-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Tin tức
Pháp lam Huế – Tinh hoa nghệ thuật thủ công cung đình triều Nguyễn
Pháp lam Huế là một trong những nghề thủ công tinh xảo bậc nhất dưới triều Nguyễn, gắn liền với Di sản văn hóa thế giới Cố đô Huế. Đây là loại hình nghệ thuật độc đáo, chỉ xuất hiện trong lịch sử Việt Nam dưới triều Nguyễn, đánh dấu một giai đoạn phát triển rực rỡ của nghề thủ công cung đình.
Pháp lam Huế được chế tác từ đồng hoặc hợp kim đồng, phủ men màu rực rỡ và trang trí hoa văn tinh xảo. Nghệ thuật này có nguồn gốc từ Limoges (Pháp) và Battersea (Anh), du nhập vào Trung Hoa vào cuối thế kỷ 17 qua các tu sĩ dòng Tên. Đến năm 1827, dưới thời vua Minh Mạng, các thợ vẽ thuộc Nội Tạo – cơ quan chuyên vẽ trang trí trong cung đình – đã học hỏi kỹ thuật này từ Trung Hoa, đặt nền móng cho nghề pháp lam tại Việt Nam.
Lư xông trầm pháp lam
Tên gọi "pháp lam" được cho là bắt nguồn từ "pháp lang sa" (chỉ nước Pháp – Française), nhưng do kiêng húy Thượng Vương Nguyễn Phúc Lan (1635-1648), triều Nguyễn đã gọi chệch thành "pháp lam". Nhận thấy giá trị của loại hình nghệ thuật này, vua Minh Mạng đã thành lập Tượng cục pháp lam, chuyên chế tác với số lượng lớn để trang trí nội, ngoại thất cung đình và tạo ra các vật phẩm tế tự.
Quả bồng pháp lam
Pháp lam Huế thuộc dòng Họa pháp lam, sử dụng men lót phủ lên cốt kim loại, sau đó vẽ hoa văn bằng men màu rồi nung ở nhiệt độ cao. Nghề này phát triển mạnh dưới các đời vua Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức, nhưng dần mai một do biến động lịch sử. Hiện nay, nhiều nhóm nghiên cứu tại Huế đang phục chế kỹ thuật này, góp phần bảo tồn và phục hồi một nghề thủ công từng bị thất truyền.
Hộp đựng thuốc pháp lam
Dấu ấn pháp lam vẫn hiện diện trên nhiều công trình kiến trúc cung đình Huế. Các ô pháp lam trên cổng đồng ở hai đầu cầu Trung Đạo và dải cổ diêm trên mái điện Thái Hòa vẫn giữ nguyên vẻ đẹp lộng lẫy sau hàng trăm năm.
Cận cảnh một ô pháp lam hình hoa lá:
Đầu trụ búp sen làm bằng pháp lam ở cổng đồng cầu Trung Đạo:
Dải cổ diêm trên mái điện Thái Hòa ở Hoàng thành Huế được trang trí bằng các ô pháp lam:
Cận cảnh ô pháp lam trên dải cổ diêm của điện Thái Hòa.
Để chiêm ngưỡng trọn vẹn sự tinh xảo của pháp lam Huế, du khách có thể ghé thăm Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế – nơi lưu giữ bộ sưu tập pháp lam phong phú nhất triều Nguyễn. Những hiện vật quý như đĩa pháp lam ngũ sắc trang trí hoa lá thời Tự Đức hay đĩa lót pháp lam xanh trắng trang trí vân thủy ba, móc câu thời Minh Mạng là minh chứng rõ nét cho vẻ đẹp và giá trị nghệ thuật của nghề thủ công này.
Nguồn tham khảo: Pháp lam – nghề thủ công đặc sắc của cung đình nhà Nguyễn
Biên soạn: Hoàng Linh