-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Tin tức
Bức tranh Rubens này có thật không? Bên trong cuộc tranh luận về “Samson và Delilah”
( Peter Paul Rubens, Samson and Delilah (ca. 1609/10). Collection of the National Gallery, London.)
Một cuộc tranh luận lâu dài về tính xác thực của tác phẩm của họa sĩ Baroque Flemish thế kỷ 17 - Peter Paul Rubens - hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Quốc gia ở London đã được khơi dậy trở lại bởi một cuốn sách mới, trong đó khẳng định phiên bản Samson và Delilah của bảo tàng là một bản sao từ thế kỷ 20 – một tuyên bố bị các học giả hàng đầu kiên quyết bác bỏ.
Samson và Delilah (1609–1610) được Bảo tàng Quốc gia mua lại vào năm 1980 trong một phiên đấu giá của Christie’s với giá 2,5 triệu bảng Anh (tương đương khoảng 5 triệu đô la Mỹ thời điểm đó), một con số kỷ lục vào thời bấy giờ. Bức tranh mô tả khoảnh khắc Delilah phản bội Samson bằng cách quyến rũ anh ta và sau đó sai người cắt tóc anh, khiến anh mất đi sức mạnh siêu nhiên. Theo các tài liệu lịch sử, tác phẩm được ủy quyền bởi người bạn của nghệ sĩ là Nicolaas II Rockox, và cách sử dụng ánh sáng tương phản cùng màu sắc phong phú được lấy cảm hứng từ chuyến đi đến Ý, nơi Rubens từng ngưỡng mộ tác phẩm của Caravaggio. Tại Bảo tàng Quốc gia, bức tranh được xem là một trong 30 kiệt tác tiêu biểu trong bộ sưu tập của bảo tàng, đóng vai trò quan trọng trong di sản Hội họa phương Tây.
Vậy điều gì đã khiến kiệt tác này trở thành tâm điểm của những nghi ngờ kéo dài suốt nhiều năm qua? Hãy cùng phân tích toàn bộ diễn biến.
Biến mất suốt ba thế kỷ
Bức tranh gốc được cho là đã biến mất vào khoảng năm 1641, không lâu sau khi Rockox qua đời. Khi tác phẩm tái xuất ở Paris vào năm 1929, ban đầu nó được cho là của Gerrit van Honthorst, một nghệ sĩ Hà Lan theo trường phái Caravaggio. Tuy nhiên, Ludwig Burchard – một học giả người Đức và là chuyên gia về Rubens – đã tuyên bố đây là tác phẩm của Rubens và ký chứng nhận xác thực tính tác giả.
Sau khi Burchard qua đời vào năm 1960, người ta phát hiện ông đã giả mạo chứng nhận cho khoảng 60 tác phẩm là của Rubens để phục vụ mục đích thương mại cá nhân. Theo ArtWatch U.K. – một tổ chức độc lập giám sát giới bảo tồn và các bảo tàng nghệ thuật – hàng chục tác phẩm sau đó đã bị “giáng cấp” trong chính tập hợp Corpus Rubenianum.
Tuy nhiên, Rubenshuis ở Antwerp – ngôi nhà và xưởng vẽ cũ của Rubens – vẫn khẳng định Burchard là “chuyên gia Rubens vĩ đại nhất thế kỷ 20”, và bộ sưu tập các bài viết của ông vẫn là nền tảng cốt lõi trong thư viện của tổ chức này, phản ánh vai trò của ông trong lịch sử Hội họa.
Những điểm không nhất quán trong chi tiết?
Họa sĩ kiêm nhà văn người Hy Lạp Euphrosyne Doxiadis đã dành nhiều thập kỷ để phân tích Samson và Delilah cho cuốn sách mới của mình mang tên NG6461: The Fake Rubens, hiện đang thu hút sự quan tâm trở lại về lịch sử của tác phẩm. Trong cuốn sách được Nhà xuất bản Đại học Columbia phát hành vào ngày 12 tháng 3, Doxiadis tuyên bố bức tranh tại Bảo tàng Quốc gia là một bản sao. Như bà đã từng chia sẻ vào năm 2021, nghi ngờ của bà bắt đầu ngay khi lần đầu tiên nhìn thấy bức tranh vào năm 1987. Năm 1992, bà gửi báo cáo chi tiết về những nghi vấn của mình đến bảo tàng, đồng thời lập một trang web chuyên để bác bỏ bức tranh này.
Doxiadis là một phần của cộng đồng hoài nghi gồm Michael Daley thuộc ArtWatch U.K. và nhà nghiên cứu độc lập Kasia Pisarek. Trong cuốn sách mới, Doxiadis tập trung vào một số chi tiết trong tranh mà bà cho là có chất lượng kém, hoàn toàn không thể do Rubens vẽ, được bà chứng minh bằng cách so sánh với các kiệt tác đã được xác nhận. Một dẫn chứng quan trọng là ngón chân của Samson trong bức tranh bị cắt cụt tại rìa bố cục, trong khi ở bản sao thế kỷ 17 của Jacob Matham, ngón chân của nhân vật lại hiện rõ.
( Samson and Delilah (ca. 1612) by Jacob Matham, after Peter Paul Rubens.)
Người phát ngôn của Bảo tàng Quốc gia đã đưa ra tuyên bố rằng Samson và Delilah “từ lâu đã được các học giả về Rubens công nhận.” Bảo tàng không thấy có lý do để cập nhật kết quả khảo sát kỹ thuật ban đầu từ năm 1983, bởi “những phát hiện vẫn còn giá trị.”
Dù những ý kiến phản biện từ các nhà nghiên cứu như Doxiadis vẫn tồn tại, các học giả hàng đầu trong lĩnh vực Hội họa đều ủng hộ mạnh mẽ tính xác thực của Samson và Delilah. Trong số đó có Nils Büttner – Chủ tịch Trung tâm Rubenianum ở Antwerp – người đang thực hiện Corpus Rubenianum, bộ danh mục đầy đủ nhất về các tác phẩm của Rubens. Ông từng gọi những nghi ngờ về nguồn gốc của bức tranh là “thuyết âm mưu.”
Büttner từ chối bình luận về cuốn sách của Doxiadis.
Về phía mình, Doxiadis cáo buộc Trung tâm Rubenianum đang “sùng bái cá nhân” Burchard, bất chấp những sai lệch của học giả này. Bà so sánh bản thân với Giorgio Vasari – họa sĩ, nhà sử học và tiểu sử gia thời Phục Hưng – và phát biểu: “Chúng tôi, những người họa sĩ, có thể nói và viết một cách hợp lý nhất về các bức tranh.” Ý bà là kinh nghiệm thực hành trong Hội họa mang lại sự hiểu biết thực tiễn sâu sắc hơn giới học thuật.
Quan điểm của Büttner được ủng hộ bởi các chuyên gia như Adam Busiakiewicz – giảng viên kiêm cố vấn về tranh Old Masters tại Sotheby’s. Ông chỉ ra với báo Telegraph rằng Doxiadis không phải là học giả chuyên nghiên cứu thời kỳ này và trước đây chủ yếu xuất bản về thời kỳ Hy-La cổ đại. Dù bà có “linh cảm rằng chất lượng bức tranh không đủ tốt,” theo ông, “vẫn có những sự hiểu nhầm nhất định xoay quanh tác phẩm này.”
Nan đề trong thẩm định chuyên sâu
Busiakiewicz giải thích rằng việc so sánh Samson và Delilah với các tác phẩm khác của Rubens là rất phức tạp, đặc biệt khi các tác phẩm được sáng tác cách nhau hàng thập kỷ. “Rubens là nghệ sĩ thay đổi phong cách trong suốt sự nghiệp của mình,” ông nói. “Các nhà sử học nghệ thuật chuyên sâu về Rubens có thể lần theo được sự thay đổi này.” Đây là lý do bức tranh tại Bảo tàng Quốc gia thường được liên hệ với sự ảnh hưởng của Caravaggio và các bậc thầy Phục Hưng mà Rubens từng gặp trong chuyến đi đến Ý.
( Rubens’ Samson and Delilah (1610) goes on show during the press preview of Rubens : A Master in the Making inside the National Gallery in central London. Photo: Johnny Green, PA)
“Tôi cũng muốn nói thêm rằng khi bạn làm việc tại một nhà đấu giá như tôi từng làm, bạn sẽ dễ dàng nhận ra đâu là bản sao – chúng có vẻ ‘chết’ và không mang thần thái của kiệt tác,” Busiakiewicz nhận định. “Rất dễ để phát hiện bản sao thế kỷ 20 – sắc tố màu sẽ khác hẳn, và điều đó không xuất hiện trong tác phẩm này.”
Đây không phải lần đầu tiên Samson và Delilah bị nghi ngờ về tính xác thực. Năm 2021, công ty công nghệ Thụy Sĩ Art Recognition đã sử dụng trí tuệ nhân tạo để phân tích phiên bản kỹ thuật số của bức tranh. Kết quả cho thấy có 91% khả năng đây là tranh giả.
“Tôi thực sự rất sốc,” Carina Popovici – đồng sáng lập Art Recognition – chia sẻ với báo Guardian vào thời điểm đó. “Chúng tôi đã lặp lại các thí nghiệm nhiều lần để chắc chắn rằng mình không mắc sai lầm, và kết quả vẫn luôn như vậy.”
Một tác phẩm khác của Rubens trong bộ sưu tập của bảo tàng, A View of Het Steen in the Early Morning, lại có kết quả tích cực hơn dưới phân tích của AI – với 98,8% khả năng là tranh thật.
Mặc dù AI đang ngày càng được sử dụng trong xác minh tác phẩm nghệ thuật, độ tin cậy của nó vẫn còn nhiều tranh cãi – đặc biệt là với trường hợp của Rubens, người từng cộng tác với nhiều xưởng vẽ và thực hiện Hội họa ở nhiều chất liệu khác nhau.
Vào năm 2021, kết luận của Art Recognition về Samson và Delilah chưa được công bố trong bất kỳ bài nghiên cứu học thuật có phản biện nào. Do đó, Bảo tàng Quốc gia nhận định hợp lý rằng, cho đến khi toàn bộ nghiên cứu được công bố đầy đủ “để các bằng chứng có thể được đánh giá một cách đúng đắn,” họ “chưa thể đưa ra bình luận thêm.” Hiện tại, các bằng chứng mới vẫn chưa được cung cấp.
Nguồn : Is This Rubens Real? Inside the ‘Samson and Delilah’ Debate
Biên dịch : Bảo Long