-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Tin tức
Những điều cần biết khi muốn tự đánh giá tác phẩm
Trong sự nghiệp vẽ tranh của mỗi họa sĩ, họ đều mong muốn sáng tạo ra những tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao và được nhiều người yêu thích. Nhưng để có được sự thành công đó, họ đã mất rất nhiều thời gian và công sức để tìm ra phong cách cũng như là hướng đi đúng cho các tác phẩm của mình. Một trong những cách tốt nhất để cải thiện kỹ năng là học cách tự phê bình bức tranh của bạn. Bởi vì không ai có thể hiểu rõ về phong cách nghệ thuật và các tác phẩm của bạn bằng chính bạn.
Tự đánh giá cũng là công việc tốt để bạn hình thành thói quen phê bình, nhìn nhận nghiêm túc về hội hoạ. Và chúng hiệu quả nhất nếu bạn sử dụng các nguyên tắc cơ bản giống nhau cho mỗi bức tranh. Một danh sách kiểm tra tiêu chuẩn (hoặc bảng crit) cung cấp các hướng dẫn về việc tự đánh giá để bạn có sự nhất quán trong các bức tranh. Bài viết này sẽ cung cấp thông tin cơ bản về việc bạn nên hoặc không nên làm khi tự đánh giá tác phẩm của mình.
(Tranh màu nước "Màu của lính"- Họa sĩ Bảo Huỳnh)
Đầu tiên, hãy tìm hiểu về những họa sĩ mà bạn yêu thích
Bạn nên tìm hiểu thật kỹ thông tin về họa sĩ mà bạn yêu thích, đồng thời cả những tác phẩm nổi bật của họ. Bạn hãy nghiên cứu, xem xét thật kỹ những yếu tố đặc biệt trong tranh của họ. Đọc về các phương pháp hoặc xem những video về quy trình sáng tác một bức tranh. Ngay cả các video tua nhanh cũng cung cấp thông tin chi tiết có giá trị như cách họa sĩ đó áp dụng khi vẽ tranh. Sau đó so sánh các phương pháp và phong cách đó với tác phẩm của bạn. Nhiều người cho rằng bạn đừng bao giờ so sánh mình với họa sĩ khác, và ở một khía cạnh nào đó thì lời khuyên đó rất đúng. Nhưng cũng có nhiều họa sĩ đã dành nhiều năm để so sánh tác phẩm của mình với tác phẩm của họa sĩ mà họ ngưỡng mộ, điều này giúp họ tiến bộ hơn rất nhiều. Trước khi có sự xuất hiện của Internet, việc tìm hiểu thông tin về họa sĩ và tác phẩm là điều khó khăn. Nhưng ngày nay, việc tìm kiếm các họa sĩ và thông tin sự nghiệp của họ trở nên dễ dàng, nhanh chóng.
Thứ hai, không nên phê bình quá gay gắt
Bạn không nên bắt đầu bằng việc tự chỉ trích chính mình một cách quá gay gắt. Đúng vậy, bạn có thể thừa nhận khi bạn không đạt được mục tiêu hoặc khi bạn thử điều gì đó mới và nó không thành công - nhưng hãy để những thất bại đó là bàn đạp để bạn bắt đầu tác phẩm nghệ thuật tiếp theo. Vì nếu bạn đánh giá năng lực của bản thân quá thấp thì sự tuyệt vọng và nghi ngờ khả năng nghệ thuật bản thân sẽ tăng cao. Bởi vì những suy nghĩ tiêu cực về bản thân sẽ phản tác dụng, vì vậy hãy đề phòng chúng. Việc học cách nhận ra các dấu hiệu cho thấy bạn đang mệt mỏi, không có cảm hứng sáng tác và tạm rời phòng vẽ của mình một thời gian cũng là một điều rất cần thiết. Những lúc như thế, hãy nghỉ ngơi hay đi dạo đâu đó xung quanh, sau đó bạn có thể tiếp tục công việc với tinh thần thoải mái.
(Tranh sơn mài "Tư duy cổ điển"- Họa sĩ Lương Duy)
Tạo ra tiêu chuẩn đánh giá của riêng bạn
Đầu tiên chúng ta cần phải hiểu rằng cải thiện là một hành trình, không phải là một điểm đến. Bạn không cần phải làm mọi thứ cùng một lúc, vì nó sẽ không mang lại kết quả tốt. Dưới đây là một số bước giúp bạn bắt đầu thiết lập những tiêu chuẩn đánh giá của riêng mình:
1. Đánh giá điểm mạnh của bạn
Hãy xem lại một số tác phẩm đẹp nhất của bạn và xem chúng như một bộ sưu tập, sau đó hãy viết ra những đánh giá trung thực về các tác phẩm đó. Những đánh giá này không chỉ dùng để cải thiện những điểm yếu mà còn giúp bạn ngăn chặn sự chán nản khi bạn không có cảm hứng sáng tác.
2. Đánh giá điểm yếu của bạn
Hãy nhìn lại những tác phẩm đó một lần nữa và hãy cố thử tìm xem liệu có điểm nào bạn còn đang thiết sót hay chưa hài lòng hay không? Bố cục có tốt không? Bức tranh có sự tương phản về màu sắc hay không? Đây là những điều bạn cần chú ý nhất. Viết đánh giá trung thực về những yếu tố đó, sau đó bạn đã có thể tìm ra cách để cải thiện chúng. Đây sẽ là phác thảo cho những tiêu chuẩn của bạn sau này.
(Tranh lụa "Đợi mẹ về"- Họa sĩ Nguyễn Cẩm Nhung)
3. Xác định chính xác những gì bạn muốn cải thiện
Chúng tôi khuyên bạn cần xác định mục tiêu hoặc một phong cách, mà bạn muốn cải thiện nhất. Ví dụ, bạn có thể chọn các kỹ năng vẽ cơ bản để nâng cao giá trị của tác phẩm. Khi bạn đã xác định được ý tưởng lớn hãy viết những điều cụ thể mà bạn muốn thực hiện trong chủ đề đó.
Ví dụ, bạn nhận thấy rằng hầu hết các bức tranh phong cảnh của mình trông gần giống nhau. Nét vẽ trong các bức tranh tĩnh vật không có gì khác biệt. Hay bất kể bạn vẽ vào thời điểm nào trong năm, tất cả khung cảnh trong tranh đều giống như mùa xuân.
Khi đã xác định được những vấn đề cơ bản bạn muốn cải thiện, bạn sẽ liệt kê được những việc cụ thể bạn nên làm cũng như những việc không nên làm. Một trong những vấn đề mà các họa sĩ hay gặp phải là lựa chọn màu sắc. Vì bạn đã sử dụng các màu cơ bản giống nhau trên hầu hết các bản vẽ nên khi hoàn thành, chúng trông rất giống nhau! Vì vậy, bạn hãy chú ý hơn đến việc lựa chọn màu sắc ngay từ đầu để các tác phẩm sẽ độc đáo, mới lạ hơn.
Chú ý: Bạn nên bắt đầu với những vấn đề lớn nhất, cơ bản nhất trước. Khi bạn hài lòng với tiến độ, hãy bắt tay vào việc khác.
4. Liệt kê những tiêu chuẩn của bạn
Khi bạn đã xác định được điều bạn muốn cải thiện, hãy lập một danh sách về những tiêu chuẩn đánh giá bằng các câu hỏi cụ thể mà bạn muốn tự hỏi trong quá trình vẽ. Ví dụ:
- Tôi nên chọn màu phù hợp cho từng đối tượng hay chọn màu thông thường ?
- Bức tranh đã thể hiện được sự tương phản thông qua lựa chọn màu sắc và các đường nét hay chưa?
- Các vật thể có thực hay không? Và bố cục đã hài hòa hay chưa?
(Tranh Acrylic "Toothy"- Họa sĩ Trịnh Quỳnh Trâm)
5. So sánh danh sách đánh giá với mỗi tác phẩm đã hoàn thành
Sử dụng danh sách đánh giá này trên mỗi tác phẩm nghệ thuật mới mà bạn tạo ra. Tính nhất quán cũng quan trọng như xác định điểm yếu của bạn. Bạn càng nhất quán trong việc đánh giá công việc của mình, bạn sẽ càng tiến bộ. Vì vậy, hãy đánh giá từng bức tranh ngay sau khi bạn hoàn thành nó. Những lời nhận xét, tự đánh giá sẽ cho bạn biết đã có sự cải thiện chưa? Và có vấn đề khác phát sinh hay không? Và nó cũng sẽ giúp bạn quyết định xem có cần tiếp tục cải thiện hay không?
Hãy luôn nhớ rằng cải thiện là một quá trình và sự nỗ lực cả đời của người họa sĩ. Vì vậy, danh sách tiêu chuẩn của bạn không cần phải dài và phức tạp nhưng nó cần phải cụ thể và phù hợp. Mong muốn để trở thành một họa sĩ giỏi hơn thôi là chưa đủ bạn cần có những mục tiêu cụ thể để thúc giục bản thân hành động.
Nguồn: https://emptyeasel.com/2017/10/23/how-to-make-a-crit-sheet-to-self-evaluate-your-own-artwork/
Biên dịch: Trang Hà
Biên tập: Ahndoar