Tin tức

Vẽ tranh để tiếp cận văn hóa

Mỗi bức tranh là "một mâm cỗ đầy"

Biết đến Phan Cẩm Thượng qua cuốn sách “Nghệ thuật ngày thường”, giám tuyển Vân Vi chia sẻ, ngỡ ông đơn thuần là nhà nghiên cứu văn hóa, nhà phê bình nghệ thuật. “Song, khi xem tranh của ông, nhìn ông vẽ, tôi ngạc nhiên thấy trong đó những tạo hình riêng biệt. Tôi chứng nghiệm được rằng tạo hình riêng theo từng nét bút, đi ra từ các thành tố tạo nên một họa sĩ, chứ không chỉ học ở đâu mà được. Vẽ là một kỹ năng có thể rèn luyện, nhưng ở họa sĩ nó được luyện đến mức trở thành bản năng, vẽ như hòa hợp với tâm hồn mình, với cảm xúc của mình. Trong từng nét bút, người khác có chép y hệt, nó cũng không phải là hồn ấy…”.

Câu chuyện trong các tác phẩm là cơn cớ để họa sĩ bộc lộ quan điểm, tâm trạng

Ảnh: HS

Series tranh đề tài tập tục cung đình thế kỷ XVII của Phan Cẩm Thượng không nhiều, khoảng hơn 40 tác phẩm. Giám tuyển Vân Vi lựa chọn 22 tác phẩm dành cho triển lãm tại The Muse Artspace, 47 Tràng Tiền, Hà Nội, từ 15.4 - 9.5, trong đó 18 tác phẩm sáng tác năm 2021 và 4 tác phẩm năm 2015. Triển lãm mong muốn cho người xem thấy được sự tương phản, thay đổi trong phong cách của họa sĩ ở 3 thời kỳ sáng tác: Trước năm 1999, từ 1999 - 2019 và 2019 đến nay. “Những thay đổi rõ rệt về phong cách nghệ thuật của họa sĩ ở giai đoạn cuối chính là những gì tôi muốn công chúng thấy hôm nay. Các tác phẩm thấm đẫm văn hóa Việt với các nhân vật, câu chuyện văn hóa đi sâu vào bản chất chứ không dừng ở bề ngoài”, giám tuyển Vân Vi nói.

Xem triển lãm, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam Lương Xuân Đoàn nhận xét, mỗi bức tranh ẩn chứa một câu chuyện văn hóa, mật mã văn hóa mà ở đó Phan Cẩm Thượng khai thác nhiều môtip cổ như cách khoe giá trị của bản sắc văn hóa Việt. Đây là thủ pháp mang màu sắc phương Đông, ý nhị, lặng lẽ theo mạch cảm xúc thể hiện câu chuyện trong tiếng lòng đang muốn cất giấu.

Chính điều này lại trở thành bài toán khó đối với giám tuyển khi chị bắt tay sắp xếp các bức tranh trong triển lãm. Theo Vân Vi, mỗi bức tranh là một mâm cỗ đầy nên khi xếp cạnh nhau sẽ khó tìm được sự phù hợp. Các bức rèm nâu được thiết kế nhằm ngăn cách không gian triển lãm, mặt khác tạo không khí cung đình để người xem tập trung tuyệt đối vào từng bức tranh.

Công cụ để bày tỏ quan điểm

Họa sĩ Phan Cẩm Thượng cho người xem chiêm ngưỡng màu sắc tự nhiên trong các tác phẩm tranh giấy dó ông thực hiện. Màu sắc trên tác phẩm chính là công cụ để ông bày tỏ quan điểm sáng tác của mình. Màu đỏ từ đá chu sa, thần sa; màu nhân chỉ được chiết xuất từ tinh chất của con sâu; màu vàng gốc tự nhiên từ lá hoa hòe, rồi màu củ nâu, màu hồng gạch, vàng nghệ, màu đen mực tàu, màu xanh ngọc phỉ thúy... Tuy nhiên, cách dùng màu không quan trọng bằng cảm màu, do “cách cảm màu theo tự nhiên rất khác với cảm màu kỹ thuật số. Vì vậy, tôi sử dụng màu trên tranh theo cách nhìn của con người đương thời, khác biệt so với cách các họa sĩ trẻ hiện nay dùng màu hệ kỹ thuật số”.

Vẽ mỗi bức tranh trên giấy dó, họa sĩ Phan Cẩm Thượng "phải chờ độ ngấm trong mỗi bức khác nhau". Bức cần đanh thì phải để thật khô, như bức Hài xanh; bức cần nhòa với nhau phải vẽ ngay như trong Cà sa; hoặc muốn màu sắc trung bình phải đợi hơi ẩm, không khô quá, không nhòe quá. "Ngoài ra, tùy theo thời tiết, phải lấy giấy, vải đặt lên trên bức tranh để ủ mới giữ được màu đẹp, như Đám mây xưaThì thầmNét năm xưa…”.

Bức tranh Túi trầu đen vẽ người phụ nữ quý tộc, đằng sau là tấm áo bào đen, bên phải là một túi trầu, như lời nhắn gửi đức hạnh tới chồng mình khi anh ra mặt trận. Trong tác phẩm, họa sĩ chỉ đi nét mà không đánh bóng nhưng các mảng khối trên người phụ nữ vẫn hiển hiện đầy đủ với nét vẽ mềm, tự nhiên; màu đen mực tàu đan xen màu chu sa, màu nhân chỉ tạo thành nhịp điệu trong tranh; tà áo tỏa ra từ khắp nơi trong bố cục vô hướng, tự do trên khổ giấy dó 60x120cm trải dài.

Cũng màu sắc ấy có thêm màu hồng gạch, ở bức Ngọc nữ Bút Tháp, họa sĩ Phan Cẩm Thượng  mượn hình ảnh đôi tượng Ngọc nữ thị giả (người hầu) tại chùa Bút Tháp (Bắc Ninh), tóc tết thành hai lọn nhỏ, thả xuống vai trần, ngực đeo yếm thắm, vận váy sồi đen, hấp dẫn và đẹp. “Tôi nghĩ vẽ tranh là cách tiếp cận văn hóa, vẽ cho mọi người xem thôi chứ không mơ điều gì cao siêu…”,họa sĩ Phan Cẩm Thượng cho hay.

Chủ đề trong tranh Phan Cẩm Thượng chủ yếu phản ánh hình tượng phụ nữ ở làng, ở chùa và ở đền, thấp thoáng bóng dáng đàn ông. Theo họa sĩ Lương Xuân Đoàn, đây là cơn cớ để ông bộc lộ nỗi niềm, tâm trạng. Bởi vậy, người xem thấy mỹ cảm Việt, tâm hồn Việt vẫn được bảo trọng, gìn giữ trong đó.

Phan Cẩm Thượng cho người xem thấy nhiều câu chuyện bên trong thân phận người đàn bà Việt trong các sáng tác của mình, như lời kể lể dịu dàng của một người am hiểu sâu sắc nghệ thuật truyền thống, đặc biệt là mỹ thuật cổ Việt Nam. Đặc biệt, từ hình ảnh đình, chùa, đền cổ, trang phục, tập tục cung đình đến cấu trúc mỗi tác phẩm được thừa hưởng từ những giá trị của cha ông để lại, đến nay vẫn nguyên vẹn tiếng nói mách bảo cho nghệ thuật đương đại Việt Nam. Đây là đóng góp mới của ông trong bối cảnh ngày càng xuất hiện nhiều người trẻ của mỹ thuật đương đại tài năng, tự tin trong xu thế hội nhập”, họa sĩ Lương Xuân Đoàn nhận định.

Hương Sen

Nguồn : https://daibieunhandan.vn/ve-tranh-de-tiep-can-van-hoa-zpg3e20tvf-82282

Viết bình luận của bạn:

Tranh vẽ theo yêu cầu. Chúng tôi nhận đặt vẽ tranh theo yêu cầu với thể loại và chất liệu đa dạng. Hãy để những bức tranh nói lên phong cách của bạn.

Tải ứng dụng ngay

Google Play App Store
popup

Số lượng:

Tổng tiền:

icon icon icon