VN EN

Tin tức

Phan Cẩm Thượng - người 'đo' tín hiệu người xưa

Thật ra, họa sĩ Phan Cẩm Thượng không phải là một chân dung hấp dẫn với những ai vốn tò mò và khoái cảm với cá tính xù xì, gai góc, mạnh mẽ, hay lập dị, biến thái… Những ai mong muốn vớ thấy những câu trả lời bốc đồng và ngớ ngẩn thì chỉ có nước “ăn dưa bở”. Toàn bộ không khí trong bài phỏng vấn này sẽ đúng như không khí mà con người Phan Cẩm Thượng tỏa ra khi bạn được ngồi đối diện. Một trạng thái của sự tĩnh lặng, êm dịu, vô vi.

Cần phân biệt 'Hội thánh Đức Chúa Trời' với các nhóm Tin lành khác - Du  Lịch & Văn hóa

Cho dù bạn có trò truyện với Phan Cẩm Thượng trong một môi trường đầy tiếng cười nói cợt nhả của người uống cà phê bên cạnh, và tiếng còi xe máy típ típ inh nỏi, và mùi của xăng, của khói bụi, của hơi người trong cái nóng mùa hè bốc lên ngào ngạt, thì ở nơi đây, trong ranh giới giữa hai người rộng hơn mép bàn chút xíu, vẫn là sự tĩnh tại ngự trị. Phan Cẩm Thượng có giọng nói chậm, không dầy mà thanh thanh, hơi bẹt như giọng nói của người già xưa. Phan Cẩm Thượng xưng là “tôi”. Khi quen cuộc trò chuyện chuyển ngay sang từ “tao”. Ông luôn đủng đỉnh trả lời các câu hỏi. Đôi khi làm mọi nỗ lực hâm nóng cuộc nói chuyện của tôi trở nên nguội ngắt.

Đúng như một người họa sĩ vẽ tranh thủy mặc. Để vẽ ra chất của lửa đã khó, nhưng vẽ đúng chất của không khí càng khó hơn gấp bội. Vì không khí là vô hình, lửa là hữu hình. Nhưng ta có thể cảm nhận được chất của không khí qua những nét vẽ về hoa lá và côn trùng tinh tế cô đọng đến kiệt cùng qua tranh của họa sĩ Tề Bạch Thạch của Trung Quốc ở thế kỷ thứ trước. Không khí khi là sự chuyển động mượt mà, êm ái trong những bức tranh phong cảnh có núi, sông và hàng dương liễu. Đôi khi không khí lại là sự chuyển động dào dạt, tươi rói đầy sức sống trong “Tôm bơi trong cỏ lưỡi mác”. Hoặc như những danh họa của trường phái Ấn tượng ở phương Tây, mà người khởi xướng là họa sĩ Monet mượn màu sắc của mặt nước, nhà thờ, mặt trời mọc, cỏ cây…để vẽ nên những sắc màu ảo ảnh của thành phố Paris.

Nhưng tựu trung, không khí luôn là thứ biến ảo và khó nắm bắt. Trong một hình dung không đến nỗi thái quá, tôi đã nghĩ về “chất Phan Cẩm Thượng” như vậy. Khi tôi đưa ra những câu chữ có vẻ thừa thãi về hội họa như trên, cũng mong độc giả yêu mến và muốn tìm hiểu về họa sĩ, nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng có thêm một chỉ dẫn về con người đó. Chúng ta đang đi vào một thứ gì đó nửa là thực, nửa là phi thực. Bởi Phan Cẩm Thượng là người sống giữa làn ranh của đạo và đời.

Như ông nói đấy là những khó khăn về mặt vật chất. Tôi muốn hỏi đến những khó khăn về mặt tinh thần. Đâu là thời điểm khiến ông thấm thía nhất sự đau khổ, mà sau này nó ám ảnh suốt cuộc đời sáng tác của ông?

Có lẽ không vui nhất là thời gian bố mẹ tôi bỏ nhau. Đấy là một dấu ấn rất nặng nề.

Thật kỳ lạ. Lẽ ra vào thời điểm chiến tranh, vợ chồng càng khó bỏ nhau…

Đúng là chiến tranh người ta không ai bỏ nhau. Nó rất đặc biệt. Gia đình lại đông con, nhiều trách nhiệm. Không ai mong điều ấy. Thôi đó cũng là một chuyện đã xẩy ra.

Nói đến gia đình, Phan Cẩm Thượng thoáng dừng lại. Đôi mắt sâu thăm thẳm như có hai hố trũng ở hai bên hốc mũi. Ở đó ẩn chứa những nỗi buồn, những đau khổ, những ám ảnh, những trận cãi vã, và hơn cả những sự im lặng cứa vào da thịt đến rợn người. Phan Cẩm Thượng lúng túng, giống như một học sinh giỏi luôn tự tin về mọi mặt, nay bị người ta bắt trúng yếu huyệt, trở nên mắc cỡ và tự ti. Thật chẳng tốt đẹp gì khi khoét sâu vào vết thương vẫn đang lên da non. Nhưng đó đã từng là một mảng quan trọng trong cuộc đời người họa sĩ. Và nó góp phần tạo nên một Phan Cẩm Thượng đang ngồi trước tôi hiện nay.

Cuộc hôn nhân của ông có lẽ giống như đoạn đường đi lạc trên hành trình của cuộc đời. Đoạn đường đó có thể ngắn, có thể dài. Nhưng nó là đoạn đường mà ta bắt buộc phải đi. Đi để rồi quay lại và đi tiếp hành trình thực sự với một tâm thế mới. Tâm thế của sự thấu hiểu nhân duyên. Mọi ràng buộc về xã hội và về trách nhiệm gia đình giống như một cái gông cùm. Nó vừa là nhà ở, cũng là nhà tù của mỗi kiếp người. Nhưng vì nó hiện diện quá thân thuộc đến mức trở thành cái tất yếu trong hàng nghìn năm qua. Chỉ những con người mang trong mình hơi thở của tự do mới thực sự được giải thoát. Đương nhiên, chẳng có sự giải thoát nào là “miễn phí” cả.

Phải chăng sự thất bại trong cuộc hôn nhân của ông là sự lặp lại câu chuyện của bố mẹ ông?

Mỗi người một khác. Không nên đổ lỗi cho số phận. Cuộc sống của mình không hay thì đổ lỗi cho mình trước tiên.

Ý tôi ở đây là những ám ảnh về một cuộc hôn nhân không toàn vẹn từ bố mẹ. Nó khiến ông ngay cả trong ngày cưới, dù hoan hỉ đến mấy cũng khó có những suy nghĩ ngây thơ về một gia đình viên mãn. Phải chăng trong ông luôn ẩn náu một sự hoài nghi và những thiếu hụt không thể lấp đầy về hạnh phúc?

Đúng là nó có ảnh hưởng. Có thể sự toàn vẹn là không có. Nói chung là lỗi của mình.

Chất nào sau đây giống “chất Phan Cẩm Thượng” nhất: Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ?

Chẳng biết. Thôi thì đã sinh ra đời và đã sống thì phải trải qua, chấp nhận cái hay cái dở. Nếu anh không chấp nhận anh sẽ rất khổ.

Có sự đau đớn nào quá lớn khiến ông không thể chấp nhận nổi?

Không. Không có cái đó đâu. Tôi không lấy hưởng thụ làm mục đích mà lấy kết quả làm ra làm mục đích. Nếu điều dở có thể làm cho tôi vẽ một bức tranh đẹp thì tôi vẫn thích hơn là điều hay mà chẳng làm được cái gì.

Chắc nhiều sư thầy nói với ông là ông có căn Phật?

Có. Người ta bảo tôi kiếp trước tu rồi, kiếp này không phải tu nữa, thích làm gì thì làm, cứ “đập phá” thoải mái (cười).

Tôi không rõ với một người đặc biệt như ông thì vợ ông hẳn có tính cách cũng đặc biệt?

Thôi chuyện đó qua rồi, không hỏi nữa.

Biết rằng sẽ rất vô duyên khi cứ xoáy sâu vào chủ đề không-được-ưa-thích này. Nhưng không thể phủ nhận nó đã tạo nên một Phan Cẩm Thượng đang ngồi đối diện trước mặt tôi. Vậy lỗi là ở ai?

Cái chính tôi không phải là người của gia đình. Tôi sống cho gia đình ít.

Nhiều người trước khi lập gia đình cũng nghĩ thế. Nhưng sự yên bình của một mái ấm cũng là một nhu cầu thiết thực. Chẳng ai muốn buổi tối về nhà lại thui thủi một mình trong xó nhà lạnh lẽo và bừa bộn. Ông không có một sự băn khoăn nào khi phải dứt bỏ một nơi trú ẩn yên lành mà bất kỳ khi nào ông cũng có thể ghé về sau những lần phiêu bạt?

Cuộc sống gia đình và cuộc sống ngoài xã hội không giống nhau. Ví như tôi lớn lên và trưởng thành bởi rất nhiều người trong xã hội. Nhưng tính chất của gia đình là chỉ muốn thu gọn. Nó làm cho tất cả những thứ khác bị hạn chế. Cho nên tôi không còn thích nữa.

Ai cũng cần cuộc sống gia đình, kể cả người làm nghệ thuật hay không. Nhưng nó là chuyện thuộc về số mệnh. Tôi không có sự lựa chọn.

Mấy năm sau khi lập gia đình ông mới cảm thấy ông không còn phù hợp?

HS PCT: Khó nói lắm. Khi có con cái thì nghĩ đến con cái là chính. Không thích vẫn phải chấp nhận. Đến khi con lớn, tự lập được thì thôi. Tôi sống một mình vẫn hợp hơn.

Vô tình tôi tìm được một bức ảnh của Phan Cẩm Thượng cách đây chừng hai chục năm. Bức ảnh thời chưa có ảnh màu. Nước ảnh màu vàng nhờ nhờ còn không nét bằng cả ảnh đen trắng. Phan Cẩm Thượng thời ấy không khác bây giờ là mấy, ngoài khuôn mặt gầy và thanh hơn. Vẫn chòm râu dài khi nói chuyện rung rinh theo cử động của vòm miệng. Ông không thay đổi nhiều sau 20 năm , chỉ có chòm râu là điểm thêm nhiều sợi bạc.

Một khuôn mặt với nhiều đường nét mềm không gai góc và kiêu bạc. Sống mũi nhiều thịt, nở to của một người phóng khoáng, đôi mắt của một người hiếm khi nói dối và tráo trở. Và nụ cười của một người ít khi to tiếng dù giận dữ.

Hẳn là trước đám đông, Phan Cẩm Thượng không phải là người cầm trịch và nhiều lời. Ông không phải týp người nổi bật. Ăn mặc cũng không có gì là khác thường. Đơn giản áo phông có cổ, quần kaki ống suông hoặc quần táp ta màu tối, dưới là xăng đan, có khi là giày vải, cũng có khi là dép nhựa đã sờn. Chẳng vòng vèo lằng ngoằng, chẳng xích xiếc xủng xoảng ở tay và chân, chẳng đầu trọc và cũng chẳng đi con xe bé xíu được chế lại khá lập dị như họa sĩ sắp đặt Bảo Toàn. Tôi nhớ không lầm, ông đi một con cúp 50 cũ rích, nhiều vết rỉ còn chưa hàn lại. Và ông đi rất chậm trước dòng người đang phóng rất nhanh.

Đã thế, vị họa sĩ này luôn rụt rè và khiêm tốn, ngay cả khi đứng bên cạnh những đàn em đáo để tinh quái như nhà thơ Phan Thị Huyền Thư hay mạnh mẽ và cương nghị như dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng. Thậm chí với học trò, ông cũng có một thái độ khiêm nhường.

Đó hoàn toàn không phải là sự trịnh trọng giả tạo. Người càng uyên thâm và càng trải nghiệm nhiều càng thấm thía những giới hạn của mình. Ở mặt này hay mặt khác, ta cũng có thể là thầy mà cũng có thể là trò của người. Sự hữu hạn của con người đối với thế giới quả không bao giờ có thể lấp đầy.

Họa sĩ Phan Cẩm Thượng mang một vẻ đẹp của người xưa. Vẻ đẹp của quần lĩnh đen và áo nâu sòng, cùng miếng trầu tôi vôi đượm lại. Vẻ đẹp của những gam màu trầm và xỉn mà thoạt nhìn không được bắt mắt lắm. Nhưng càng chiêm ngưỡng càng bị hút hồn.Vẻ đẹp đó khiến người đối diện phải vội lùi lại, quẳng ngay chiếc mũ của cái tôi ngạo nghễ ra phía sau để cúi chào.

Có thể ngay cả ông cũng không ý thức được vẻ đẹp của mình. Vẻ đẹp của một người quân tử khiến người khác khâm phục và ngưỡng mộ ngay cả khi anh ta chẳng làm gì, chẳng nói gì. Người quân tử thật sự thì chẳng bao giờ vỗ ngực tự xưng mình là hảo hán. Hành động của anh ta nói lên tất cả. Phan Cẩm Thượng không nói nhiều về mình. Không có cả những cuộc triển lãm cá nhân rầm rộ và phô trương (cho dù vị thế của Phan Cẩm Thượng đủ để ông làm những điều đánh bóng ấy).

Đã mười năm nay, nhà của Phan Cẩm Thượng là chùa. Hiện ông sống ở hai nơi, một căn buồng rộng tầm 6m2 tại chùa Bút Tháp và một căn hộ thuê chật không kém ở khu phố Cảm Hội, Lò Đúc. Ông đi lại liên tục như vậy, một phần để chăm sóc cô con gái duy nhất cũng đi theo ngành của bố. Không gian thoáng đãng, thư thái tại chùa Bút Tháp hay không gian chật hẹp, xô bồ của một trong những khu phố được coi là “buồn tẻ” nhất Hà Nội, Phan Cẩm Thượng vẫn không ngừng làm việc. Có lần ông nói: “Đừng biến ngôi chùa thành nhà riêng của mình, mà hãy biến ngôi nhà thành ngôi chùa”.

Hiện giờ, Phan Cẩm Thượng đã được tự do. Ông cười đùa, thế là mình đã gửi được con gái sang nhà khác nuôi. Thế là cái nút trói cuối cùng của gia đình giờ cũng đã buông lơi. Phan Cẩm Thượng sẽ có nhiều cơ hội “sống với tự nhiên”, hơn là “sống với tha nhân, xã hội” (hai khái niệm để đời của triết học Hiện sinh (Existencialisme) về triết lý sống).

Có lẽ từ nay trở đi, ông sẽ ở chùa nhiều hơn và lang thang nhiều hơn. Không rõ có chốn ngang cùng ngõ hẻm nào của làng Bắc Bộ mà Phan Cẩm Thượng chưa dừng chân tới. Nhưng một người như Phan Cẩm Thượng, dù đến tuổi nghỉ ngơi vẫn dám chắc đi tiếp nữa lắm, đi nhiều là đằng khác. Tôi cá là ông đi không kém, thậm chí còn nhỉnh hơn những vị giáo sư hàng đầu nghiên cứu về làng xã Việt Nam.

Cách nghiên cứu của Phan Cẩm Thượng là dựa trên kinh nghiệm và cảm nhận. Nghe thì có vẻ phi khoa học và chủ quan nhưng nó khá hữu hiệu. Ông là người biết cách sử dụng phương pháp liên ngành, cùng với những thực tế sống động mà nhiều nhà khoa học không có được. Ta có thể đọc được sau những trang viết là một tình yêu dịu dàng và sâu lắng đối với nghệ thuật dân tộc. Những con người gò lưng cần cụi đi gom nhặt và lưu giữ những mảnh hồn cuối cùng của dân gian ấy quả giống như những kẻ hành xác trên con đường tới Giác Ngộ.

Nguồn: http://nguoibanduong.net/index.php?nv=News&at=print&sid=2444

 

Viết bình luận của bạn:

Tranh vẽ theo yêu cầu. Chúng tôi nhận đặt vẽ tranh theo yêu cầu với thể loại và chất liệu đa dạng. Hãy để những bức tranh nói lên phong cách của bạn.

Tải ứng dụng ngay

Google Play App Store
popup

Số lượng:

Tổng tiền:

icon icon icon