-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Tin tức
“Bạn có thể đang xem những tác phẩm cuối cùng còn sót lại của các nghệ sĩ Gaza” (Phần 2)
Một cuộc triển lãm ở Bờ Tây đang cố gắng ghi lại đồng thời chống lại nguy cơ cuộc sống và văn hóa của người Palestine ở Gaza bị xoá sổ, ngay cả khi các hoạ sĩ sáng tạo nên những tác phẩm nghệ thuật này đã bị thiệt mạng.
Tác phẩm nghệ thuật cuối cùng trong cuộc triển lãm đang diễn ra có tên gọi “Đây không phải là một cuộc triển lãm” đã thoát khỏi Dải Gaza khi được mua chỉ vài ngày trước khi chiến tranh bắt đầu. Vào ngày 3 tháng 10, Chris Whitman, một nhân viên nhân đạo sống ở Kufr Aqab, ngoại ô Jerusalem, rời khỏi Dải Gaza với tác phẩm mà anh đã để mắt đến từ lâu.
“Vào mùa hè năm 2021, tôi tình cờ tìm thấy một kho báu: tác phẩm đầu tiên mà tôi có được do hoạ sĩ tài năng Heba Zagout sáng tác,” Whitman hồi tưởng. Với tiêu đề “Jenin”, bức tranh mô tả một cây xương rồng bên cạnh một vài ngôi nhà vào lúc hoàng hôn mà Zagout đã hoàn thành vào đầu năm đó. “Tôi vẫn có thể cảm nhận được sự phấn khích của tôi trong cuộc gặp gỡ đó và cuộc trò chuyện giữa chúng tôi về những trở ngại khi nỗ lực đưa vải và sơn chất lượng cao cho hoạt động nghệ thuật đến Dải Gaza.” Với mỗi lần triển khai tiếp theo đến dải đất bị bao vây này, mối quan hệ gắn bó của Whitman với nghệ thuật của Zagout ngày càng sâu sắc hơn.
Trong số những sáng tạo nghệ thuật của hoạ sĩ Zagout, nổi bật nhất là bức tranh có tên “Asdood” - tên tiếng Ả Rập của thành phố Ashdod của Israel ngày nay. Tác phẩm nghệ thuật này miêu tả một số cảnh đời sống thường ngày ở thành phố trước Nakba năm 1948, khi hàng trăm gia đình Palestine, bao gồm cả gia đình hoạ sĩ Zagout, bị trục xuất khỏi khu vực. Bức tranh đan xen những câu chuyện về Asdood mà hoạ sĩ Zagout đã nghe từ bà của mình với tầm nhìn nghệ thuật của riêng hoạ sĩ, vì hoạ sĩ Zagout chưa bao giờ có thể đến thăm thành phố. Ở một bên của bức tranh, có thể thấy Zagout đang đi về phía biển.
Chris Whitman cầm tác phẩm nghệ thuật “Asdood” của Heba Zagout. (Được phép của Chris Whitman)
Mặc dù bức tranh đã lọt vào mắt xanh của Whitman vào tháng 2 năm ngoái nhưng ông không đủ tiền mua. Whitman giải thích: “Vào tháng 6, hoạ sĩ Zagout đã tha thiết giảm giá cho tôi và giữ bức tranh này cho đến khi tôi trở lại Dải Gaza”.
Vào ngày 3 tháng 10, Whitman đến trường tiểu học nơi hoạ sĩ Zagout giảng dạy và cố gắng nói chuyện với cô ấy trong 15 phút trong giờ giải lao giữa các lớp. Khi Zagout mở bức tranh ra, Whitman lại càng cảm thấy yêu thích bức tranh hơn và đưa bức tranh ấy ra khỏi Gaza vào cuối ngày hôm đó. Whitman nói, họ không kịp chụp ảnh selfie vì hoạ sĩ Zagout muốn quay lại với các học sinh của mình. “Cô ấy nói lần sau, nhưng sẽ không có lần sau nào nữa”.
Bốn ngày sau, Hamas tấn công miền nam Israel, và cuộc tấn công dữ dội của Israel đã tàn phá phần lớn Gaza và cộng đồng nghệ thuật của dải đất này. Vào ngày 13 tháng 10, chỉ 10 ngày sau khi gặp Whitman, hoạ sĩ Zagout đã thiệt mạng trong một cuộc không kích vào nhà hoạ sĩ ở trại tị nạn Al-Bureij, ở trung tâm Gaza. Hoạ sĩ khi ấy 39 tuổi. Hai đứa con của hoạ sĩ cũng bị thiệt mạng cùng với Zagout và hầu hết các bức tranh của hoạ sĩ đều bị phá hủy.
Maysa, em gái của hoạ sĩ Zagout, nói với Tạp chí +972 rằng hai người con trai út của hoạ sĩ – Adam, 10 tuổi và Mahmoud, 6 tuổi – đã được kéo ra khỏi đống đổ nát khi ngôi nhà của họ sập xuống. Bản thân Zagout vẫn ở đó: đầu và tay của người hoạ sĩ ấy đã bị lìa ra khỏi cơ thể, Maysa giải thích, nhưng “chúng tôi chưa thể đưa toàn bộ cơ thể của Zagout ra khỏi đống đổ nát để chôn cất hoạ sĩ”.
Tên của các nghệ sĩ đến từ Gaza có tác phẩm được trưng bày tại “Đây không phải là một cuộc triển lãm” ở Bảo tàng Palestine, Birzeit, ở khu vực Bờ Tây bị chiếm đóng. Ảnh: Fatima AbdulKarim
Một dự án sống
Maysa giải thích, chỉ có bốn bức tranh của Zagout và sổ lưu niệm của hoạ sĩ là còn sống sót sau cuộc không kích, mặc dù tất cả đều bị hư hại do gạch vụn, bụi, mảnh đạn và vết máu. “Zagout sống và chết ở Al-Bureij. Hoạ sĩ là một người hạnh phúc, mặc dù cuộc sống thì còn nhiều khó khăn. Hoạ sĩ nghỉ ngơi một chút sau khi làm việc ở trường, sau đó đến quầy vẽ tranh và vẽ, gần như hàng ngày, trước khi đăng tác phẩm của mình lên mạng để tìm người mua”.
Hai bức tranh mà Whitman mua về cho ngôi nhà của mình, mỗi bức vẽ mô tả một thành phố Palestine khác nhau, là những minh chứng duy nhất còn sót lại mà không bị một dấu vết hư hại nào về cuộc đời và sự nghiệp của hoạ sĩ Zagout. Hiện hai tác phẩm nghệ thuật được treo trên bức tường màu chàm của Bảo tàng Palestine ở Birzeit cùng với rất nhiều tác phẩm khác còn sót lại sau sự tàn phá của chiến tranh lên nền nghệ thuật Gaza.
Năm nghệ sĩ khác có tác phẩm được trưng bày trong triển lãm cũng đã bị thiệt mạng trong cuộc tấn công đang diễn ra của Israel vào Dải Gaza. Tuy nhiên, bất chấp bối cảnh chết chóc và đổ nát này, cuộc triển lãm vẫn là một dự án sống động. Số lượng tác phẩm được trưng bày đã vượt quá 300, với nhiều tác phẩm dự kiến sẽ sớm đến từ nhiều tổ chức và nhà sưu tập khác nhau - ngay cả khi bảo tàng không chính thức đưa ra lời kêu gọi đóng góp tác phẩm. Một vài tác phẩm không ghi ngày tháng vì việc bị mất liên lạc đã khiến giám tuyển triển lãm không thể liên lạc được với các nghệ sĩ.
Do đó, “Đây không phải là một cuộc triển lãm” như một lời nhắc nhở về vai trò quan trọng của nghệ thuật trong việc lưu giữ ký ức và làm chứng lịch sử. Mặc dù không gian triển lãm đã bị thu hẹp trong phạm vi chỉ vài chục km2 để ghi lại lịch sử dài tới gần hai thập kỷ, nhưng cộng đồng nghệ thuật của Gaza - đặc biệt là ở Thành phố Gaza - vẫn rất phát triển. Cuộc triển lãm đã giúp cho những di sản văn hoá này trở nên bất tử, ít nhất là đối với những nghệ sĩ vẫn còn sống sót sau chiến tranh, như một sự soi sáng về tương lai của nghệ thuật ở Dải Gaza.
Xem thêm phần 1 tại đây
Nguồn: https://www.972mag.com/gaza-artists-exhibition-war/
Biên dịch: Huyền Trịnh