VN | EN

Tin tức

Trà cụ: Muôn dáng vẻ - một thú chơi tao nhã

“Vua chơi lan – quan chơi trà” – câu nói dân gian xưa phần nào phản ánh đẳng cấp và sự cầu kỳ của thú chơi trà, vốn không chỉ dừng lại ở việc thưởng thức mà còn là một nghệ thuật sống gắn liền với tầng lớp quyền quý, quan lại. Trà không chỉ là lá trà, mà còn là cả một thế giới bao quanh bởi trà cụ – những món dụng cụ pha trà được tuyển chọn kỹ lưỡng, trở thành một thú chơi công phu, tinh tế, và dễ khiến người ta say mê đến mê mẩn.

Trong tác phẩm Vũ Trung Tùy Bút, danh sĩ Phạm Đình Hổ từng kể lại sinh hoạt thưởng trà thời Cảnh Hưng (triều Lê), khi xã hội yên bình, tầng lớp quý tộc và công hầu thi nhau theo đuổi lối sống xa hoa. Ông viết: “Ta sinh trưởng đương lúc thịnh thời đời Cảnh Hưng, trong nước vô sự, các nhà quý tộc, các bậc công hầu, các con em nhà quý thích đều đua chuộng xa xỉ, có khi mua một bộ ấm chén, phí tổn đến vài mươi lạng bạc.”

Đặt trong bối cảnh lịch sử, đây là con số không nhỏ. Với mức lương Chánh Bát Phẩm chỉ khoảng 21 quan tiền một năm – tương đương hơn 20 lạng bạc – một bộ ấm chén có giá vài mươi lạng là cả một khoản đầu tư lớn, thể hiện rõ địa vị và độ chịu chơi của người sở hữu. Không quá lời khi nói rằng, trà cụ không chỉ là vật dụng mà còn là biểu tượng của văn hoá, thẩm mỹ và vị thế xã hội.

 

Ấm trà vẽ tích Tô Đông Pha du Xích Bích

 

Ấm trà ký kiểu thời Minh Mạng, trang trí đề tài Thái Công Điếu Vị

 

Ấm pha trà thời Ung Chính

 

Ấm cửu long với đề tài rồng mây quen thuộc

 

Ấm phỏng theo dáng Thủy Bình, trang trí hoa điểu.

 

Trà cụ, xét về cốt lõi, có thể quy về hai yếu tố chính: ấm và chén. Do Việt Nam không phát triển ngành chế tác sứ riêng, từ thời chúa Trịnh, triều đình đã đặt làm các sản phẩm gốm sứ cao cấp tại lò Cảnh Đức Trấn (Trung Quốc), dùng trong chánh cung tại phủ chúa ở phía Nam thành Thăng Long. Các dòng đồ sứ này thường mang hiệu đề như Nội Phủ Thị TrungKhánh Xuân Thị Tả. Sang thời Nguyễn, truyền thống ấy tiếp tục được duy trì – các vua khi đăng cơ đều đặt làm đồ sứ riêng, hình thành nên dòng sản phẩm đặc trưng thường có men lam, ngày nay được biết đến dưới tên gọi “đồ sứ men lam Huế”.

Ấm sứ xanh trắng trong trà cụ Việt Nam rất phong phú về kiểu dáng: từ dáng ống, bầu, bình bát, quả lê đến bát giác… thường được trang trí bằng những chủ đề mang tính biểu tượng như Hiền, Tuế Hàn Tam Hữu, Bá Nha Tử Kỳ, Thái Công Điếu Vị… Một bộ trà cụ hoàn chỉnh không chỉ có ấm sứ hoặc ấm tử sa từ Nghi Hưng, mà còn đi kèm các thành phần: đĩa bàn đựng chén tống, đĩa dầm đặt bốn chén quân (tốt), tạo thành bộ dầm – bàn – tống – tốt, hoặc đơn giản hơn là dầm – tống – tốt.

Quy trình thưởng trà cũng phản ánh sự tôn nghiêm và trật tự: trà pha trong ấm, rót ra chén tống để ổn định hương vị và nhiệt độ, sau đó mới phân ra các chén quân, lần lượt truyền tay đến người thưởng thức. Mỗi thao tác đều toát lên sự trau chuốt, khơi gợi tinh thần tĩnh lặng, ung dung của một thú chơi thanh tao.

 

Bộ đĩa, chén trà hiệu đề Thư Đới Lưu Hương.

 

Bộ chén trà Hạ ẩm (dùng cho mùa Hạ) với miệng rộng, lòng nông.

 

Ấm sứ dáng trái bần trang trí hoa điểu hoặc Trúc Lâm

 

Từng chi tiết trang trí của trà cụ được thể hiện một cách tinh xảo và công phu, đặc biệt là những bộ đồ ký phục vụ cho hoàng triều, mang đậm nét sang trọng và tinh tế. Trong đó, ấm sứ với những đề tài phong phú và kiểu dáng đa dạng chiếm vị trí đặc biệt. Trái lại, các mẫu ấm đất tử sa tuy hiếm hoi nhưng lại có giá trị vượt trội, bởi kiến tạo độc đáo kết hợp khoáng chất và kết cấu tử sa (cát tím) không chỉ tô điểm cho vẻ đẹp mà còn góp phần nâng tầm hương vị của trà theo thời gian, khiến ấm càng trở nên quý hiếm.

Đặc trưng của hệ ấm đất là sự tinh tế đến từng đường nét – hiệu đề như Thế Đức, Lưu Bội, Mạnh Thần được chế tác nhỏ nhắn, vừa vặn với bàn tay độc ẩm, chú trọng đến sự cân bằng và nét thanh thoát của đường nét, nhằm tối ưu hóa công năng sử dụng hơn cả chi tiết trang trí. Chính vì vậy, thay vì được trang hoàng bằng các họa tiết cầu kỳ, những chiếc ấm đất thường ghi điểm qua những câu giới thiệu ý nghĩa hay hiệu đề được khắc dưới trôn, tạo nên giá trị cộng thêm trong mắt những người sưu tập trà cụ xưa nay.

 

Ấm đất hiệu đề Mạnh Thần, dòng ấm trứ danh trong bộ trà cụ thời Nguyễn.

 

Ấm Nghi Hưng, độc ẩm, màu gan gà, hiệu đề Thế Đức.

 

Bộ trà đông ẩm tích Lục Vũ, đề thơ: “Tẩy nghiễn ngư thôn mặc – Phanh trà hạc tị yên”. Dịch nghĩa: “Cá quen nghiên rửa mực – Hạc lánh khói pha trà”.

 

Bộ trà kiểu Huế hiệu đề Vĩnh Mậu Nguyên Ký, đồ ký kiểu muộn (đầu thế kỷ 20).

 

Bộ trà kiểu Huế với một tống – ba quân, thuộc dòng Xuân – Thu ẩm, trang trí đề tài sơn thủy, đồ ký kiểu Minh Mạng.

 

Một chi tiết độc đáo trong bộ trà cụ chính là đĩa dầm – vật dụng dùng để đựng các chén quân (chén tốt). Tuy giữ vai trò hỗ trợ trong nghi thức thưởng trà, nhưng với tiết diện phẳng và rộng, đĩa dầm trở thành một “tấm toan” lý tưởng để người thợ gửi gắm những đề tài trang trí đầy ngụ ý. Tùy theo đẳng cấp, gu thẩm mỹ của người sở hữu, bề mặt đĩa có thể được vẽ các cảnh thơ phú, phong cảnh hữu tình, điển cố văn chương hay những hoạt cảnh sinh động… khiến mỗi chiếc đĩa dầm không chỉ là vật dụng, mà còn là một tác phẩm nghệ thuật.

Trà cụ – với tất cả sự chỉn chu trong thiết kế và công năng – vẫn âm thầm tồn tại, phát triển theo năm tháng như một lát cắt văn hoá sống động. Ở thời nay, việc sở hữu một bộ trà cụ xưa hoàn chỉnh là điều không dễ: hiện vật ngày một hiếm hoi, trong khi người đam mê và theo đuổi môn chơi này thì ngày càng nhiều. Điều đó càng khiến mỗi món trà cụ không chỉ là vật sưu tầm, mà còn là kết tinh của lịch sử, thẩm mỹ và tinh thần tao nhã khó tìm.

Nguồn tham khảo: Trà cụ: Muôn kiểu chơi tìm về tao nhã

Biên soạn: Hoàng Linh

Viết bình luận của bạn:

Tranh vẽ theo yêu cầu. Chúng tôi nhận đặt vẽ tranh theo yêu cầu với thể loại và chất liệu đa dạng. Hãy để những bức tranh nói lên phong cách của bạn.

Tải ứng dụng ngay

Google Play App Store
popup

Số lượng:

Tổng tiền:

icon icon icon