-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Tin tức
Tự bạch của hoạ sĩ Trương Văn Ngọc
Thấu cảm được nghệ thuật là cửa ngõ để dẫn mình vào con đường vô tận của sự hiểu biết và buông xả. Thông qua nghệ thuật có thể giúp tâm hồn thêm thăng hoa, đồng thời nhiều tâm bệnh có thể dứt bặt.
Nhiều bức tranh được tạo ra từ quá trình suy tư và thai nghén lâu bền của họa sĩ. Nhờ một tác nhân nào đó rất mãnh liệt đã thôi thúc để họa sĩ phóng ra những màu sắc, đường nét, hình khối hàm chứa nhiều nội dung và tư tưởng đôi khi được biểu hiện dưới dạng hiện thực hoặc trừu tượng trong đó mỗi đường nét đều chứa nội lực, tình cảm và quan điểm sống của người họa sĩ. Đặc biệt là để thông qua hữu hình cảm được những cái vô hình là năng lượng. Năng lượng cũng chính là vật chất nó có thể tác động trực tiếp lên tâm lí của chúng ta vì vậy mới có chuyện nhiều người xem tranh có thể tỏ ra rất phẫn nộ hoặc an lạc, hoặc nó có thể đưa ta đến một địa hạt sâu trong vùng kí ức để khỏa lấp đi những vụt vặt thông thường của đời sống hàng ngày. Năng lượng ấy đồng thời cũng tái tạo lại sức lực bên trong cụ thể là làm thư giãn thần kinh và điều hoà lại được nhịp tim và luân lưu các mạch máu.
Nghệ thuật cũng như con thuyền đầy ắp những gì thơ mộng, trù phú của tâm hồn. Vào đó là thấy sự vương giả của hình và sắc hoặc có khi tinh giản đến mức cô đọng và tinh tuý. Bởi nghệ thuật cũng chuyên chở những ước vọng, hoài bão của đời người về thân phận trong kiếp nhân sinh.
Là con người ai cũng mong muốn tìm về cội gốc của hạnh phúc, nhưng càng kiếm tìm càng đi sa vào những con đường của sự tranh đấu để rồi cuối cùng tự hỏi mình đã tìm được gì ngoài hai chữ khổ đau. Hạnh phúc chỉ có mặt khi mình thực sự dừng lại. Như một người vô gia cư đã từng nói với tôi "hạnh phúc là khi ta thấy được sự vi diệu của một chiếc lá bay trong gió". Có lẽ cái đẹp không gì nằm ngoài sự giản dị trong đời sống hằng ngày, có chăng cái đẹp của nghệ thuật cũng không giống mà cũng chẳng khác được những những gì bình dị của đời sống hàng ngày. Ví như một chiếc lá bay trong cơn gió nhẹ chiều thu. Nhưng tâm ta phải thực sự vắng lặng mới có thể thấy được sự thật này vì đa số chúng ta đã nhìn thấy hạnh phúc rồi nhưng không nhận ra chúng mà thôi. Nghệ thuật cũng vậy cũng đi từ đời sống và những suy tư của người họa sĩ, chúng như đã ngấm trong từng mạch máu vào hơi thở. Đôi khi nó cũng không xa vời và khó nắm bắt như chúng ta thường nghĩ, nếu bạn thấy được tâm hồn người họa sĩ bạn sẽ đọc được tác phẩm. Hoặc khi bạn đọc được tác phẩm thì bạn sẽ thấy rõ tâm hồn người họa sĩ. Vì người họa sĩ vẽ thật (thực thụ) sẽ để hết tâm huyết và thì giờ vào tác phẩm. Đối với họ tác phẩm chính là tâm hồn họ, là những mảnh ghép để nói lên một con người bên trong.
Bởi vậy nếu thực sự mở lòng và thấu cảm bạn không những thấy được những gì họa sĩ bộc lộ trên tác phẩm mà còn cảm thông cho những gì còn thiếu sót của họa sĩ để những tưởng tượng và trải nghiệm riêng của mình sẽ bổ khuyết vào những chỗ trống vụng về cua tác giả. Như vậy chính bạn đã từ bi với tôi rồi. Hơn nữa nghệ thuật vốn không có sự kết thúc mà nó vẫn luân chuyển và vận động sau khi tác giả đã kí tên. Nó sẽ tiếp tục sống nhiều cuộc đời khác qua thế giới quan và trải nghiệm của từng người thưởng thức nó. Vì vậy họa sĩ chỉ như cây cầu nối để người xem tiếp xúc được và làm sáng rõ hơn nội dung của tác phẩm. Đôi khi nếu tác giả quá cầu toàn và ích kỉ khi cố tình hoàn thiện một tác phẩm mà không để lại một khoảng trống nào cho người xem tiếp tục suy tư từ đó sẽ khiến người xem ngột ngạt và áp lực. Một tác phẩm hay là một tác phẩm gợi mở được những nội dung có tính đa chiều nhưng không quá phức tạp mà cực kì giản dị. Từ đó mảnh đất người họa sĩ khai hoang sẽ tiếp tục được nhiều tâm hồn vun trồng thêm những hoa trái thật đẹp thật thơm.
Ps: Trên đây là một số cảm nhận thông qua quá trình làm việc và ngắm lại những bức tranh của mình qua nhiều thời kì. Viết ra những suy nghĩ, cảm nhận đối với họa sĩ là một việc vô cùng khó khăn vì bộ nhớ trong đầu chứa hầu hết là hình ảnh nên chữ nghĩa không nhiều (đôi khi rất khó để dùng từ phù hợp với suy nghĩ). Cộng thêm do đặc thù nghề nên tư duy trừu tượng nhiều hơn tư duy lô gic nên bài viết không tránh được việc lan man và không điễn đạt được hết ý nghĩ ạ. Nhưng có nhiều trải nghiệm và cái thấy trong lúc làm nghề cũng muốn chia sẻ cho những ai quan tâm đến vấn đề này. Cám ơn mọi người đã đọc ạ.
Hoạ sĩ Trương Văn Ngọc
Hoa lê trắng. Họa sỹ Trương Văn Ngọc. Màu nước trên giấy.