-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Tin tức
Robert Rauschenberg: Kẻ xóa nhòa biên giới của nghệ thuật hiện đại
Khi nhắc đến những nghệ sĩ làm chuyển mình lịch sử nghệ thuật thế kỷ 20, Robert Rauschenberg nổi bật không chỉ bởi các tư tưởng cách mạng, mà còn bởi tinh thần khám phá táo bạo với vật liệu, phương tiện và khái niệm nghệ thuật. Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông, ta nhìn lại hành trình sáng tạo nơi ông liên tục phá vỡ ranh giới—giữa bộ môn, văn hóa và giữa nghệ thuật với đời sống.
Robert Rauschenberg, Bed, 1955 (có kính ngắm). Hình ảnh do Steven Zucker, đồng sáng lập Smarthistory cung cấp qua Flickr.
Từ nghệ thuật trừu tượng biểu hiện đến tranh ghép rực rỡ, Rauschenberg (1925–2008) là nhân tố quan trọng trong sự hình thành của Pop Art, Chủ nghĩa tối giản và Nghệ thuật khái niệm. Năm thập kỷ sự nghiệp của ông gắn liền với thử nghiệm, hợp tác liên ngành và đối thoại văn hóa.
Robert Rauschenberg với Estate (1963), trong một bức ảnh tại Bảo tàng Stedelijk Amsterdam, tháng 2 năm 1968
Ông nổi danh với các tác phẩm Combines, White Paintings và Erased de Kooning Drawing, vốn thách thức khái niệm nghệ thuật truyền thống. Dù gắn với phong trào Neo-Dada, ông không thuộc về bất kỳ trường phái nào—nghệ thuật của ông là một dòng chảy riêng biệt.
Sau Thế chiến II, ông học tại Viện Nghệ thuật Kansas City và Học viện Julian ở Paris, nhưng chính thời gian ở Black Mountain College mới định hình thế giới quan nghệ thuật của ông, nhờ ảnh hưởng của Josef Albers, John Cage và Merce Cunningham. Tại đây, ông tham gia Theatre Piece No. 1 (1952), sự kiện đa phương tiện tiên phong, mở đầu cho dòng nghệ thuật “Happening”.
Robert Rauschenberg, Giường, 1955, sơn dầu và bút chì trên gối, chăn và ga trải giường trên giá đỡ bằng gỗ. Hình ảnh do Steven Zucker, đồng sáng lập Smarthistory cung cấp qua Flickr.
Ông pha trộn hội họa, điêu khắc, nhiếp ảnh và trình diễn, kháng cự tính cá nhân của hội họa trừu tượng bằng cách đưa vào tác phẩm những vật thể đời thường—như con đại bàng nhồi bông trong Canyon (1959)—khiến ranh giới giữa nghệ thuật và hiện thực trở nên mờ nhạt.
“Tôi bị tấn công bởi truyền hình, tạp chí, sự quá tải của thế giới. Một tác phẩm trung thực nên kết hợp tất cả những yếu tố ấy.”
Robert Rauschenberg – Trapeze.
Sang thập niên 1960, ông phản ánh sự bùng nổ truyền thông bằng kỹ thuật in lụa và hình ảnh chồng lớp—từ phi hành gia đến biểu tượng thương mại. Retroactive I (1964) và Skyway (1964) đều thể hiện John F. Kennedy như một biểu tượng bị cuốn vào nhịp điệu dồn dập của nền văn hóa Mỹ. Trong đó, Skyway còn lồng ghép hình ảnh Venus at Her Toilet của Rubens, tạo ra cuộc đối thoại giữa cổ điển và hiện đại.
Robert Rauschenberg – Trapeze.
Tác phẩm Signs (1970) cô đọng tinh thần của thập kỷ: chiến tranh, đấu tranh nhân quyền, âm nhạc phản kháng và chinh phục không gian. Đó là hồi tưởng mang chiều sâu cảm xúc lẫn chính trị.
Rauschenberg không chỉ là nghệ sĩ của hình ảnh mà còn là kẻ tiên phong về công nghệ. Với Billy Klüver từ Bell Labs, ông tạo nên các tác phẩm như Oracle (điêu khắc âm thanh) và Soundings (ánh sáng phản ứng với âm thanh). Cùng Klüver, ông đồng sáng lập Experiments in Art and Technology (E.A.T.), kết nối nghệ sĩ và kỹ sư trong các trình diễn như 9 Evenings, nơi công nghệ và biểu cảm hòa làm một.
Robert Rauschenberg – Retroactive I, Skyway & Tracer set of 3 silkscreens.
Với niềm tin rằng nghệ thuật có thể hàn gắn, năm 1984 ông khởi động dự án toàn cầu ROCI (Rauschenberg Overseas Culture Interchange). Từ Trung Quốc đến Liên Xô, ông sáng tạo trong bối cảnh văn hóa địa phương, mong cầu đối thoại xuyên biên giới.
“Tôi nghĩ bạn sinh ra đã là nghệ sĩ hay không. Tôi hy vọng mình sẽ không bao giờ ‘học được’ nghệ thuật, vì biết nhiều hơn đôi khi chỉ làm tăng thêm giới hạn.”
Cho đến khi qua đời vào năm 2008, ông sống giữa đô thị New York và đảo Captiva, Florida. Ông nhận Giải thưởng lớn quốc tế tại Venice Biennale (1964) và Huân chương Nghệ thuật Quốc gia Mỹ (1993), nhưng phần thưởng lớn nhất là di sản sống động mà ông để lại.
Ông truyền cảm hứng cho Jasper Johns, Andy Warhol, Roy Lichtenstein, và cả những nghệ sĩ hậu hiện đại như Cindy Sherman, Sherrie Levine—những người tiếp tục cuộc đối thoại với truyền thông đại chúng.
Không chỉ là người sáng tạo, ông còn là nhà hoạt động. Ông đồng sáng lập Artists Rights Today để bảo vệ quyền tác giả và lập ra Change, Inc. nhằm hỗ trợ nghệ sĩ gặp khó khăn.
“Hội họa liên quan đến cả nghệ thuật và cuộc sống. Tôi làm việc trong khoảng cách giữa hai điều đó.”
Và trong khoảng không mong manh đó, nơi một chiếc gương nứt, một chai Coca-Cola cũng có thể chứa đựng vẻ đẹp, Rauschenberg đã trao cho nghệ thuật một điều quý giá nhất: khả năng nhìn thấy điều phi thường trong cái bình thường, khả năng giải phóng khỏi mọi giới hạn để trở về với một thứ nghệ thuật không cần xin phép, chỉ cần sống.
Nguồn: In Good Taste
Biên dịch: Trang Lê