VN EN

Tin tức

Những bức tranh của họa sĩ Martin Wong mở ra một cuộc thám hiểm đời sống 

Thông qua những bức tranh cấp tiến về chính trị của mình, Martin Wong đã tìm cách làm nổi bật các cộng đồng bị gạt ra ngoài lề xã hội ở San Francisco và New York vào cuối thế kỷ 20.

Những bức tranh của Martin Wong vẫn độc đáo đến khó tin cho đến ngày nay. Nghệ sĩ người Mỹ gốc Hoa đã sáng tác trong hai thời kỳ văn hóa đặc trưng: San Francisco thập niên 1970 và Thành phố New York thập niên 80 đến 90. Tác phẩm nghệ thuật của ông tập trung khắc họa những phận người bị khuất phục hoặc phải chịu sự đàn áp của những diễn ngôn chính thống. Một bức tranh vẽ hàng dãy tù nhân xếp chồng lên nhau trên những chiếc giường tù thép. Một bức tranh khác mô tả hai người đàn ông đang hôn nhau trước một khối gạch đổ nát ở Manhattan. Ông đã tạo ra một bộ ký hiệu đặc biệt thường xuất hiện trong các khung cảnh trong tranh. Bề mặt các tác phẩm của ông, được vẽ bằng cả hai tay, có lớp cát nhám, như thể bồ hóng và bụi bẩn trên đường phố được quệt thẳng lên tấm toan vẽ.

Triển lãm tranh Martin Wong – Trò tinh nghịch hiểm độc (Martin Wong – Malicious Mischief) đang diễn ra tại Trung tâm nghệ thuật Camden. Triển lãm nghệ thuật tập hợp những bức tranh trong suốt sự nghiệp sung mãn của ông. Màu tường rực rỡ làm nổi bật sự vui tươi trong tác phẩm cấp tiến về chính trị và xã hội của Martin Wong. Martin Clark đến từ Trung tâm Nghệ thuật Camden, người đã làm việc cho triển lãm trong bốn năm qua nhận xét: “Ông ấy là một nghệ sĩ hết sức đặc biệt. Một người nghệ sĩ đã hòa mình vào trong tác phẩm đó một cách sâu sắc và trọn vẹn nhất.”. Martin Clark cũng là giám đốc Viện KW của Berlin, nơi triển lãm tranh diễn ra vào đầu năm nay. 

Họa sĩ Wong sinh ra và lớn lên ở San Francisco trong một gia đình nhập cư gốc Hoa. Phong trào hippy của thập niên 60 và 70 rất phong phú phát triển dọc theo Bờ Tây lúc đó đã hiện diện trong tác phẩm đầu tay của ông với sự pha trộn ảo giác của màu sắc và hình ảnh kính vạn hoa. Sau khi chuyển đến New York, thực hành nghệ thuật của ông có sự chuyển hướng sang những bức tranh nặng nề hơn, tối hơn, với những bức tường gạch tỉ mỉ từng nét, mặt tiền cửa hàng rộng lớn bị đóng cửa, và sự xuất hiện của nghệ thuật graffiti đang phát triển của thành phố. Những tác phẩm này từng tạo thành một tác phẩm sắp đặt dài, có kích thước như người thật dọc theo Đại lộ B, và một số trong số đó được dựng lại trong triển lãm Martin Wong – Trò tinh nghịch hiểm độc (Martin Wong – Malicious Mischief). 

Clark nhận xét: “Martin Wong đã tìm được cho mình một vị trí vô cùng phù hợp để quan sát và sáng tác trên những chủ thể mà ông lựa chọn. Khi ở New York, ông là một phần của cộng đồng Mỹ Latinh ở đó, nhưng đồng thời cũng là một người Mỹ gốc Á. Ông chưa bao giờ vẽ graffiti, nhưng ông vô cùng yêu thích bộ môn này. Martin Wong đã sống hết sức chân thật trong những cộng đồng đó, nhưng cũng ghi lại chúng ở một khoảng cách đầy lý tính”.

Họa sĩ Wong đã đạt được những thành công liên tục ở Mỹ. Sự quan tâm của giới mộ điệu dành cho cái tên này cũng đã tăng lên đáng kể trong vài năm qua, khi các tác phẩm nghệ thuật của ông được đưa vào các bộ sưu tập nghệ thuật công cộng của các tổ chức bảo tàng nghệ thuật như MoMA, Whitney và Met. Mặc dù các bức tranh của ông gắn với những thời điểm và địa điểm hết sức cụ thể, nhiều ý tưởng của ông vẫn còn vang vọng cho đến ngày nay. Clark nói: “Rất nhiều vấn đề mà chúng ta đang nói đến ngày nay về bản chất đã diễn ra ngay từ khi Martin đang sáng tác. Những mối quan tâm về việc tìm thấy danh tính của mình giữa các nhóm khác và ý tưởng về sự khác biệt đều là những điều mà chúng tôi đang đề cập hàng ngày.”

Ngôn ngữ hội họa của Martin Wong hết sức đặc biệt. Xuyên suốt quá trình sáng tác, tranh sơn dầu của ông thể hiện một cá tính có phần tinh quái. Clark nói: “Vẻ ngây thơ trong tranh của Martin rất dễ đánh lừa người xem. Ông ấy thực sự cực kỳ tinh vi. Một trong những tác phẩm ban đầu là Vật tổ và cấm kỵ (Totem and Taboo), lấy tên một cuốn sách kinh điển của Sigmund Freud. Nghệ sĩ rất hiểu quyền năng của ngôn ngữ, rằng mọi thứ ký hiệu và ngữ nghĩa đều có khả năng định hướng tâm lý cũng như thực tại. Cách thức graffiti mã hóa ngôn ngữ cho những người thuộc nhóm yếu thế cũng giống như vậy. Tương tự, ngôn ngữ nghệ thuật của Martin tường minh nhưng cũng hàm ẩn những ý nghĩa mà chỉ một số nhóm nhất định mới có thể hiểu và sử dụng để giao tiếp”.

Nghệ sĩ Martin Wong qua đời năm 1999 vì một căn bệnh liên quan đến Aids. Ông đã chuyển về nhà cha mẹ ở San Francisco trong những năm cuối đời. Tranh vẽ thời kỳ này của ông cũng như những bức thư riêng giữa nghệ sĩ và bạn bè ghi lại nỗi đau bệnh tật bi thảm mà nghệ sĩ phải chống chọi. Triển lãm Martin Wong – Trò tinh nghịch hiểm độc (Martin Wong – Malicious Mischief) lần này trưng bày một bức tranh được hoàn thành trong bệnh viện vào ngày ông qua đời, với dòng chữ "Tôi đã từng có cơ hội chưa?" Đoạn phim trình chiếu trong triển lãm Martin Wong – Trò tinh nghịch hiểm độc (Martin Wong – Malicious Mischief) đưa người xem du hành từ những con đường và nhà hàng ở Khu Phố Tàu đến xưởng vẽ lộn xộn ở New York và cuối cùng là về ngôi nhà của gia đình họa sĩ. Bộ phim vẽ nên bức tranh một người đàn ông tràn đầy năng lượng sáng tạo, khao khát phơi bày những bất công của thế giới xung quanh và say sưa với niềm vui lẫn sự phức tạp của cuộc sống.

Triển lãm tranh Martin Wong – Trò tinh nghịch hiểm độc (Martin Wong – Malicious Mischief) đang diễn ra tại Trung tâm nghệ thuật Camden ở London cho đến ngày 17 tháng 9 năm 2023.

 

Biên dịch: Minh Tâm 

Biên tập: Thu Huyền

https://www.anothermag.com/art-photography/14949/martin-wong-malicious-mischief-camden-art-centre

Viết bình luận của bạn:

Tranh vẽ theo yêu cầu. Chúng tôi nhận đặt vẽ tranh theo yêu cầu với thể loại và chất liệu đa dạng. Hãy để những bức tranh nói lên phong cách của bạn.

Tải ứng dụng ngay

Google Play App Store
popup

Số lượng:

Tổng tiền:

icon icon icon