VN | EN

Tin tức

Bức tranh thời kì Phục Hưng này không chỉ được vẽ bởi một hay hai, mà là tận ba bậc thầy

(Giovanni Bellini, Lễ hội của các vị thần (1514/1529). Được cung cấp bởi Phòng trưng bày nghệ thuật quốc gia, Washington.)

Đôi khi, để tạo ra một kiệt tác thật sự vĩ đại, cần đến sự góp sức của nhiều người. Giống như ca khúc "The Monster" cần cả Eminem lẫn Rihanna, hay "Under Pressure" cần Queen cùng David Bowie, thì The Feast of the Gods (1514–1529) cũng cần đến ba danh họa bậc thầy: Giovanni Bellini, Titian và Dosso Dossi.

Bức tranh mô tả một buổi tụ hội của các vị thần và nữ thần La Mã giữa khu rừng tươi tốt, xung quanh họ là các thần rừng và tiên nữ. Xuất hiện trong tranh có Jupiter (thần bầu trời), Neptune (thần biển cả), Apollo (thần mặt trời) và Mercury (thần thương mại). Sau lưng Mercury là một nữ tiên đang phục vụ và một thần rừng đang cầm vật được cho là ví dụ cổ nhất về gốm sứ Trung Hoa được vẽ trong nghệ thuật châu Âu. Một vị thần khác trong tranh là Bacchus – thần rượu vang, được thể hiện như một đứa trẻ nhỏ đang cúi người hứng rượu chảy ra từ một thùng gỗ. Ở phía bên phải là tiên nữ Lotis và thần sinh sản Priapus (thường được biết đến trong hội họa với biểu tượng dương vật lớn, nhưng lần này được che dưới lớp áo choàng), người sẽ cố cưỡng hiếp tiên nữ trong lúc nàng ngủ say – trước khi bị con lừa của Silenus, người thầy già của Bacchus, đánh thức nàng.

( Chi tiết của Bữa tiệc của các vị thần cho thấy Bacchus trẻ tuổi và đồ sứ Trung Quốc. Được cung cấp bởi Phòng trưng bày nghệ thuật quốc gia, Washington.)

Cảnh tượng này được lấy cảm hứng từ tác phẩm “Fasti” của nhà thơ La Mã Ovid – một bài thơ gồm sáu quyển ra mắt lần đầu vào năm 8 sau Công nguyên, nghiên cứu về các tập tục và lịch sử các lễ hội La Mã. Những bức tranh mô tả nhiều vị thần cùng dự tiệc trở nên phổ biến trong thế kỷ 16 tại Ý và Bắc Âu, và The Feast of the Gods được xem là ví dụ quan trọng đầu tiên cho chủ đề này.

The Feast of the Gods là bức đầu tiên trong loạt sáu tác phẩm vẽ về các buổi lễ hội thần thoại (gọi là “bacchanals”) được công tước Alfonso d’Este – Công tước thành Ferrara – đặt hàng họa sĩ Giovanni Bellini thực hiện. Sáu bức tranh này được thiết kế để trưng bày trong một căn phòng mới xây trong dinh thự của Công tước, gọi là “Camerino d’alabastro” – tức “phòng nhỏ bằng đá thạch cao”.

( Chi tiết từ The Feast of the Gods cho thấy Priapus đang tiến đến gần Lotis đang ngủ. Được cung cấp bởi Phòng trưng bày Nghệ thuật Quốc gia, Washington.)

The Feast of the Gods là tác phẩm cuối cùng mà họa sĩ Bellini hoàn thành – ông bắt đầu khi đã hơn 80 tuổi và hoàn thành hai năm trước khi qua đời. Gần một thập kỷ sau, Công tước mời họa sĩ Dosso Dossi – người sinh ra tại Mantua – để sửa đổi lại cảnh tượng. Dossi chỉnh sửa phần phong cảnh bên trái và thêm vào phía trên bên phải một con chim trĩ cùng những chiếc lá được nhấn sáng nổi bật trên một cái cây. Dù ngày nay Dossi ít nổi tiếng hơn so với các cộng sự của mình, ông từng làm việc nhiều lần cho Công tước: vẽ một dải tranh tường cho phòng Camerino mô tả các cảnh trong sử thi Aeneid của Virgil, một buổi bacchanal khác và một bức chân dung Công tước trong trang phục Hiệp sĩ Dòng Thánh Michael.

Titian là họa sĩ cuối cùng đặt nét cọ lên tác phẩm này. Ông từng là học trò của Bellini (ban đầu học dưới sự chỉ dẫn của anh trai Bellini là Gentile) ở Venice, nơi Bellini là một trong những họa sĩ hàng đầu thành phố. Những năm cuối đời của Bellini, Titian đảm nhận hoàn thiện những tác phẩm còn dang dở của ông khi cả hai cùng làm việc tại Cung điện Doge. Khi được yêu cầu sửa lại The Feast of the Gods, Titian đã vẽ đè lên phần phong cảnh mà Dossi từng chỉnh sửa, thay thế bằng một cảnh núi non.

( Chi tiết về loài chim trĩ Dossi. Được cung cấp bởi Phòng trưng bày nghệ thuật quốc gia, Washington)

The Feast of the Gods không phải là đơn đặt hàng duy nhất mà Titian nhận được từ Công tước. Họa sĩ này đã thực hiện hai bức chân dung của Alfonso cũng như ba bức bacchanal khác: The Worship of Venus, The Bacchanal of the Andrians (cả hai hiện thuộc bộ sưu tập của Bảo tàng Prado tại Madrid), và Bacchus and Ariadne (thuộc sở hữu của Phòng trưng bày Quốc gia ở London). Ông cũng từng vẽ chân dung người vợ thứ ba và cuối cùng của Công tước – Laura Dianti – mười một năm trước khi họ kết hôn vào năm 1534, không lâu trước khi Alfonso qua đời. Chân dung người vợ thứ hai của d’Este – Lucrezia Borgia – được cho là xuất hiện trong The Feast of the Gods. Những lựa chọn bố cục mà Titian thực hiện khi chỉnh sửa bức tranh này có thể đã được cân nhắc để phù hợp với các tác phẩm khác mà ông thực hiện cho phòng Camerino của Công tước.

Hiện nay, The Feast of the Gods thuộc bộ sưu tập của Bảo tàng Nghệ thuật Quốc gia Hoa Kỳ tại Washington. Bảo tàng đánh giá đây là “một trong những bức tranh thời Phục Hưng vĩ đại nhất tại Hoa Kỳ.” Tác phẩm này thật sự đặc biệt bởi dấu ấn riêng biệt của từng họa sĩ góp phần: các nhân vật của Bellini vẫn nguyên vẹn, màu xanh đặc trưng của Titian rực rỡ trên bầu trời và trang phục các vị thần, còn chú chim trĩ của Dossi thì vẫn đậu yên trên cành cây suốt hơn 500 năm.

Nguồn : This Renaissance Painting Was Made by Not One or Two, But Three Old Masters

Biên dịch : Bảo Long

 

 

Viết bình luận của bạn:

Tranh vẽ theo yêu cầu. Chúng tôi nhận đặt vẽ tranh theo yêu cầu với thể loại và chất liệu đa dạng. Hãy để những bức tranh nói lên phong cách của bạn.

Tải ứng dụng ngay

Google Play App Store
popup

Số lượng:

Tổng tiền:

icon icon icon