-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Tin tức
Những Dấu Vết Tự Do: Art Informel, Tachisme và Hành Trình Trừu Tượng Hậu Chiến
Sau những khói lửa và đổ nát của Thế chiến II, nghệ thuật châu Âu bước vào một kỷ nguyên mới: kỷ nguyên của giải phóng hình thức và khẳng định cá nhân. Từ Paris đến Düsseldorf, từ Rome đến Berlin, các họa sĩ không còn tìm kiếm sự hoàn hảo hình học hay cấu trúc logic – mà tìm về cội nguồn của cảm xúc nguyên thủy. Hai dòng chảy nổi bật nhất trong thời kỳ này là Art Informel và Tachisme – không phải là trường phái, mà là lời tuyên ngôn của sự bất định và tự do.
Art Informel và Sự Khước Từ Mọi Quy Phạm
Hans Hartung – T1949-6
Không mang trong mình đặc điểm hệ thống như một phong trào chính thức, Art Informel – thuật ngữ do nhà phê bình Michel Tapié đưa ra năm 1952 – phản ánh một loạt thực hành nghệ thuật trừu tượng mang tính cảm xúc, tự phát và chống lại quy ước thị giác. Tapié nói: "Chúng tôi không quan tâm đến phong trào, mà đến những cá nhân đích thực."
Phong trào này là sự đối lập triệt để với các hình thức nghệ thuật hàn lâm, đặc biệt là chủ nghĩa hình học vốn từng được Đức Quốc xã tán thưởng như biểu tượng cho trật tự. Các nghệ sĩ Art Informel từ chối mọi chuẩn mực: họ không lập kế hoạch bố cục, không theo đuổi hình dạng chuẩn. Mỗi bức tranh là kết quả của một hành động tức thì, nơi cảm xúc và trực giác dẫn lối.
Tachisme: Thư Pháp Cảm Xúc Trên Toan Vải
Trong không gian giao thoa với Art Informel, Tachisme (từ "tache" – vết loang, vết bẩn) nổi lên như một hình thức hội họa trừu tượng đầy trực giác của Pháp, gần gũi về tinh thần với Chủ nghĩa Biểu hiện Trừu tượng Mỹ. Các tác phẩm Tachisme thường mang dấu ấn của vệt sơn tự phát, nét vẽ ngẫu hứng, giống như nghệ thuật thư pháp vô thức.
Wols – Không có tiêu đề, 1946-47.
Không phải tất cả các nghệ sĩ Tachisme đều tự nhận mình thuộc về phong cách này. Tuy nhiên, điểm chung của họ là việc đặt cảm xúc cá nhân làm trung tâm, và xem hành động sáng tác như một nghi thức biểu đạt nội tâm.
Wols và Tuyên Ngôn Không Lời
Wols – Không có tiêu đề, 1946-47.
Wols (Alfred Otto Wolfgang Schulze) là nhân vật tiên phong trong cả hai dòng Art Informel và Tachisme. Tác phẩm Sans Titre (1946–47) được xem là một biểu hiện cực đoan của nghệ thuật tự phát – các vệt màu, đường kẻ và kết cấu gồ ghề trong tranh ông gợi cảm giác về một thế giới bị rạn vỡ nhưng vẫn chuyển động.
Wols cùng các nghệ sĩ như Jean Dubuffet, Jean Fautrier, Georges Mathieu, Pierre Soulages... được Michel Tapié giới thiệu trong cuốn Un Art Autre (Một Nghệ Thuật Khác) – không phải như một phong trào đồng nhất, mà là sự cộng hưởng của những cá nhân phá bỏ ranh giới giữa nghệ thuật và bản ngã.
Georges Mathieu – Nhịp Điệu và Bạo Liệt
Georges Mathieu – Vụ bắt cóc Henry IV của Tổng giám mục Anno thành Cologne.
Trong Camp de Carthage (1951), Georges Mathieu trình diễn sự kết hợp kỳ lạ giữa kiểm soát và hỗn loạn. Ông dùng cả cơ thể, tay không, và ống sơn để vẽ trực tiếp lên toan. Mỗi chuyển động là một khoảnh khắc sống, được đóng băng lại bằng màu sắc và tốc độ.
Mathieu tin rằng nghệ thuật không nên bị lập kế hoạch. Các bức tranh như Homage au Maréchal de Turenne hay La Bataille de Bouvines không chỉ là hình ảnh, mà là di sản của hành động. Ông là một trong những người đầu tiên mang yếu tố biểu diễn vào thực hành hội họa – một bước tiến vượt khỏi khung tranh truyền thống.
Serge Poliakoff – Sự Tĩnh Lặng Trừu Tượng
Serge Poliakoff – Composition abstraite, 1952.
Serge Poliakoff, gốc Nga, là thành viên của nhóm École de Paris mới. Tranh của ông ít sử dụng đường nét cứng hay bố cục hình học rõ ràng. Thay vào đó, ông sắp xếp các mảng màu bất đối xứng, tạo nên cảm giác cân bằng nhưng không theo logic thị giác cổ điển.
Tác phẩm Composition: Gray and Red là ví dụ điển hình cho phong cách của ông: bảng màu sâu, lớp màu chồng lấp nhẹ nhàng, không có viền ranh giới, mà hòa trộn và rung động trên nền vải.
Jean Dubuffet – Tâm Hồn Của Bề Mặt
Jean Dubuffet – Paris Montparnasse, 1961.
Là cha đẻ của phong trào Art Brut, Dubuffet không tìm kiếm vẻ đẹp cổ điển. Ông sáng tạo với bùn, cát, giấy bạc, và bất cứ vật liệu nào mang lại kết cấu xúc giác. Trong Soul of the Underground, ông trộn sơn cùng đất và cạo lớp màu bằng dao vẽ, cán cọ – tạo thành địa hình trực quan vừa thô ráp vừa sinh động.
Dubuffet không theo đuổi sự cao siêu mà tìm kiếm cảm giác thô mộc, nguyên bản. Ông tin rằng nghệ thuật nên xuất phát từ những gì bị xã hội coi là ngoài lề – nơi bản năng và sự thật thẩm mỹ gặp nhau không cần lý giải.
Hans Hartung – Cử Chỉ Của Vận Mệnh
Hans Hartung – T1934-2, 1934
Hans Hartung là minh chứng cho cuộc đời kháng cự: từng bị Đức Quốc xã kết án là nghệ sĩ suy đồi, phải chạy trốn, tham gia kháng chiến Pháp và mất một chân trong chiến đấu. Nghệ thuật của ông sau chiến tranh là sự kết tinh của nội lực và kỷ luật.
Bức tranh T-50 8 (1950) cho thấy các vết cọ kéo dài, các đường xước có nhịp điệu như bản nhạc trừu tượng. Hartung dùng cả cọ lớn, chổi lau sàn, và kỹ thuật ghi dấu tức thì – mỗi bức tranh là kết quả của một khoảnh khắc không thể lặp lại.
Nguồn: In Good Taste
Biên dịch: Trang Lê