-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Tin tức
Sự say mê của Matisse với tranh khắc gỗ Nhật Bản đã ảnh hưởng đến các tác phẩm hội họa của ông như thế nào?
Họa sĩ người Pháp này chịu ảnh hưởng sâu sắc từ nghệ thuật ukiyo-e.
Henri Matisse, “Seated Odalisque, Left Knee Bent, Ornamental Background and Checkerboard” (Người đàn bà Odalisque đang ngồi gập gối trái, nền trang trí và bàn cờ) (1928). Ảnh: Bảo tàng Nghệ thuật Baltimore: Bộ sưu tập Cone © Hiệp hội Tác quyền Nghệ sĩ, New York.
Họa sĩ người Pháp Henri Matisse lần đầu tiếp xúc với các bản in khắc gỗ ukiyo-e vào đầu thế kỷ 20, khi các hội chợ thế giới mang nghệ thuật Nhật Bản đến châu Âu. Đang chật vật tìm chỗ đứng cho sự nghiệp của mình (buổi triển lãm cá nhân đầu tiên của ông tại phòng trưng bày Ambroise Vollard năm 1904 không mấy thành công), Matisse bị cuốn hút bởi những bản in này, chúng mang đến một cách nhìn hoàn toàn mới về thế giới.
Niềm đam mê kéo dài suốt đời của hoạ sĩ Matisse với nghệ thuật in truyền thống Nhật Bản, cũng như sự ảnh hưởng sâu sắc mà ông nhận được từ loại hình nghệ thuật này, hiện là chủ đề của một triển lãm tại Bảo tàng Nghệ thuật Baltimore ở Maryland. Với tiêu đề “The Art of Pattern: Henri Matisse and Japanese Woodcut Artists” (Nghệ thuật của Họa Tiết: Henri Matisse và Các Nghệ Sĩ In Khắc Gỗ Nhật Bản), triển lãm so sánh việc sử dụng màu sắc, bố cục và họa tiết của họa sĩ theo trường phái Dã thú Pháp với ba nghệ sĩ khắc gỗ Nhật Bản: Kikugawa Eizan, Keisai Eisen, và Utagawa Kunisada.
Một phần của triển lãm "Nghệ thuật của Họa Tiết". Ảnh: Bảo tàng Nghệ thuật Baltimore.
“Có một mối liên kết thị giác rõ ràng giữa cách sử dụng họa tiết của Matisse và các nghệ sĩ khắc gỗ Nhật Bản từ thế kỷ trước,” các giám tuyển của triển lãm, Katy Rothkopf – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Matisse Ruth R. Marder, và Frances Klapthor – Phó giám tuyển Nghệ thuật Châu Á, chia sẻ với Artnet News.
“Mặc dù Matisse đặt các người mẫu của mình trong những bối cảnh sân khấu được dàn dựng trong studio, các nghệ sĩ Nhật Bản cũng tương tự sử dụng sự giả tạo và ảo ảnh, nhưng với những mục đích khác nhau. Các tác phẩm của họ về phụ nữ thể hiện lý tưởng về vẻ đẹp nữ tính, sự độc đáo và sức hấp dẫn giới tính, trong khi những chi tiết ám chỉ đến các nhà thổ, trà thất và nhà hàng nổi tiếng là những quảng cáo có chủ ý.”
Henri Matisse, “Standing Odalisque Reflected in a Mirror” (Người đàn bà Odalisque đứng soi gương) (1923). Ảnh: Bảo tàng Nghệ thuật Baltimore: Bộ sưu tập Cone © Hiệp hội Tác quyền Nghệ sĩ, New York.
Triển lãm cũng làm nổi bật những khác biệt về phong cách liên quan đến gu thẩm mỹ, văn hóa và lịch sử. Nếu hoạ sĩ Matisse thường đặt các người mẫu của mình trong không gian nội thất, trong trạng thái bán khỏa thân hoặc mặc trang phục gợi cảm, thì các nghệ sĩ Nhật Bản lại thường khắc họa hình ảnh phụ nữ ở những nơi công cộng, khoác trên mình những chiếc kimono hoa văn tinh xảo, thu hút sự chú ý không kém chính nhân vật được miêu tả.
Ngược lại, Matisse thường để dành các họa tiết của mình cho những không gian nội thất mơ mộng, đầy màu sắc mà các nhân vật của ông đang sống trong đó, như trong bức tranh sơn dầu năm 1953 có tên “Pink Nude” (Người khỏa thân màu hồng). Trong khi các nghệ sĩ Nhật Bản, với các tác phẩm nghệ thuật vừa phục vụ mục đích thương mại vừa mang giá trị nghệ thuật, tập trung vào việc tái hiện thực tế vật chất của xã hội họ, thì Matisse lại chọn hướng ngược lại, biến không gian hàng ngày của mình trở nên trừu tượng và siêu việt hơn. Cảm quan thị giác tương đồng, nhưng kết quả lại khác biệt.
Keisai Eisen, “Mt. Fuji from Izu Province; The Courtesan Kisegawa of the Owariya Brothel” (Núi Phú Sĩ nhìn từ tỉnh Izu; Kỹ nữ Kisegawa từ nhà chứa Owariya) (Đầu những năm 1830). Ảnh: Bảo tàng Nghệ thuật Baltimore: Quà tặng từ Di sản Julius Levy. Tranh khắc gỗ Nhật Bản vẽ một người phụ nữ với khuôn mặt nhợt nhạt, mặc một chiếc kimono hoa văn lớn nổi bật trên nền trống, với một vòng tròn xanh ở góc trái phía trên.
“Matisse, người đã sưu tập vải vóc và các đồ vật trang trí có họa tiết trong suốt sự nghiệp của mình, nhận thấy rằng các họa tiết giúp tăng thêm chiều sâu và sức hấp dẫn cho bố cục tranh của ông,” Rothkopf và Klapthor giải thích. “Việc đưa các yếu tố trang trí vào tác phẩm khiến cho đôi mắt của người xem bị say mê, đồng thời khuyến khích họ tập trung vào toàn bộ bố cục thay vì chỉ chú ý đến nhân vật chính.”
“Các nghệ sĩ Nhật Bản được giới thiệu trong triển lãm 'Nghệ thuật của Họa Tiết' đã sử dụng các yếu tố trang trí và hoa văn để thu hút ánh nhìn của người xem đến nhân vật trong tranh một cách đầy cuốn hút và mê hoặc,” họ chia sẻ thêm. “Khác với các họa tiết trên vải trong tác phẩm của Matisse, các hoa văn được thể hiện trong tranh in khắc gỗ Nhật Bản có ý nghĩa bổ sung mang tính biểu tượng, điều mà khán giả Nhật Bản đương thời có thể dễ dàng nhận ra.”
Một phần của triển lãm "Nghệ thuật của Họa Tiết". Ảnh: Bảo tàng Nghệ thuật Baltimore.
Matisse không phải là nghệ sĩ châu Âu duy nhất vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 lấy cảm hứng từ nghệ thuật châu Á. Các họa sĩ như Vincent van Gogh và Paul Gauguin cũng say mê các bản in khắc gỗ Nhật Bản vì vẻ khác biệt hoàn toàn so với nghệ thuật phương Tây mà họ được nuôi dưỡng và giáo dục. Thay vì đơn thuần sao chép các tác phẩm của Eizan, Eisen, Kunisada và các nghệ sĩ đương thời khác, Matisse đã kết hợp nhiều nguồn cảm hứng khác nhau để tạo ra một phong cách hoàn toàn độc đáo của riêng mình, và cho đến ngày nay vẫn giữ được sự đặc biệt.
Nguồn: How Matisse’s Fascination With Japanese Woodcuts Influenced His Paintings
Biên dịch: Huyền Trịnh