-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Tin tức
Chủ nghĩa biểu hiện: Nghệ thuật của tâm trí hay sự bóp méo hiện thực? ( Phần 2)
Ernst Ludwig Kirchner
Nghệ sĩ nữ – (Ernst Ludwig Kirchner)
Là một trong những người sáng lập nhóm Die Brücke tại Dresden, Kirchner – họa sĩ người Đức – chủ yếu vẽ phong cảnh, tranh khỏa thân và các cảnh đường phố sôi động. Ông chịu ảnh hưởng rõ rệt từ nghệ thuật dân gian và các tác phẩm được trưng bày tại Bảo tàng Dân tộc học Dresden. Tác phẩm của Kirchner nổi bật với hình khối đơn giản, bố cục mạnh và bảng màu chói lọi – tất cả đều trở thành dấu ấn tiêu biểu của phong trào Biểu hiện đầu thế kỷ 20.
Emil Nolde
Emil Nolde – “Herbstmeer XVI”
Là họa sĩ, thợ in và họa sĩ màu nước mang hai dòng máu Đức – Đan Mạch, Nolde là một trong những nghệ sĩ đầu tiên làm việc hoàn toàn theo phong cách Biểu hiện. Dù chỉ gắn bó với nhóm Die Brücke trong thời gian ngắn, ông nổi tiếng với cách sử dụng màu sắc rực rỡ, dữ dội. Ngoài những chủ đề thường thấy trong nghệ thuật Biểu hiện như cuộc sống đô thị về đêm, Nolde còn khai thác phong cảnh, tôn giáo và các cảnh trong Kinh thánh với sắc thái đầy tâm linh và mãnh liệt.
Egon Schiele
Là học trò của Gustav Klimt và chịu ảnh hưởng từ Auguste Rodin, Schiele – họa sĩ người Áo – hoạt động vào đầu thế kỷ XX và nổi bật với những bức tranh khắc họa cơ thể phụ nữ mang tính khiêu gợi. Giống nhiều nghệ sĩ Biểu hiện cùng thời, ông hướng đến việc khơi gợi cảm xúc mạnh mẽ thông qua bố cục táo bạo và nét vẽ sắc lạnh. Tác phẩm của ông thường gây tranh cãi vì sự trần trụi và nhấn mạnh vào sự bất an của con người hiện đại.
Oskar Kokoschka
Oskar Kokoshka – Mädchen mit blauer Mütze (Cô gái đội mũ xanh)
Là một trong những người tiên phong của Chủ nghĩa Biểu hiện Vienna, Kokoschka – họa sĩ người Áo – nổi tiếng với nét cọ mãnh liệt, màu sắc rực rỡ và sự tập trung vào chân dung, đặc biệt là tự họa. Ông được biết đến với khả năng diễn đạt chiều sâu tâm lý trong từng nhân vật, thường phản ánh trạng thái lo âu, căng thẳng và cảm xúc bị dồn nén – những yếu tố gắn liền với nỗi bất an của thế giới hiện đại.
Marc Chagall
Marc Chagall – L’idylle en bleu dầu và màu keo trên toan
Sinh ra ở Belarus nhưng dành phần lớn sự nghiệp tại Pháp, Marc Chagall là nghệ sĩ đa tài, làm việc với nhiều chất liệu từ tranh vẽ, minh họa sách đến kính màu và thiết kế sân khấu. Dù phong cách của ông có nhiều điểm giao thoa với Chủ nghĩa Biểu hiện – đặc biệt là cảm xúc mãnh liệt và hình ảnh siêu thực – Chagall được xếp gần hơn với Chủ nghĩa Tượng trưng và Chủ nghĩa Siêu thực, do nội dung huyền ảo và cách xử lý không gian mộng tưởng đặc trưng.
James Ensor
Là một trong những người tiên phong của Chủ nghĩa Biểu hiện, họa sĩ người Bỉ James Ensor nổi tiếng với các tác phẩm biếm họa kỳ dị, sử dụng lớp sơn dày và biểu tượng ẩn dụ mạnh mẽ. Là một nhà châm biếm bẩm sinh, ông thường khai thác các chủ đề như lễ hội hóa trang, mặt nạ, bộ xương và những hình ảnh ma quái để phản ánh cái nhìn sâu cay về xã hội.
Chủ đề và Đối tượng
Các nghệ sĩ theo trường phái Biểu hiện trong đầu thế kỷ XX chủ yếu tái hiện cuộc sống đô thị hiện đại qua lăng kính đầy hoài nghi, thông qua những chân dung thấm đẫm cảm xúc, hình ảnh tượng hình mãnh liệt và phản ánh trực tiếp từ trải nghiệm của họ về Thế chiến thứ nhất.
Sau chiến tranh, giọng điệu phê phán của các họa sĩ Biểu hiện trở nên u ám hơn, phản ánh sự đổ vỡ niềm tin vào tiến bộ và nỗi ám ảnh tâm lý từ cuộc chiến. Những cảnh đường phố trong tranh thường mang sắc thái cô lập, thể hiện nỗi cô đơn đang lớn dần trong lòng xã hội hiện đại – một xã hội mà họ cảm thấy ngày càng xa lạ và mất phương hướng.
Chân dung và tự họa luôn chiếm vị trí trung tâm trong nghệ thuật Biểu hiện, song khác với những phong trào trước đó, các họa sĩ không nhằm tái hiện ngoại hình vật lý mà tìm cách lột tả thế giới nội tâm và trạng thái tinh thần của nhân vật. Bảng màu không tự nhiên, các hình khối bị bóp méo và nét vẽ dữ dội được sử dụng có chủ đích để khơi gợi cảm giác mãnh liệt nơi người xem.
Di sản và Ảnh hưởng
Chủ nghĩa Biểu hiện đã mở ra một cách tiếp cận hoàn toàn mới về việc thể hiện hình thức và định nghĩa lại vai trò của nghệ thuật trong việc phản ánh con người. Tác động của nó lan rộng suốt thế kỷ XX, đặc biệt là trong các phong trào nghệ thuật đề cao cảm xúc cá nhân và trải nghiệm tâm linh.
James Ensor – Rien faire et laisser rire.
Với màu sắc dữ dội và nét cọ biểu cảm, chủ nghĩa Biểu hiện đặt nền móng cho sự xuất hiện của Chủ nghĩa Biểu hiện Trừu tượng, vốn kế thừa tinh thần bác bỏ hình thức hiện thực và lý thuyết màu sắc truyền thống. Thế hệ họa sĩ sau này đẩy ý tưởng ấy đi xa hơn nữa, thậm chí tiến tới trừu tượng hoàn toàn, để biểu đạt trạng thái cảm xúc sâu kín mà hình ảnh cụ thể không thể truyền tải.
Dù được phát triển mạnh vào đầu thế kỷ XX, chủ nghĩa Biểu hiện có một "cuộc tái sinh" vào những năm 1980 qua phong trào Tân Biểu hiện (Neo-Expressionism). Như một phản ứng trước sự khô khan của nghệ thuật tối giản và khái niệm, Tân Biểu hiện khơi dậy trở lại tinh thần của hội họa cảm xúc và hình tượng. Những nhánh như Neue Wilden (Đức), Transavanguardia (Ý) và Figuration Libre (Pháp) đã góp phần đưa ngôn ngữ Biểu hiện trở lại đời sống nghệ thuật đương đại với một diện mạo mới, dữ dội và thách thức hơn.
Nguồn: In Good Taste
Biên dịch: Trang Lê