VN | EN

Tin tức

Sức ảnh hưởng của Quilting - nghệ thuật chần vải thủ công đến xã hội đương đại

Nghệ thuật chần vải (Quilting) là quá trình may ghép thủ công các mảnh vải nhỏ thành những vật dụng lớn. Loại hình thủ công này từ lâu đã gắn liền với sự hoài niệm và đời sống gia đình, nhưng không chỉ đơn thuần là những vật dụng hữu ích trong nhà như: chăn, ga, vỏ đệm,... Trong nhiều thập kỷ qua, nghệ thuật chần vải đã được công nhận về giá trị thẩm mỹ, và gần đây ngày càng được thế giới nghệ thuật quan tâm nhiều hơn.

Bisa Butler, Les Sapeurs, 2018

 

AQUARIUM, 2008

Annie Mae Young, Columns of Blocks Quilt

Dấu mốc quan trọng cho sự công nhận này có thể kể đến triển lãm The Quilts of Gee’s Bend năm 2002 tại Bảo tàng Mỹ thuật Houston, sau đó được trưng bày tại Whitney Museum of American Art và nhiều tổ chức nghệ thuật danh giá khác tại Mỹ. Triển lãm trưng bày các tác phẩm từ Gee’s Bend, Alabama – nơi phụ nữ đã sử dụng vải vụn để tạo ra những tác phẩm nghệ thuật chần vải đầy màu sắc và mang phong cách trừu tượng. Các nghệ sĩ như Jessie T. Pettway hay Gloria Hoppin đã lồng ghép những hình dạng hình học độc đáo vào tác phẩm của họ, khiến nhiều nhà phê bình so sánh với những bậc thầy trừu tượng như Piet Mondrian. Sau sự kiện này, nghệ thuật chần vải chính thức bước vào thế giới mỹ thuật, được giới phê bình ca ngợi.

Dawn Williams Boyd, Bad Blood: Tuskegee Syphilis Experiments – Macon County, AL 1932 – 1972, 2016

Hiện nay, nghệ thuật chần vải đã xuất hiện phổ biến hơn trong các không gian nghệ thuật đương đại. Những nghệ sĩ như Bisa Butler, Tracey Emin, Dawn Williams Boyd, Faith Ringgold, Michael A. Cummings, Rosie Lee Tompkins, Bhasha Chakrabarti, và Sanford Biggers đang được ghi nhận nhờ việc đưa chất liệu này vào thực hành nghệ thuật của họ. Các triển lãm lớn như Radical Tradition: American Quilts and Social Change tại Bảo tàng Nghệ thuật Toledo cũng đang khám phá cách nghệ thuật chần vải đã được sử dụng để phản ánh các vấn đề xã hội từ thế kỷ 19 đến nay.

Dù chỉ mới được giới mỹ thuật chính thống đón nhận, nghệ thuật chần vải có lịch sử lâu đời. Dấu tích sớm nhất của loại hình này xuất hiện vào khoảng năm 3400 TCN trên tượng của một pharaoh Ai Cập. Trong khi đó, từ “quilt” (chăn bông) có nguồn gốc từ tiếng Latinh culcita (mang nghĩa nệm hoặc đệm), có niên đại khoảng năm 1300 TCN.

 

Rosie Lee TompkinsUntitled, 1987

 

Dawn Williams Boyd, Peaches and Evangeline: Bibbs County, FL 1942, 2004 

Tại châu Mỹ, nghệ thuật chần vải xuất hiện vào thế kỷ 17, khi các cộng đồng di dân bắt đầu thực hành kỹ thuật này. Dần dần, người bản địa và những người bị bắt làm nô lệ cũng tiếp thu và phát triển nghệ thuật chần vải theo cách riêng. Tuy nhiên, trong suốt thời gian dài, nghệ thuật này thường chỉ được xem là một ngành thủ công, hiếm khi được nâng tầm thành mỹ thuật cao cấp. Chỉ đến gần đây, chần vải cùng các loại hình nghệ thuật sợi khác mới bắt đầu có chỗ đứng trong giới nghệ thuật hàn lâm.

Trong cộng đồng người Mỹ gốc Phi, nghệ thuật chần vải mang đậm dấu ấn lịch sử và văn hóa. Theo giáo sư C. Daniel Dawson của Đại học Columbia, truyền thống chần vải trong cộng đồng này có từ thời kỳ nô lệ và chịu ảnh hưởng từ nghệ thuật dệt may châu Phi. Những tấm chần vải không chỉ đơn thuần là sự ghép nối các mảnh vải mà còn kể lại những câu chuyện về quá khứ và di sản của cộng đồng. Nghệ sĩ Faith Ringgold, với loạt tác phẩm Story Quilts, đã khai thác sâu vào khía cạnh này. Một trong những tác phẩm tiêu biểu của bà, Ancestors Part II (2017), khắc họa những nhân vật từ các nền văn hóa khác nhau đang cùng nhau nhảy múa để tri ân tổ tiên, tạo nên một sự kết nối vượt thời gian giữa quá khứ, hiện tại và tương lai.

Faith Ringgold, Listen to the Trees, 2012

 

Faith Ringgold, Tar Beach 2, 1990

Faith Ringgold, Ancestor’s Part II, 2017

Đối với nhiều nghệ sĩ đương đại, nghệ thuật chần vải không chỉ là một phương tiện sáng tạo mà còn là một cách để kết nối với lịch sử và bản sắc của họ. Bisa Butler, nổi tiếng với những bức chân dung chần vải rực rỡ, sử dụng vải wax in của Tây Phi và vải kente để nhấn mạnh nguồn gốc châu Phi của nhân vật trong tác phẩm. Tác phẩm của cô, như The Safety Patrol (2018), tôn vinh hình ảnh người phụ nữ da màu, sự kiên cường và những câu chuyện lịch sử chưa được kể.

Bisa Butler, Zouave, 2020 

Bisa Butler, The Tea, 2018

Không chỉ có các nghệ sĩ cá nhân, nhiều tổ chức cũng đang sử dụng nghệ thuật chần vải để phản ánh thực trạng xã hội. Sáng kiến We Are the Story, do Trung tâm Dệt may Minneapolis và Mạng lưới Nghệ sĩ Chần vải Phụ nữ Da màu (WCQN) thực hiện, bao gồm nhiều triển lãm tại các thành phố lớn của Mỹ. Dự án này được khởi xướng sau cái chết của George Floyd nhằm nâng cao nhận thức về sự tàn bạo của cảnh sát và bất bình đẳng sắc tộc. Theo giám tuyển Carolyn Mazloomi, “George Floyd kêu gọi mẹ mình trong khoảnh khắc cuối đời – đó cũng là tiếng kêu cứu từ sâu thẳm lòng nước Mỹ.” Những tác phẩm chần vải trong triển lãm không chỉ phản ánh thực tế đau thương mà còn là lời kêu gọi thay đổi.

Dawn Williams Boyd, Baptizing Our Children in a River of Blood, 2017

Dawn Williams Boyd là một trong những nghệ sĩ có tác phẩm nổi bật trong phong trào này. Triển lãm trực tuyến của cô, “Cloth Paintings” tại phòng tranh Fort Gansevoort, bao gồm tác phẩm The Trump Era: Racism No Longer Has the Decency to Hide its Face (2019), thể hiện một thành viên Klan với khuôn mặt ngạo nghễ, cầm lá cờ Mỹ lộn ngược. Bằng cách sử dụng vải làm chất liệu chính, Boyd nhấn mạnh rằng vấn đề sắc tộc ở Mỹ không thể tách rời khỏi lịch sử chế độ nô lệ và nền kinh tế dựa vào cây bông.

Bản chất của nghệ thuật chần vải luôn gắn liền với sự ấm áp, hoài niệm và kết nối cộng đồng. Chính những yếu tố này khiến nó trở thành một phương thức thể hiện đặc biệt ý nghĩa trong thời kỳ đại dịch và những biến động xã hội hiện nay. Khi thế giới đối diện với sự chia rẽ và bất ổn, các nghệ sĩ chần vải đang sử dụng loại hình này để kể lại những câu chuyện của cộng đồng họ, tái hiện lịch sử và kêu gọi thay đổi.

Mỗi đường kim mũi chỉ, mỗi mảnh vải được ghép lại không chỉ tạo nên một tác phẩm nghệ thuật mà còn mang theo ký ức, câu chuyện và niềm hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn.

Nguồn tham khảo: How Quiltmaking’s Deep Traditions Are Influencing Contemporary Art

Biên dịch: Hoàng Linh 

Viết bình luận của bạn:

Tranh vẽ theo yêu cầu. Chúng tôi nhận đặt vẽ tranh theo yêu cầu với thể loại và chất liệu đa dạng. Hãy để những bức tranh nói lên phong cách của bạn.

Tải ứng dụng ngay

Google Play App Store
popup

Số lượng:

Tổng tiền:

icon icon icon