1868–1912), khu vực cho sản lượng đạt khoảng ba tấn mỗi năm, và từ đầu thời Shōwa (1926–89), sản lượng cây cao đến mức nhiều nông dân từ các khu vực khác như Fukui, Ishikawa và Fukushimacũng đến để thu thập nhựa cây tại Daigo và Nakagawa phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau như nghệ thuật hội họa, chế tác đổ sơn mài thủ công,…
Thế nhưng, khi sơn mài rẻ hơn từ Trung Quốc và các nơi khác thịnh hành hơn ở Nhật Bản, việc sản xuất urushi bản địa bắt đầu giảm. Đã từng có hơn 150 thợ thu hoạch chuyên nghiệp khi ngành này đang ở đỉnh cao, nhưng số đó đã giảm dần và ngày nay chỉ còn lại một số ít. Thợ thu hoạch Urushi Tobita Yūzō dường như nhận thấy nguy cơ hoạt động truyền thống này biến mất và ông đã làm việc với sở nông lâm nghiệp thành phố Daigo để thành lập Hiệp hội bảo tồn sơn mài Daigo, bao gồm 10 thợ thu hoạch ở khu vực Daigo và Nakagawa vào năm 2010. Không chỉ vậy nhóm cũng quyết định tiếp thu các tên gọi khác nhau từng được sử dụng cho sơn mài địa phương, chẳng hạn như Okukuji Urushi hoặc Ibaraki Urushi, dưới tên Daigo Urushi do tầm quan trọng về lịch sử và văn hóa của nó. Tính đến năm 2023, hội hiện có 18 thành viên, bao gồm nhiều thành viên trẻ tuổi.
Để có thể lưu giữ ngành trồng trọt đã có hơn 1000 năm lịch sử, cũng như giúp một cánh tay bảo tồn tranh sơn mài truyền thống Nhật Bản, nhóm bảo tồn đã tích cực đẩy mạnh trồng cây urushi để tăng sản lượng. Trước đây tập trung vào trồng trên sườn đồi, nhưng bây giờ họ trồng trên mặt bằng để dễ quản lý hơn. Thứ hai hiệp hội tập trung hơn đào tạo người kế thừa.
Vào năm 2015, Cục Văn hóa Nhật Bản đã tuyên bố rằng chỉ nên sử dụng sơn mài trong nước để bảo quản và phục hồi các bảo vật quốc gia hoặc tài sản văn hóa quan trọng. Điều này đã làm cho Daigo Urushi trở nên quan trọng hơn như một nguồn tài nguyên để khôi phục các tài sản văn hóa, nghệ thuật hội họa. Từ đó, việc đảm bảo vật liệu chất lượng cao là một vấn đề cấp bách trong việc bảo tồn văn hóa truyền thống của Nhật Bản.
Xem thêm phần 1 tại đây
Nguồn: Daigo Urushi: Japan’s Top Lacquer and the History of Its Art | nippon.com
Biên dịch: Minh Hậu
Biên tập: Thu Huyền