-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Tin tức
3 Cách Ai Cập Cổ Đại Để Lại Dấu Ấn Trong Nghệ Thuật Hiện Đại
Dù là một công trình kiến trúc khổng lồ đã hiện diện trên đường chân trời sa mạc suốt hàng thiên niên kỷ hay những dòng chữ tượng hình tinh xảo khắc trên các ngôi mộ chôn vùi dưới lòng đất, nghệ thuật Ai Cập cổ đại từ lâu đã mê hoặc trí tưởng tượng của nhân loại. Rốt cuộc, bản sắc thị giác đặc trưng của nền văn minh này là điều không thể phủ nhận. Phong cách nổi bật trong việc lặp đi lặp lại các biểu tượng—bọ hung, con mắt của thần Horus, khung tên hoàng gia (cartouche)—đã tạo nên một ngôn ngữ thị giác mang tính biểu tượng với sức hấp dẫn vượt thời gian.
Niềm say mê tập thể của chúng ta đối với nền văn minh cổ xưa này, vốn bí ẩn và phát triển một cách gần như phi lý, thường được gọi là “Ai Cập cuồng” (Egyptomania). Trào lưu này bắt đầu bùng nổ tại phương Tây vào thế kỷ 19, khi đất nước Ai Cập trở thành điểm đến lý tưởng của các tiểu thuyết gia và họa sĩ như Dominique Vivant Denon và Jean-Léon Gérôme, những người đã tạo ra những hình ảnh đậm chất phương Đông dành cho khán giả ở quê nhà.
Chẳng bao lâu sau, những báo cáo về các cuộc khai quật khảo cổ đã tiết lộ kho báu chưa từng được biết đến, đỉnh điểm là phát hiện chấn động vào năm 1922 của Howard Carter, khi ông tìm thấy hơn 5.000 hiện vật vô giá trong nơi an nghỉ cuối cùng của vua Tutankhamun. Dù các báu vật bằng vàng này vẫn ở lại Ai Cập và sẽ sớm được trưng bày tại Bảo tàng Ai Cập Mới ở Cairo, thì nhiều phát hiện quan trọng khác đã được phân tán khắp thế giới, gia nhập vào các bảo tàng lớn và tiếp tục thu hút hàng triệu lượt khách tham quan.
Không có gì đáng ngạc nhiên khi nhiều thế hệ họa sĩ và nhà thiết kế đã quay về với Ai Cập cổ đại như một nguồn cảm hứng, mỗi người diễn giải các bài học từ nền văn minh này theo những cách riêng. Dưới đây là ba ví dụ tiêu biểu thể hiện ảnh hưởng bền vững ấy.
Nội Thất Thời Đế Chế
( Nubian tribute presented to the King, scenes from the tomb of Huy, Viceroy of Kush, in Qurnet Murai, Luxor )
Dù nhiều món đồ nội thất tinh xảo của Ai Cập cổ đại vẫn còn tồn tại, cảnh quan Ai Cập từ lâu đã thiếu vắng nguồn tài nguyên gỗ chất lượng cao. Để khắc phục điều này, những loại gỗ quý như tuyết tùng và mun thường phải nhập khẩu từ Trung Phi. Trong lăng mộ của Amenhotep Huy, Phó vương vùng Kush tại Luxor, có những bức bích họa mô tả các vị quan đến từ Nubia (ngày nay là Sudan), lúc ấy là một phần của đế chế Ai Cập, đang tiến hành nghi lễ triều yết vua và mang theo cống phẩm. Trong số những món quà ngoại giao này có vàng, đá carnelian quý hiếm, đồ da thủ công và cả những mẫu nội thất bằng gỗ được đánh giá cao.
Vai trò chính trị của hội họa là điều đã tồn tại từ thời xa xưa. Một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của họa sĩ Gérôme, Bonaparte Trước Nhân Sư (1886), là một hình ảnh lý tưởng hóa cuộc viễn chinh quân sự của Napoleon Bonaparte tại Ai Cập từ năm 1798 đến 1801. Ngay sau đó, khi Napoleon trở thành hoàng đế Pháp vào năm 1804, chính quyền chuyên chế của ông đã giám sát việc sản xuất đồ nội thất, khai sinh một phong cách mới gợi nhắc đến những nền văn minh thành công nhất trong lịch sử, bao gồm cả Ai Cập cổ đại. Trào lưu nội thất phong cách Đế chế nhanh chóng lan rộng khắp châu Âu.
( Left: Royal throne of Tutankhamun from the Pharaoh’s tomb in Thebes, Egypt. Right: 19th-century Empire-style solid mahogany bergere with chiseled and gilt bronze decoration, stamped Jacob Freres, from a living room set )
Các nhà thiết kế phương Tây nổi tiếng vì đã nghiên cứu và sao chép trực tiếp các hiện vật cổ đại, trong đó có một bộ sưu tập nội thất lớn được nhà Ai Cập học Henry Salt tặng cho Bảo tàng Anh vào những năm 1820. Phong cách nội thất này đặc trưng bởi sự cứng cáp, đối xứng, góc cạnh sắc nét và kích thước đồ sộ. Nó thường được trang trí với những họa tiết Ai Cập rõ nét, như nhân sư có cánh hoặc các đầu cột hình hoa sen. Những yếu tố thiết kế được vay mượn này không phản ánh sự hiểu biết học thuật nào về văn hóa Ai Cập cổ đại, mà đơn thuần là khai thác các yếu tố hùng vĩ nhất của nó để tạo dấu ấn về quyền lực đế chế.
Phong Cách Nghệ Thuật Art Deco
( Gilded bed of King Tutankhamen (1323 B.C.E.)
Vẻ huy hoàng của Ai Cập cổ đại từng thu hút Napoleon cũng đã mê hoặc một thế hệ họa sĩ và nhà thiết kế Pháp mới vào đầu thế kỷ 20. Phát hiện tình cờ của Carter vào năm 1922 về lăng mộ của vua Tutankhamun là lần đầu tiên một nơi an nghỉ của hoàng gia được phát hiện còn nguyên vẹn. Tin tức lan truyền chóng mặt, cả thế giới ngỡ ngàng trước sự lộng lẫy bằng vàng của những vật phẩm tùy táng: ngai vàng đính đá quý, mặt nạ tang lễ, xe ngựa, cùng một kho báu trang sức tinh xảo được chế tác từ đá lapis lazuli và nhiều loại đá quý khác.
Cùng thời điểm đó, phong trào Art Deco đang ở thời kỳ đỉnh cao. Những báu vật của vua Tutankhamun đã trở thành nguồn cảm hứng trực tiếp cho phong cách mới rực rỡ, bắt mắt này. Theo đuổi lý tưởng hiện đại tối giản, các nhà thiết kế Art Deco đã cường điệu hóa nét mạnh mẽ và mô típ cách điệu của hội họa Ai Cập cổ đại. Tuy nhiên, thay vì chỉ áp dụng vào những món đồ xa hoa và kiến trúc tôn giáo, phong cách Art Deco còn được ứng dụng vào vô số vật phẩm đời thường, từ tòa nhà chọc trời và trang sức đắt tiền đến các vật dụng gia đình như radio, bình hoa và đồng hồ.
( Art Deco doors in New York’s Chrysler Building, designed by William Van Alen)
Một ví dụ tiêu biểu là tòa nhà Chrysler tại New York, do William van Alen thiết kế và xây dựng vào cuối những năm 1920. Dù nổi tiếng với các đỉnh chóp nhịp nhàng của ngọn tháp lấp lánh dưới ánh mặt trời, phần sảnh của tòa nhà cũng được trang trí vô cùng cầu kỳ. Hình ảnh hoa giấy papyrus Ai Cập cổ đại khắc trên cánh cửa thang máy bằng gỗ là sự kết hợp cuốn hút giữa cái cũ và cái mới, minh chứng rằng những mô típ cổ xưa luôn sẵn sàng được tái sinh.
Bridget Riley
( A general view shows the ceiling painting by Bridget Riley, on May 3, 2023 at the British School at Rome in Rome, Italy )
Ảnh hưởng của Ai Cập cổ đại không chỉ giới hạn trong lĩnh vực thiết kế. Ngay cả các họa sĩ trừu tượng cũng tìm thấy cảm hứng từ thẩm mỹ độc đáo của nền văn minh Kemet. Khi họa sĩ nổi tiếng người Anh theo trường phái Op Art là Bridget Riley đến thăm Thung lũng các vị vua ở Luxor vào năm 1979, bà đã kinh ngạc trước những bức họa tường—vẫn còn sống động đến mức khó tin so với thời điểm chúng bị phong kín cách đó hàng ngàn năm. Đến thế kỷ 19, nhiều ngôi mộ đã bị cướp phá nhiều lần, nhưng các bức vẽ trên tường vẫn còn nguyên vẹn. Với con mắt chuyên môn, bà nhận ra chúng chứa đựng vô số chi tiết phong phú, nhằm dẫn dắt linh hồn của vị vua quá cố vượt qua địa ngục để bước vào thế giới bên kia.
Những bức vẽ này đặc biệt nổi bật nhờ bảng màu từ các sắc tố khoáng chất hữu cơ, rất bền và đậm đà. Dù Riley nổi tiếng từ thập niên 1960 với những bố cục đơn sắc, nơi hình học đơn giản bị bóp méo để tạo hiệu ứng động, thì đến cuối thập niên 1970 bà đã bắt đầu thử nghiệm với màu sắc suốt hơn một thập niên. Bà bị ấn tượng mạnh bởi sự kết hợp của các màu: xanh ngọc, lam, đỏ, vàng, xanh lá, đen và trắng mà bà thấy tại Ai Cập. “Mỗi lần sử dụng, những màu này lại khác biệt, nhưng đồng thời chúng thống nhất hình ảnh toàn thể nền văn hóa,” bà từng chia sẻ.
Dù vào cuối những năm 1970 bà chủ yếu sáng tác với các hình cong động, nhưng bà đã gạt bỏ phong cách đó, trở về với những đường dọc đơn giản. Kết cấu trung tính này giúp bà không làm giảm đi cường độ của màu sắc, từ đó có thể tái sắp xếp để tạo nên các hiệu ứng cảm xúc mới. Riley tiếp tục khám phá những biểu đạt mới với bảng màu có giới hạn nhưng giàu tiềm năng này cho đến ngày nay. Gần đây nhất, bà sử dụng nó trong tác phẩm tranh tường trên trần nhà tại Trường Anh Quốc ở Rome, ra mắt năm 2023—một sự trở về đúng nơi bà từng bắt đầu khám phá chúng: những bức tường.
Nguồn : 3 Ways Ancient Egypt Left Its Mark on Modern Art
Biên dịch : Bảo Long