VN | EN

Tin tức

90 năm tranh lụa Việt Nam, mấy chú giải về lịch sử. Kỳ II: Các thời kỳ và các họa sĩ (P3)

Ngoài ra còn có thể kể đến một số họa sĩ Nam Kỳ vẽ lụa khác như Nguyễn Văn Long, Nguyễn Anh, Nguyễn Siêu

Thanh Ngọc. Dân công chiến dịch Điện Biên Phủ. 1974. Lụa. Sưu tập Bộ Văn Hóa Bulgaria

Linh Chi. Cô Dao đỏ. 1981. Lụa. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Nếu nói riêng về chất liệu Á Đông thì lụa gần như đã chiếm vị trí độc tôn nền hội họa Việt Nam trong suốt thập niên 1930, trước khi các cuộc thử nghiệm về tranh sơn mài đạt đến thành công viên mãn tại một cuộc triển lãm lớn vào tháng 12-1940 (Triển lãm của Hiệp hội các họa sĩ Đông Dương).

Các cuộc triển lãm cuối cùng mang tên FARTA, Salon Unique và của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương vào năm 1944 có thể xem như điểm kết thúc của Thời kỳ Mỹ thuật Đông Dương, và đương nhiên đó cũng chính là thời kỳ đầu tiên của nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam nói chung và của tranh lụa Việt Nam nói riêng.

2. Bốn họa sĩ Việt Nam sống ở Pháp

Người đầu tiên định cư hẳn tại Pháp, ngay từ 1931, chính là ông Vũ Cao Đàm, một nhà điêu khắc tài năng, sau nổi tiếng ở tư cách một họa sĩ đã sáng tạo nên một thế giới hội họa với tên gọi “Truyền thuyết phương Đông”. Ở Paris, ông bắt đầu vẽ lụa khá sớm, gửi tham dự các phòng tranh “Nghệ sĩ Độc lập” và “Mùa Thu”.

Trong Chiến tranh Thế giới II, tình trạng khan hiếm vật liệu đã buộc ông phải tạm bỏ nghề điêu khắc để chuyển sang hội họa. Năm 1946, ông mở một triển lãm tranh lụa, được Jeannine Auboyer viết bài ca ngợi trên tạp chí “France Illustration”.

Xuất thân từ một gia đình công giáo mộ đạo, tinh thần, tình cảm trong tranh lụa của Vũ Cao Đàm cũng mang nhiều sắc thái của nghệ thuật cơ đốc giáo, đặc biệt ở đề tài tình mẫu tử và chân dung thiếu nữ, cao cả, hơi u huyền, nhưng gần gụi, ấm áp chứ không quá lạnh và vời vợi.

Mai Long. Thiếu nữ vùng cao. 1991. Lụa

Vũ Giáng Hương. Bếp lửa rừng chiều Trường Sơn. 1993. Lụa. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Sau Vũ Cao Đàm vài năm, Lê Phổ, Mai Thứ sang Pháp năm 1937, và ở lại hẳn từ đó.

Từ khi còn ở Việt Nam, ban đầu Lê Phổ vẽ lụa bằng thị hiếu cổ điển (xem minh họa Kỳ I). Sau chuyến đi Trung Quốc năm 1934, tranh lụa của ông, thiếu nữ và tĩnh vật, có âm vang của tranh cổ Tống và Minh. Ở Pháp, thời kỳ đầu tiên (trước 1945), ông pha trộn một cách bất thường nghệ thuật cơ đốc giáo và nghệ thuật sùng đạo Phật, đặc biệt hơi khắc khổ kể từ khi tinh thần bị ảnh hưởng bởi Chiến tranh Thế giới II. Ở thời kỳ lãng mạn tiếp theo, ông chủ yếu vẽ sơn dầu, tích hợp hội họa Trung Hoa cổ và hội họa hậu ấn tượng.

Với lụa, riêng Mai Thứ bén duyên hơn cả. Từ một họa sĩ vẽ tranh sơn dầu phong độ bậc thầy, ở Pháp, ông dành toàn bộ thời gian cho tranh lụa.

Năm 1964, lần đầu tiên ông mở một cuộc triển lãm tranh cá nhân lớn với chủ đề “Trẻ em của Mai Thứ”, được nhiều nhà xuất bản chọn in thành phiên bản phổ biến khắp thế giới. 1968 triển lãm lần thứ hai, chủ đề “Phụ nữ qua cách nhìn Mai Thứ”. Lần thứ ba, 1974, chủ đề “Thế giới của Mai Thứ”.

Mai Thứ đã kết hợp hài hòa nhất những tinh hoa của phương Đông- phương Tây và có phần nào ảnh hưởng nghệ thuật tiểu họa Ba Tư, Ấn Độ. Tranh lụa của ông thường có khổ nhỏ, thậm chí rất nhỏ, đầy chất thơ, sâu lắng, bí ẩn mà tươi mát, rực rỡ, nhẹ nhàng mà hóm hỉnh. Ông cũng đã làm một cuốn phim tư liệu về kỹ thuật vẽ tranh lụa.

Trong bốn người ở Pháp thì Lê Thị Lựu sang Pháp sau cùng (1940), đúng vào thời kỳ chiến tranh. Những bức tranh lụa đẹp nhất của bà đã được sáng tác vào những năm 1950: chân dung thiếu nữ, trẻ em, tình mẫu tử, sơn nữ, phong cách cổ điển pha ấn tượng, với vẻ tươi tắn đầy quyến rũ.

Còn một họa sĩ nữa, ông Trần Phúc Duyên, từ 1954 sang Pháp rồi chủ yếu sống ở Thụy Sĩ. Ông chuyên tâm vào sơn mài nhưng cũng có vẽ cả tranh lụa, màu sắc mạnh, sống động như màu phẩm. Về quan niệm tạo hình, ông chịu nhiều ảnh hưởng của Nguyễn Tiến Chung.

Nguyễn Thụ. Bên bếp lửa. 1983. Lụa

Kim Bạch. Bến xe ngựa Bà Điềm. 1987. Lụa

 

Biên tập: Thu Huyền

Trích: Hà Thái Hà - Tạp Chí Mỹ Thuật 13 tháng Tám năm 2019.

http://tapchimythuat.vn/my-thuat-hien-dai-viet-nam/90-nam-tranh-lua-viet-nam-may-chu-giai-ve-lich-su-ky-ii-cac-thoi-ky-va-cac-hoa-si/

Viết bình luận của bạn:

Tranh vẽ theo yêu cầu. Chúng tôi nhận đặt vẽ tranh theo yêu cầu với thể loại và chất liệu đa dạng. Hãy để những bức tranh nói lên phong cách của bạn.

Tải ứng dụng ngay

Google Play App Store
popup

Số lượng:

Tổng tiền:

icon icon icon