VN | EN

Tin tức

Sắc men quyền quý trên điếu bát xưa.

Từ thuở điếu bát bắt đầu được dùng, đặc biệt là với đồ sứ, giá trị và vị thế của nó đã được mặc định – chỉ xuất hiện trong chốn hoàng cung, ngự viên hay những gia đình quyền quý.

Gắn liền với thú chơi hút hít, điếu bát không chỉ là vật dụng, mà còn là biểu tượng của sự phong lưu và dí dỏm. Người ta bảo, “một thằng hút” mà đủ khiến “bốn thằng say”, đến độ “hai thằng châm điếu ngã lăn quay”, còn Ngọc Hoàng trên cao cũng không thoát khỏi vòng mê: “Vén mây nhìn xuống cũng say thuốc lào.” Thú chơi thuốc nước này, cùng với điếu bát – dụng cụ rít thuốc lào phổ biến từ thời phong kiến – đã phát triển thành nhiều dáng vẻ, nhiều chất liệu, mang theo cả một tinh thần sống đầy thi vị.

 

Đề tài hoa điểu thể hiện sự thanh cảnh, yên bình trên điếu bát thời Nguyễn.

 

Rồng – may trong trang trí bầu điếu của đồ sứ ký kiểu.

Thanh thoát từ dáng thế đến họa tiết trang trí.

 

Điếu bát triều Nguyễn hiệu đề chữ Thọ (dấu triện), với lối trang trí thể hiện sự giàu sang, quyền quý gồm hoa mẫu đơn, song thọ, cuốn thư…

Khi thuốc lào vượt qua ranh giới của một thói quen thường nhật để trở thành biểu tượng của “sĩ diện”, chiếc điếu – vật dụng phục vụ cho niềm đam mê ấy – cũng được nâng lên hàng nghệ thuật, chiếm trọn vị trí trên đỉnh thú chơi tao nhã. Không chỉ là một dụng cụ, điếu bát hiện diện với tư cách một thực thể sống động trong không gian cung đình, qua những vần thơ đầy hàm ý của người xưa:
“Vốn ở lâu đài đã bấy nay –
Khi lên dễ khiến thế gian say –
Lưng in chính trực mười phân thẳng –
Dạ vẫn hư linh một tiết ngay…”

Điếu bát thường mang hình bầu – gọi là thân hoặc bầu điếu. Trên đỉnh bầu là nõ – nơi đặt thuốc, điểm khởi đầu cho làn khói say mê, được chế tác tinh xảo, bọc viền đồng, bạc hay vàng, vừa tạo điểm nhấn vừa thể hiện sự xa hoa, cầu kỳ. Gắn liền là xe điếu – một ống dẫn nhỏ, rỗng ruột, làm nhiệm vụ đưa khói từ bầu vào phổi, khép trọn hành trình thưởng thức.

Chỉ với bấy nhiêu bộ phận, nhưng dưới tay và lời của các tao nhân mặc khách, chiếc điếu bát bỗng hóa thành một hình ảnh đầy khiêu khích, đậm chất trào lộng, gợi liên tưởng đến một thú vui khác chẳng kém phần “phàm tục mà thanh tao” – như trong bài thơ được cho là của Hồ Xuân Hương:
“Mông tròn vành vạnh đít bảnh bao –
Mân mân mó mó đút tay vào –
Thủy hỏa tương giao sôi xình xịch –
Âm dương nhị khí sướng làm sao.”

 

Hình tượng chim hạc trên bầu điếu.

 

Điếu bát hình bát giác mang hiệu đề Thiệu Trị Niên Tạo.

 

Điếu bát với đề tài Mai – Hạc quen gặp trong trang trí đồ sứ triều Nguyễn.

 

Nõ điếu, bầu điếu, lỗ đặt xe điếu… thể hiện vẻ đẹp tinh tế trong tác tạo.

Chiếc điếu bát sứ xanh trắng đặt trong tủ kính bóng loáng ngày nay, nếu là vật gia truyền, hẳn gia tộc sở hữu nó – dù không phải hoàng thân quốc thích hay giới phú quý xa hoa – thì ít ra cũng từng là địa chủ, tá điền trù phú một thời. Còn nếu là món sưu tầm, xin chúc mừng người sở hữu: bởi ở thời điểm mà điếu bát cổ đã trở nên khan hiếm đến mức, có tiền thôi cũng chưa chắc mua được, thì việc có trong tay một món như vậy là cả may mắn và tầm mắt.

Dòng điếu bát xanh trắng thuộc đồ sứ ký kiểu là hiện vật hiếm, mang giá trị cao, được săn lùng bởi sự độc đáo cả về hình dáng lẫn sắc men tam lam. Ngày nay, người ta không còn dùng điếu bát để “phê pha” như thuở trước, mà giữ gìn, sưu tầm, lần giở những tích truyện xưa được kể lại bằng nét vẽ trên men sứ. Có lẽ vì thế, niềm vui nâng niu điếu bát – từ ánh mắt, đầu ngón tay cho đến câu chuyện đằng sau nó – vẫn chưa bao giờ vơi đi sức hút.

Nguồn tham khảo: Sắc màu quyền quý trên điếu bát người xưa

Biên soạn: Hoàng Linh

Viết bình luận của bạn:

Tranh vẽ theo yêu cầu. Chúng tôi nhận đặt vẽ tranh theo yêu cầu với thể loại và chất liệu đa dạng. Hãy để những bức tranh nói lên phong cách của bạn.

Tải ứng dụng ngay

Google Play App Store
popup

Số lượng:

Tổng tiền:

icon icon icon