-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Tin tức
90 năm tranh lụa Việt Nam, mấy chú giải về lịch sử. Kỳ II: Các thời kỳ và các họa sĩ (P2)
Trần Văn Cẩn thì dường như ngược lại với Nguyễn Gia Trí. Ông tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương bằng một tác phẩm sơn mài, nhưng sau đó lại chuyên tâm vào vẽ lụa, một thời kỳ “cô đơn” và “tĩnh lặng” như chính ông đã nói.
Nguyễn Tiến Chung. Gặt. 1943. Lụa. Ảnh tư liệu
Tôn Thất Đào. Thiếu nữ chơi đàn thập lục. Lụa. Ảnh tư liệu
Trần Văn Cẩn (cũng như Nguyễn Gia Trí) là một trong những họa sĩ toàn năng đầu tiên ở nước ta. Ông luôn luôn dao động giữa các chất liệu, và ở chất liệu nào ông cũng có những tác phẩm đỉnh cao khả dĩ tiêu biểu cho từng thời kỳ của mỹ thuật Việt Nam. Nói về hội họa Trần Văn Cẩn thì không thể không nhắc đến nghệ thuật vẽ lụa, nếu không muốn nói lụa mới chính là mảng tranh hay nhất, đích thực nhất của ông.
Là một trong số ít những họa sĩ đầu tiên đưa tranh lụa vào hiện thực cuộc sống, gắn liền với đời sống của nhân dân lao động, với một cách nhìn đằm thắm, nhân hậu, chan chứa nỗi lòng cảm thông, chất thơ trong tranh lụa của Trần Văn Cẩn như lay động đến tận tâm can con người. Với lụa, ông có một lối bố cục đầy táo bạo, bất ngờ, khi gần với thể “trụ” (dài dọc- kakemono), khi gần với thể “quyển” (dài ngang-makimono), hình vẽ rất “bợm”, mảng to rộng, đậm nhạt uyển chuyển như Đường Thi (xem minh họa Kỳ I, TCMT số tháng 5-6/2019). Từ những bức tranh lụa đầu tiên (khoảng 1933-1934, như “Mẹ tôi”), ông vẽ lụa khá đều cho đến tận 1954-1955 (“Con đọc bầm nghe”, “Lò đúc lưỡi cày trong kháng chiến”), quãng 20 năm, thì hầu như thôi hẳn.
Bức tranh lụa “Xuống đồng” trưng bày tại Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc lần đầu tiên tổ chức tại Nhà hát lớn Hà Nội, mùa thu 1946, có thể được xem là tác phẩm mở đầu cho một thời kỳ mới của Trần Văn Cẩn, thời kỳ “vui tươi- hồ hởi” của một họa sĩ cách mạng-kháng chiến.
Cùng một hướng tiếp cận hiện thực, nhưng Lương Xuân Nhị lại khác Trần Văn Cẩn ở đôi mắt của một trí thức thành thị gốc Hà Nội, tài hoa, tao nhã, nổi tiếng nhất một thời về nghệ thuật trau chuốt, mượt mà. Những bức lụa vẽ phong cảnh, sinh hoạt hay thiếu nữ của ông thấm đượm ánh sáng và màu sắc thiên nhiên, qua lối thể hiện rộng rãi toàn mảng lớn, bóng phớt nhẹ trên các hình giản lược, có cái đẹp ấm áp, thú vị, tỏa hương thơm. Toàn bộ tranh lụa ông sáng tác vào 1936-1937 đã được chọn tham dự triển lãm tại Đấu xảo Paris tổ chức cùng thời gian đó. (Mới đây, 2019, tại một cuộc đấu giá quốc tế của Auguste ở Paris, một bức tranh lụa của Lương Xuân Nhị nhan đề “Xưởng thêu” đã đạt tới giá trên 500.000 Euro. Về mặt mỹ học, nó có thể so sánh với bức lụa “Đảo luyện đồ” [Cung nữ hồ lụa] nổi tiếng của Trương Huyên, thời Thịnh Đường, Trung Quốc- xem minh họa).
Mai Thứ. Em bé đọc sách. Lụa. Sưu tập tư nhân nước ngoài.
Lê Thị Lựu. Chân dung em bé. 1959. Lụa. Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM
… Người ta vẫn còn nhớ mãi Lưu Văn Sìn qua bức tranh lụa “Làm lọng” (1935, xem minh họa Kỳ I). Ông đã lồng màu vào hình và các họa tiết trang trí li ti với độ chính xác, tinh tế như ở kỹ thuật in trong tranh khắc gỗ Nhật Bản thế kỷ 17. Lê Yên có tranh lụa “Bà bán đồ chơi”, Nguyễn Thị Nhung có “Thiếu nữ và hoa cúc”…
Tô Ngọc Vân cũng đã có nhiều năm vẽ lụa, rải rác từ 1930 đến 1940. Để vẽ các thiếu nữ tân thời thành thị, ông đã đưa vào lụa một hòa sắc rất lạ của màu phất (nâu tím), pha trộn tinh thần cổ xưa với mùi vị thời đại mới (điển hình là tranh lụa vẽ hai thiếu nữ đã đạt tới giá gần 1.200.000 USD tại Christie’s HongKong tháng 4/2019).
Nguyễn Tường Lân khi thì đưa lụa vào khí sắc cổ kính mịt mùng sương khói như của tranh lụa thủy mặc Trung Hoa cổ, khi thì lại phá cách mở ra lối vẽ sơ đồ với những vệt bút lớn đậm màu tương phản mạnh trên nền sáng, mang đến cho lụa sự thoải mái, phóng khoáng ít có (xem minh họa Kỳ I).
Tại Salon Unique 1943, Nguyễn Tiến Chung nổi bật với bức tranh lụa “Gặt”, hình vẽ rất dí dỏm, như mang cả vũ cả nhạc vào tranh. Ông như sinh ra để vẽ lụa. Hiếm thấy ở họa sĩ nào như ông có cái mềm mại, uyển chuyển, nhịp điệu du dương, màu sắc khi mộc mạc khi nhũn nhặn, khi lộng lẫy nồng nàn đượm vẻ Á Đông, lúc vẽ hình cách điệu theo lối dân gian, lúc nâng cao thành phong cách bác học, mặt lụa trước và sau khi vẽ vẫn giữ nguyên lớp tuyết tơ óng mượt, phải nhìn gần mới thưởng thức được hết vẻ đẹp tinh vi, tế nhị.
Trần Đông Lương. Tuổi Xuân 1958. Lụa. Bảo tàng Quốc gia Nghệ thuật phương Đông. CHLB Nga
Tạ Thúc Bình. Góp thóc vào kho. 1960. Lụa. Bảo tàng mỹ Thuật Việt Nam
Trong hội họa Nguyễn Tiến Chung nói chung, tranh lụa nói riêng, hội tụ ba chất chính: chất “nâu non” của ruộng đồng và đời sống nông thôn Bắc Bộ, chất “nâu sồng” của Phật giáo và chất “lụa là” của người thiếu nữ thành thị. Ông đã hấp thụ nhiều yếu tố tạo hình của phương Tây, của phương Đông để trở thành một họa sĩ hiện đại đầy tài năng của miền Đông Nam Á.
Trần Văn Thọ vẽ những thiếu nữ trang phục cổ xưa trong nhịp điệu của dân ca Kinh Bắc.
Ở Huế, các họa sĩ như Tôn Thất Đào, Phạm Đăng Trí cũng đã tạo cho tranh lụa một hướng đi riêng. Cùng vẽ về Huế nhưng cái mơ màng, ẩn hiện trong tranh của các họa sĩ Huế rất khác so với tranh của các họa sĩ Bắc Kỳ. Người họa sĩ Huế nhìn xa hay nhìn gần thì cảnh vật vẫn đều rung rinh, tình trắc ẩn, chất hoài cổ nó tự ra từ sâu thẳm tâm thức.
Có ít nhất năm sáu họa sĩ Nam Kỳ vẽ lụa đẹp. Thứ nhất Lê Văn Đệ, người căn bản theo khuynh hướng tân cổ điển và đã tìm ra một phong cách dân tộc độc đáo trong hội họa lụa. Tranh lụa của ông vừa có sự khúc chiết, cái tươi trong của tranh khắc gỗ Nhật Bản thế kỷ 17-18, vừa có vị thanh đạm của nghệ thuật công giáo châu Âu cổ sơ, nhưng tinh thần thì lại thấm đẫm chất Việt Nam. Ông nổi tiếng về kỹ xảo tinh vi, tả chất giỏi, đặc biệt khi vẽ những thiếu nữ, thiếu phụ đài các đoan trang.
Lưu Đình Khải, họa sĩ Nam Kỳ thứ hai cần nhắc đến, là một họa sĩ vốn có sở trường vẽ lụa. Tranh lụa của ông thời còn là sinh viên đã được chính Victor Tardieu tuyển chọn làm quà biếu tri ân ngài Nghị trưởng Phạm Huy Lục, người đã đứng ra bảo vệ sự tồn tại của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương trước nguy cơ bị chính quyền thực dân đóng cửa vào những năm đầu 1930. Hiện nay, ở Paris, những bức tranh ấy vẫn còn được con cháu của cụ Lục lưu giữ.
Biên tập: Thu Huyền
Trích: Hà Thái Hà - Tạp Chí Mỹ Thuật 13 tháng Tám năm 2019.
http://tapchimythuat.vn/my-thuat-hien-dai-viet-nam/90-nam-tranh-lua-viet-nam-may-chu-giai-ve-lich-su-ky-ii-cac-thoi-ky-va-cac-hoa-si/