-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Tin tức
Tại sao Wanda Koop, một trong những hoạ sĩ nổi tiếng nhất của Canada, lại liên tục vẽ mặt trăng
Trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Q, họa sĩ nổi tiếng đã thảo luận về triển lãm mới của mình có tên “Who Owns the Moon” (Ai Có Được Mặt Trăng).
Hoạ sĩ Wanda Koop đứng trước tác phẩm “Black Sea Portal - Sunset Orange”, 2023. Ảnh: Hoạ sĩ và Night Gallery, Lindsey Koepke.
"Tôi đã vẽ mặt trăng suốt cả cuộc đời mình," Wanda Koop nói.
Trong một cuộc trò chuyện gần đây với Tom Power của chương trình Q, họa sĩ Koop sống tại Winnipeg — được coi là một trong những hoạ sĩ còn sống nổi tiếng nhất của Canada — đã chia sẻ lý do vì sao hoạ sĩ luôn quan tâm đến người hàng xóm gần gũi nhất với Trái Đất.
"Tôi coi mặt trăng như một tấm gương," hoạ sĩ Koop nói. "Mặt trăng là lời nhắc nhở liên tục rằng chúng ta đang sống trên một quả cầu xanh nhỏ giữa hư không."
Mặt trăng là một biểu tượng quan trọng trong triển lãm mới của hoạ sĩ tại Bảo tàng Mỹ thuật Montreal, “Who Owns the Moon” (đang được trưng bày từ nay đến ngày 4 tháng 8). Triển lãm này phản ánh về lịch sử gia đình, những tổn thương và xung đột liên thế hệ cả trong quá khứ và hiện tại.
"Trong loạt tác phẩm này — với những gì đang diễn ra trên thế giới, với tất cả các cuộc chiến tranh và những kinh hoàng mà chúng ta đang trải qua và tất cả sự phân cực cùng những gì liên quan — tôi đang nhìn mặt trăng từ một góc nhìn khác: rằng chúng ta, với tư cách là con người, phải chăm sóc hành tinh xanh nhỏ bé này và phải chăm sóc lẫn nhau."
Bức tranh “Note for Eclipse”. Ảnh: William Eakin
Ý tưởng này được củng cố qua những bức tranh về cả Trạm Vũ trụ Quốc tế và trạm vũ trụ Tiangong của Trung Quốc.
"Chúng ta nhìn nhận việc khám phá không gian là rất vô cùng hoành tráng nhưng nếu bạn nghĩ về sự bao la của vũ trụ và rằng những trạm vũ trụ nhỏ bé này đang trôi nổi quanh đó đây ... thì suy nghĩ đó sẽ đưa chúng ta vào một tầng suy nghĩ khác.”
Bức tranh “Objects of Interest – Panel 2”, 2023. Ảnh: William Eakin
Hoạ sĩ Koop nói rằng đây là một điểm đối lập với một loạt tác phẩm trong triển lãm liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine.
"Khi chiến tranh bắt đầu," hoạ sĩ nói, "tôi đã ở tuổi 70 và nhận ra những gì mà cha mẹ và gia đình tôi đã trải qua."
Khi bị Liên Xô đàn áp, gia đình của Koop đã chạy trốn khỏi Ukraine đến Canada sau Cách mạng Nga.
Không gian triển lãm “Ai Có Được Mặt Trăng” của hoạ sĩ Wanda Koop. Ảnh: MMFA, Denis Farley.
Bức tranh cho thấy một bím tóc dài — sự tôn vinh người bà của hoạ sĩ — là một phần của câu chuyện này.
"Khi bà tôi qua đời, trước khi đến Canada, ông tôi đã cắt bím tóc của bà ngay khi bà qua đời và mang bím tóc đó đến Canada," hoạ sĩ Koop nói. "Tôi hoàn toàn bị mê hoặc bởi bím tóc này và đã chơi với nó. Tôi thường rất hào hứng khi trở về nhà từ trường — một 'đứa trẻ kỳ lạ,' bạn có thể nói vậy — nhưng tôi sẽ về nhà, mở ngăn kéo, gấp lại miếng giấy lụa và mơ về bím tóc này. Tôi đã mơ thấy một người phụ nữ xinh đẹp đang ngồi trên một chiếc thuyền, một hình ảnh giống như Ophelia. Và tôi rất thích hình ảnh đó."
“Sleepwalking – Braid”, 2023. Ảnh: hoạ sĩ và Night Gallery/ William Eakin
Tấm thứ hai trong loạt tác phẩm này có tên gọi là “Cross-Stitch”.
"Khi bà tôi còn sống, bà đã làm những sản phẩm đan móc và thêu rất đẹp," hoạ sĩ giải thích. "Bà đã làm một chiếc chăn cho mẹ tôi khi còn bé — một chiếc chăn rất đẹp. Và, khi mẹ tôi đến Canada, mẹ đã được quấn trong chiếc chăn đó. Và khi mẹ tôi qua đời ở tuổi 96, chúng tôi đã quấn mẹ tôi trong chiếc chăn đó để chôn cất bà."
"Bức tranh trông rất mỏng manh," hoạ sĩ Koop nói, "và có những hình chữ thập nhỏ tạo thành một họa tiết — rất nhẹ nhàng — và chúng gần như biến mất trước mắt người xem vậy."
Bức tranh “Sleepwalking – Cross-stitch”, 2023. Ảnh: hoạ sĩ và Night Gallery/ William Eakin
Bức tranh thứ ba, có tựa đề “Bloodline”, mang tính thị giác hơn.
"Đó chỉ là một vệt đỏ rất sâu kéo dài ngay giữa trung tâm của bức tranh," hoạ sĩ Koop nói.
Tác phẩm cuối cùng trong loạt tranh này thể hiện những bông hoa khác nhau được rải rác trên bề mặt vải. Tấm này được lấy cảm hứng từ một câu chuyện mà mẹ của Koop kể cho hoạ sĩ trong chuyến đi thăm Ukraine cùng nhau vào năm 1997.
Bức tranh “Sleepwalking – Bloodline”, 2023. Ảnh: hoạ sĩ và Night Gallery/ William Eakin
"Chúng tôi đang lái xe," hoạ sĩ Koop nhớ lại, "và mẹ của tôi nói, ‘Mẹ nhớ khi bà qua đời, mẹ nhớ rằng mẹ đã nhặt những bông hoa và tung chúng lên người bà khi người ta hạ thấp quan tài của bà xuống huyệt. Và sau đó, mẹ đã cố nhảy vào với bà nhưng bị ngăn lại.'"
Vợ của một người bạn đã từng nói với hoạ sĩ Koop điều tương tự trong một lễ tang. "Tôi nhận ra rằng đó là một cảm giác rất phổ biến," Koop nói. "Hành động đó liên quan đến ... sự mất mát và niềm khát khao."
Nguồn: Why Wanda Koop, one of Canada's most renowned artists, keeps painting the moon
Biên dịch: Huyền Trịnh