VN | EN

Tin tức

Bên trong Laurent House của Frank Lloyd Wright – công trình được kiến tạo từ tư duy tiếp cận

Kiến trúc hiện đại của Frank Lloyd Wright – nổi bật với mặt bằng mở, cách tổ chức không gian nhà hiệu quả và đề cao tính công năng – từ lâu đã được xem là gần gũi với tư duy thiết kế dành cho mọi người. Ít nhất đó là điều Kenneth Laurent tin tưởng. Là một cựu binh Thế chiến thứ hai, Kenneth bị liệt nửa thân dưới do chấn thương cột sống và phải gắn bó với xe lăn suốt đời. Sau khi vợ ông, bà Phyllis, đọc được bài viết về công trình của Wright, Kenneth đã viết thư cho vị kiến trúc sư:


“Tôi bị liệt từ thắt lưng trở xuống và do hoàn cảnh đó, tôi buộc phải sử dụng xe lăn. Điều này lý giải vì sao tôi cần một ngôi nhà vừa thực tế, vừa hợp lý – như chính tinh thần kiến trúc của ông.”

 

 

Wright đã chấp nhận thử thách ấy, thiết kế nên ngôi nhà duy nhất trong sự nghiệp của ông dành riêng cho một người khuyết tật – hàng thập kỷ trước khi Đạo luật Người Mỹ Khuyết tật (ADA) ra đời và khi khái niệm “thiết kế tiếp cận” còn chưa phổ biến. Kết quả là Ngôi nhà Laurent, hoàn thành năm 1952 tại Rockford, bang Illinois.

 

 

Ngôi nhà chỉ gồm một tầng, với những yếu tố tiếp cận được tích hợp hoàn hảo vào tổng thể kiến trúc. Hành lang và lối đi đủ rộng cho xe lăn; bàn làm việc và nội thất được thiết kế ở độ cao phù hợp; không gian trong nhà mở giúp di chuyển thuận tiện; ngưỡng cửa được làm phẳng; và lối kết nối giữa trong – ngoài được xử lý mượt mà. Khu vệ sinh – vốn hiếm khi rộng rãi trong thiết kế của Wright – ở đây lại đủ lớn để có thể vào thẳng bằng xe lăn, với buồng tắm không bậc.

 

 

Tuy sở hữu nhiều đổi mới về tính năng, Laurent House vẫn là một trong những ví dụ tiêu biểu của phong cách Usonian mà Wright theo đuổi: một kiểu nhà đặc trưng Mỹ, hướng đến sự tiện nghi, thẩm mỹ và khả năng tiếp cận kinh tế cho đại chúng.

Trên khu đất rộng 1,3 mẫu dốc xuống một nhánh suối, ngôi nhà 260 m² được hòa quyện khéo léo vào cảnh quan thiên nhiên. Những đường nét ngang đặc trưng, vật liệu hữu cơ tiết kiệm như gỗ tuyết tùng đỏ và gạch thô Chicago làm nên vẻ đẹp gần gũi và bền vững. Một trong những điểm nhấn lớn nhất của ngôi nhà là thiết kế solar hemicycle (bán nguyệt hướng mặt trời) – một hình thức mà Wright chỉ áp dụng duy nhất tại đây ở công trình một tầng. Một vách kính cong dài 15m hướng tây bắc mở rộng tầm nhìn và xoá nhoà ranh giới giữa nội thất và ngoại cảnh.

 

 

Trong suốt những năm tháng sống tại đây, gia đình Laurent đã giữ mối quan hệ thân tình với Frank Lloyd Wright. Năm 1958, họ nhờ ông thiết kế thêm phần mở rộng cho ngôi nhà, nhưng Wright qua đời trước khi hoàn thành bản vẽ. Một học trò cũ của ông đã tiếp tục thực hiện công trình.

Cả Kenneth và Phyllis đều sống trọn đời tại ngôi nhà này. Sau khi Kenneth qua đời vào năm 2012, ngôi nhà được một tổ chức phi lợi nhuận tiếp nhận, phục dựng và từ năm 2014, mở cửa cho công chúng tham quan. Hiện nay, ngôi nhà được quản lý bởi Quỹ Laurent House và được đánh giá là một trong những công trình của Wright được bảo tồn tốt nhất. Du khách có thể khám phá không gian qua các tour có hướng dẫn viên – và nên kết hợp với chuyến ghé thăm Vườn Nhật Anderson gần đó để có một hành trình khám phá thiết kế trọn vẹn.

 

 

Laurent House là minh chứng sinh động cho mối giao hoà giữa vẻ đẹp và khả năng tiếp cận – không chỉ là một công trình nhà ở, mà là biểu tượng cho tinh thần dân chủ trong kiến trúc.

 

 

Chính lời của Kenneth Laurent đã nói lên tất cả:
“Suốt 60 năm, sáng nào tôi cũng lăn xe từ phòng ngủ ra và dừng lại trước vách kính. Tôi ngắm nhìn vẻ đẹp mà Wright đã kiến tạo – nơi trong và ngoài như hòa làm một, không rào cản. Khoảnh khắc ấy khiến tôi quên đi sự khuyết tật và chỉ còn nghĩ đến điều tôi có thể làm được.”

 

Nguồn: Wallpaper*

Biên dịch: Hoàng Linh

Viết bình luận của bạn:

Tranh vẽ theo yêu cầu. Chúng tôi nhận đặt vẽ tranh theo yêu cầu với thể loại và chất liệu đa dạng. Hãy để những bức tranh nói lên phong cách của bạn.

Tải ứng dụng ngay

Google Play App Store
popup

Số lượng:

Tổng tiền:

icon icon icon