Tin tức

Các nhà bảo tồn loại bỏ các lớp trang điểm trên bức tranh chân dung một phụ nữ quý tộc thế kỷ 17

Kỹ thuật trang điểm airbrushing (dùng súng phun kem nền giúp tạo ra một lớp nền hết sức mỏng, đồng đều, và mịn màng) hay các hiệu ứng làm đẹp là những thứ quá phổ biến với các bạn trẻ trong xã hội hiện đại ngày nay. Nhưng công việc bảo tồn một bức tranh chân dung được vẽ vào thế kỷ 17 được thực hiện gần đây đã tiết lộ rằng việc chỉnh sửa hình ảnh vốn dĩ cũng chẳng phải điều gì mới mẻ. 

(Chuyên gia hội họa Alice Tate-Harte của English Heritage hoàn thành việc bảo tồn bức tranh của nữ quý tộc thế kỷ 17 Diana Cecil. Ảnh: Christopher Ison/English Heritage)

English Heritage, một tổ chức quản lý hơn 400 tòa nhà, tượng đài và di tích lịch sử ở Anh, đã phát hiện ra rằng một bức tranh chân dung có niên đại gần 4 thế kỷ đã được chỉnh sửa sau đó để “cải thiện” diện mạo của nhân vật.

(Bức tranh chân dung sơn dầu trước khi những vết trang điểm thêm vào trước đó được nhóm bảo tồn gỡ bỏ. Ảnh: English Heritage)

Các nhà phục chế đã giúp công chúng thấy được “ bộ mặt thật” của nữ quý tộc Diana Cecil, sau khi dành hàng giờ để loại bỏ những vết trang điểm đã được thêm vào trên khuôn mặt của cô.

Cecil (1596–1654), là chắt gái của William Cecil, Lãnh chúa vùng Burghley, một trong những người bạn và cố vấn thân thiết nhất của Nữ hoàng Elizabeth Đệ nhất của Vương Quốc Anh. Gia đình Cecil có quyền lực và mức ảnh hưởng rất lớn ở thời đại Jacobean.

(Sau công tác bảo tồn, bức tranh hiện đang được giới thiệu tới công chúng ở London, kể từ ngày 30 tháng 11 năm 2023. Ảnh: English Heritage)

Theo English Heritage, Cecil là "một trong những mỹ nhân xuất sắc của thời đại" bấy giờ nhưng người ta phát hiện ra bức tranh dài nguyên gốc đã trải qua một số thay đổi về mặt thẩm mỹ kể từ khi nó được vẽ vào thế kỷ 17.

Đôi môi của Cecil được làm đầy đặn hơn và đường chân tóc của cô được hạ bớt về phía trước, tạo ra cảm giác là vầng trán bị nhỏ đi.

Các nhà phục chế tranh phát hiện ra rằng bức tranh tại một thời điểm nào đó đã bị cuộn bớt lại theo chiều rộng, gây ra “thiệt hại đáng kể”. Tác phẩm hiện đang được trưng bày tại Kenwood House ở London, bắt đầu từ ngày 30 tháng 11.

Chính vì lý do này mà một lớp phủ đã được thêm vào. English Heritage cho rằng những thay đổi này đã được thực hiện vào khoảng cuối thế kỷ 19 hoặc đầu thế kỷ 20.

Dự án trùng tu rộng rãi gần đây không chỉ trả lại đường chân tóc và đôi môi cho Cecil như mô tả ban đầu mà còn loại bỏ các lớp sơn bóng cũ đã ố vàng.

Điều này còn dẫn đến một phát hiện đáng ngạc nhiên khác. Ẩn sau tấm rèm phía sau nhân vật là chữ ký của họa sĩ Cornelius Johnson và số năm 1634 - tức là sớm hơn bốn năm so với thời điểm mà người ta tin rằng bức tranh chân dung này đã được tạo ra.

Alice Tate-Harte, người bảo quản các bộ sưu tập mỹ thuật tại English Heritage, cho biết trong một thông cáo báo chí: “Là một người bảo tồn tranh, tôi cũng thường ngạc nhiên khi thấy những màu sắc sống động và đậm nét được lộ ra khi tôi loại bỏ những lớp sơn bóng cũ, ố vàng khỏi các bức tranh chân dung, nhưng việc phát hiện ra các đặc điểm của Cecil đã bị thay đổi quá nhiều chắc chắn là một điều quá bất ngờ với tôi!

“Mặc dù lý do ban đầu của việc sơn đè có thể là để che đi những hư hại do bức tranh chân dung bị cuộn lại, nhưng người phục chế chắc chắn đã sơn thêm vào bức hoạ này theo những sở thích cá nhân để khuôn mặt của cô ấy trông “ngọt ngào” hơn. Tôi hy vọng là tôi đã “lấy lại công lý cho Celine” bằng cách loại bỏ những phần bổ sung đó và giới thiệu khuôn mặt tự nhiên của cô ấy với thế giới.”

Bức tranh chân dung mới được cập nhật được trưng bày bên cạnh bức tranh chân dung của chồng Cecil, Thomas Bruce, Bá tước thứ nhất của vùng Elgin.

 

Nguồn: https://edition.cnn.com/2023/11/24/style/portrait-noblewoman-restored-gbr-scli-intl

Biên dịch: Huyền Trịnh

Biên Tập: Thu Huyền

Viết bình luận của bạn:

Tranh vẽ theo yêu cầu. Chúng tôi nhận đặt vẽ tranh theo yêu cầu với thể loại và chất liệu đa dạng. Hãy để những bức tranh nói lên phong cách của bạn.

Tải ứng dụng ngay

Google Play App Store
popup

Số lượng:

Tổng tiền:

icon icon icon