-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Tin tức
Những rung động thầm lặng của nghệ thuật hiện đại
Một triển lãm tranh nghệ thuật "Mescaline Drawings" của Henri Michaux tại London đang gợi lại câu hỏi từng ám ảnh nghệ thuật thế kỷ 20: Liệu ma túy có thể nâng cao khả năng sáng tạo nghệ thuật?
Vào tháng 1 năm 1955, nhà văn, nhà thơ và nghệ sĩ người Pháp-Bỉ Henri Michaux bắt đầu thử nghiệm với mescaline – một chất gây ảo giác chiết xuất từ cây xương rồng peyote của Mexico, thường được sử dụng trong các nghi lễ của người bản địa. Bị cuốn hút bởi y học và khoa học, Michaux tìm cách khám phá “không gian nội tâm” của mình. Trong suốt hơn một thập kỷ, ông tiếp tục mở rộng các thử nghiệm với LSD, hashish và psilocybin từ nấm ma thuật, đồng thời ghi chép hiệu ứng của từng chất theo khoảng thời gian 15 phút, giống như một nhà nghiên cứu nghiêm túc.
Chính từ những ghi chép tay tỉ mỉ ấy mà các tác phẩm như Miserable Miracle (1956), Infinite Turbulence (1957) và Knowledge through the Abyss (1961) ra đời. Song hành với chúng là khoảng 300 bức vẽ bằng bút chì, than và mực – nay đang được trưng bày tại Viện Courtauld, London. Theo giám tuyển Ketty Gottardo, những bản vẽ này là “địa chấn đồ run rẩy” của tâm trí Michaux. Nhà lưu trữ Franck Leibovici cũng nhận xét rằng chúng là “ký ức cơ thể về những rung động của mescaline”.
Ma túy, tiềm thức và nghệ thuật: Một mối liên kết lâu đời
Với Michaux, ma túy không đơn thuần là phương tiện trốn thoát mà là công cụ để quan sát nội tâm. Ông nối tiếp tinh thần của các nghệ sĩ Siêu thực (Surrealist) – những người tìm đến giấc mơ và tiềm thức như một kho báu sáng tạo. Từ những năm 1920, họ đã sử dụng chất kích thích để giải phóng trí tưởng tượng.
Francis Picabia – một nghệ sĩ Pháp nổi tiếng với tính cách lập dị – từng thẳng thắn thừa nhận bị cuốn hút bởi thuốc phiện. Ông nói: “Tôi không vẽ những gì mắt thấy, mà vẽ những gì tâm trí và linh hồn cảm nhận.” Các tác phẩm như Hera (1929), The Sphinx (1929) và Aello (1930) tràn ngập ảo ảnh, gợi lên trải nghiệm thị giác mê hoặc.
Tác phẩm của Adrian Piper, được giới thiệu bởi Levy Gorvy tại Art Basel 2017.
Tác phẩm của Adrian Piper, được giới thiệu bởi Levy Gorvy tại Art Basel 2017.
Sang thập niên 1960, các phong trào phản kháng xã hội đã mở đường cho làn sóng nghệ sĩ sử dụng LSD, nấm ma thuật và các loại chất thức thần khác như một phần của hành trình sáng tạo. Những tên tuổi như Jean-Jacques Lebel tại Pháp và Adrian Piper tại Mỹ đã đưa cơ thể và tiềm thức của chính mình trở thành “phòng thí nghiệm nghệ thuật”.
Khi sáng tạo đi đôi với rủi ro
Trang cuối cùng trong trải nghiệm thứ hai, ghi chép trong ‘Cahier jaune’ (Sổ tay vàng), ngày 11 tháng 3 năm 1966, Henri Michaux. Lưu trữ Michaux, Paris.
Jean-Jacques Lebel, một biểu tượng của nghệ thuật trình diễn và phản kháng, gọi LSD là “vitamin tâm lý”. Ông thực hiện các màn trình diễn mang tính thể nghiệm cao như 120 phút dành riêng cho Marquis de Sade (1966), đưa khán giả vào một không gian đầy ánh sáng chớp nháy, âm nhạc và... thịt sống.
Trong khi đó, Adrian Piper – nghệ sĩ gốc Phi-Mỹ – lại khám phá bản thân thông qua LSD vào năm 1965 khi chất này vẫn còn hợp pháp tại Hoa Kỳ. Bộ tranh LSD Self-Portrait from the Inside Out (1966) là ví dụ tiêu biểu, kết hợp màu sắc rực rỡ, hình khối kỳ ảo và hiệu ứng thị giác như trong truyện tranh.
Những chương tối của cảm hứng từ chất gây nghiện
Từ cuối thập niên 1970, heroin bắt đầu lan rộng và trở thành nỗi ám ảnh của nhiều nghệ sĩ. Nhiếp ảnh gia Scotland Graham MacIndoe đã sử dụng chính cơ thể mình làm chủ thể, chụp lại quá trình nghiện ngập và hồi phục. Tương tự, nghệ sĩ Dash Snow – một biểu tượng nghệ thuật đường phố tại New York – lại không thể vượt qua vòng xoáy nghiện ngập, ra đi ở tuổi 27 và để lại khoảng trống lớn trong cộng đồng nghệ thuật.
Hành trình “narcotourism” và suy tưởng mới
Narcotourism, Francis Alÿs, 1996. Tư liệu đồ họa của một hành động, Copenhagen.
Narcotourism, Francis Alÿs, 1996. Tư liệu đồ họa của một hành động, Copenhagen.
Năm 1996, nghệ sĩ Francis Alÿs tiếp tục khảo sát chủ đề này qua tác phẩm Narcotourism. Tại Copenhagen, ông sử dụng nhiều loại chất kích thích khác nhau để đi bộ khắp thành phố, ghi lại trải nghiệm bằng hình ảnh đôi chân mang giày Converse cùng những dòng nhật ký như: “Không có ảo ảnh thị giác, nhưng âm thanh trở nên sắc bén. Không còn cảm giác thèm ăn. Đêm tối, buồn nôn và khát nước.”
Ma túy – Cánh cửa mở hay ngõ cụt?
Qua hành trình của Michaux, Picabia, Piper hay Alÿs, người xem nhận ra rằng ma túy – khi đặt trong bối cảnh thực nghiệm nghệ thuật – có thể mở ra không gian sáng tạo mới, nơi ý thức được thách thức, định kiến bị gạt bỏ và trải nghiệm vượt qua ngôn ngữ. Tuy nhiên, ranh giới giữa cảm hứng và hủy hoại luôn mong manh. Nếu như với một số nghệ sĩ, ma túy là “lối vào của cái mới” thì với những người khác, nó là cánh cửa không lối về.
Nguồn: Art and drugs: a short history
Quỳnh Hoa