-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Tin tức
Chủ nghĩa biểu hiện: Nghệ thuật của tâm trí hay sự bóp méo hiện thực? ( Phần 1)
Wassily Kandinsky – Ngẫu hứng 3
Chủ nghĩa biểu hiện ra đời như một phản ứng táo bạo trước chủ nghĩa ấn tượng và hậu ấn tượng, mở đường cho nhiều phong trào nghệ thuật hiện đại đậm chất cảm xúc, đặc biệt là sự xuất hiện của chủ nghĩa biểu hiện trừu tượng sau này. Xuất hiện vào đầu thế kỷ XX, chủ nghĩa biểu hiện gắn liền với các nhóm nghệ sĩ người Đức như Die Brücke và Der Blaue Reiter, nhưng ảnh hưởng của nó lan rộng khắp châu Âu, chịu tác động từ chủ nghĩa tượng trưng Pháp, nghệ sĩ Bỉ như James Ensor và các cách tiếp cận hậu ấn tượng trước đó.
Dù bắt nguồn ở Đức, chủ nghĩa biểu hiện nhanh chóng lan tỏa sang các quốc gia khác, khi nghệ sĩ ở khắp châu Âu tiếp thu và phát triển các ý tưởng cùng phong cách đặc trưng. Ngày nay, thuật ngữ “chủ nghĩa biểu hiện” có thể dùng để chỉ nhiều thời kỳ nghệ thuật khác nhau, miễn là tác phẩm nhấn mạnh cảm xúc chủ quan và trải nghiệm nội tâm. Rốt cuộc, người ta vẫn nói: chủ nghĩa biểu hiện không chỉ là một phong cách nghệ thuật mà còn là một trạng thái tinh thần.
Nguồn gốc và ảnh hưởng
Egon Schiele – Sich entkleidendes Mädchen (Cô gái cởi quần áo)
Vào đầu thế kỷ XX, chủ nghĩa biểu hiện ra đời như một phản ứng trực tiếp trước những biến động xã hội, chính trị và văn hóa mạnh mẽ. Khi công nghiệp hóa và hiện đại hóa làm thay đổi bộ mặt các thành phố, các nghệ sĩ biểu hiện tìm cách khắc họa hiện thực khắc nghiệt và tâm trạng bất ổn của con người trong một thế giới đang chuyển mình. Trong khi ấn tượng và hậu ấn tượng nhấn mạnh vẻ đẹp của cuộc sống hiện đại, thì chủ nghĩa biểu hiện lại tập trung vào sự hỗn loạn tinh thần mà thời đại đó mang đến, đề cao cảm nhận chủ quan hơn là hình ảnh khách quan.
Phong trào này cũng chịu ảnh hưởng sâu sắc từ chủ nghĩa tượng trưng — đặc biệt tại Pháp, Bỉ và Đông Âu — vốn đề cao cách thể hiện huyền bí và cảm xúc hơn là tái hiện thực tại. Bên cạnh đó, các nhà lãng mạn Đức — những người đặt cảm xúc lên hàng đầu trong văn chương và nghệ thuật — cũng có ảnh hưởng lớn đến mỹ học của chủ nghĩa biểu hiện. Cũng như nhiều nghệ sĩ hiện đại khác, các nghệ sĩ biểu hiện tìm đến nghệ thuật châu Phi và châu Đại Dương, cho thấy sự quan tâm của châu Âu với những hình thức nghệ thuật phi phương Tây và vai trò của chúng trong việc hình thành nên thẩm mỹ hiện đại ban đầu.
Đặc điểm và kỹ thuật
Đúng như tên gọi, trọng tâm của chủ nghĩa biểu hiện là biểu đạt thế giới nội tâm của nghệ sĩ. Điều này có thể được thể hiện qua nhiều hình thức khác nhau, nhưng luôn đặt cảm xúc cá nhân và sự bóp méo hiện thực lên hàng đầu nhằm truyền tải trạng thái tâm lý.
Là một khái niệm thẩm mỹ rộng, chủ nghĩa biểu hiện ảnh hưởng đến kiến trúc, sân khấu, văn học và cả vũ đạo. Trong nghệ thuật thị giác, điểm đặc trưng là việc tái tạo thực tại không như nó vốn có, mà theo cách nghệ sĩ cảm nhận. Tranh biểu hiện thường sử dụng màu sắc mãnh liệt và hình dạng biến dạng, nhưng phong cách rất đa dạng — từ sự lo âu về đời sống đô thị trong Die Brücke, đến xu hướng trừu tượng hóa và tâm linh trong Der Blaue Reiter. Tựu trung, chủ nghĩa biểu hiện mời gọi người xem mở rộng quan niệm về vai trò của nghệ thuật và giới hạn của biểu đạt thị giác.
Những nhân vật chính
Tại Đức cũng như nhiều khu vực khác ở châu Âu, có thể kể đến một danh sách dài các nghệ sĩ cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX được xem là trung tâm của phong trào biểu hiện. Dưới đây là một số tên tuổi tiêu biểu bạn nên biết đến:
Vincent Van Gogh
Vincent van Gogh – La Mousmé
Họa sĩ người Hà Lan nổi tiếng này có sự nghiệp ngắn ngủi nhưng vô cùng sung mãn vào cuối thế kỷ 19, với hơn 2.000 tác phẩm nghệ thuật được hoàn thành trong vòng một thập kỷ. Ông chủ yếu sử dụng sơn dầu, sáng tác về phong cảnh, tĩnh vật, chân dung và tự họa. Dù thường được xếp vào nhóm Hậu ấn tượng, việc Van Gogh sử dụng màu sắc mạnh, nét cọ mãnh liệt và kỹ thuật đắp sơn dày đã ảnh hưởng sâu sắc đến các họa sĩ Biểu hiện sau này. Dù bản thân ông không trực tiếp thuộc trường phái Biểu hiện, chiều sâu cảm xúc và bảng màu táo bạo trong tranh của ông đã truyền cảm hứng mạnh mẽ cho thế hệ kế tiếp. Van Gogh chỉ được công nhận trong năm cuối đời, nhưng ngày nay, tác phẩm của ông thuộc hàng giá trị nhất thế giới.
Edvard Munch
Tiếng thét
Ban đầu làm việc theo phong cách Tượng trưng, họa sĩ người Na Uy này nổi tiếng nhất với tác phẩm The Scream (Tiếng thét) năm 1893. Munch tập trung vào các chủ đề cảm xúc và tâm lý – những yếu tố gần như tiên đoán sự hình thành của Chủ nghĩa Biểu hiện. Bị giằng xé bởi những vấn đề sức khỏe tâm thần, ông đồng cảm sâu sắc với tư tưởng của trường phái Biểu hiện, vốn đặt cảm xúc nội tâm làm trung tâm. The Scream, được thực hiện hai lần bằng phấn màu và hai lần bằng sơn, thường được xem là biểu tượng cho sự lo âu hiện sinh – một chủ đề then chốt của Chủ nghĩa Biểu hiện.
Wassily Kandinsky
Wassily Kandinsky, Transverse Line, 1923
Một trong những nhân vật chủ chốt của Chủ nghĩa Biểu hiện Đức, Kandinsky – họa sĩ người Nga – dành phần lớn thời kỳ đầu sáng tác tại Munich. Ông cùng Franz Marc đồng sáng lập nhóm Der Blaue Reiter (Kỵ sĩ Xanh), mang biểu tượng tâm linh thay vì chỉ định một tác phẩm cụ thể. Nhóm đã tổ chức nhiều triển lãm từ năm 1911 đến 1914, quy tụ các nghệ sĩ Biểu hiện hàng đầu. Với cách tiếp cận nghệ thuật như một hình thức trải nghiệm tâm linh, Kandinsky đã mở đường cho Chủ nghĩa trừu tượng và truyền cảm hứng sâu rộng trong giới nghệ sĩ Biểu hiện.
Nguồn: In Good Taste
Biên dịch: Trang Lê