VN EN

Tin tức

Nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng: Một kho tàng giàu có đang trở nên trống rỗng

Bốn tháng sau khi "Tô Ngọc Vân - tấm gương phản chiếu xã hội Việt Nam" (1906-1954) hoàn tất, gặp lại tác giả khảo cứu này, ông Phan Cẩm Thượng, vẫn thấy ông than buồn.


Họa sĩ Phan Cẩm Thượng (phải) và nhà văn Nguyễn Văn Thọ - Ảnh: Tường Linh

Năm nào, với tư cách như một nhà nghiên cứu văn hóa Việt, ông đã giới thiệu cuốn "Văn minh vật chất của người Việt". Nay với tư cách nhà nghiên cứu hội họa, ông lại khảo cứu Tô Ngọc Vân - tấm gương phản chiếu xã hội Việt Nam 1906-1954 cho bộ sưu tập của nhà sưu tập Thái Tira Vanichtheeranont. Ngọn nguồn của quyển sách này là từ đâu, thưa ông?

Năm 2012, nhà sưu tập người Thái Tira Vanichtheeranont có ý định mua toàn bộ tư liệu ký họa của cố họa sĩ Tô Ngọc Vân thông qua người con trai ông là họa sĩ Tô Ngọc Thành. Ông Tira có nhờ tôi qua xem trước, tôi vô cùng ngạc nhiên về chất lượng và những vấn đề xã hội mà họa sĩ Tô Ngọc Vân ghi chép.

Tôi hình dung nếu xây dựng từ những tư liệu này sẽ là cuốn sách tốt để làm sáng tỏ lứa họa sĩ Việt Nam cùng một hoàn cảnh xã hội. Sau đó, họ tiến hành mua các ký họa làm hai đợt, việc này tôi không được tham gia, chỉ biết là với 380 ký họa sổ tay của Tô Ngọc Vân, ông Tira đã nhờ tôi dựng nên cuốn sách này. Cuối năm 2013 tôi viết xong, đầu năm 2014 cuốn sách được Nhà xuất bản Tri Thức phát hành, ông Tira là người đầu tư làm và in sách.

Tô Ngọc Vân là họa sĩ lứa Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, theo giáo sư Nora A. Taylor là “một trong những nghệ sĩ quan trọng nhất của Việt Nam trong thế kỷ 20”. Có phải đó là lý do ông nghiên cứu Tô Ngọc Vân?

Tôi không kén chọn nghệ sĩ, miễn là đủ tài liệu về chính họ và đủ khả năng để làm. Nhưng xem trong tất cả các họa sĩ Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương không ai bám vào hiện thực xã hội Việt Nam rõ như Tô Ngọc Vân. Nghiên cứu Tô Ngọc Vân có khả năng dựng lên bức tranh toàn cảnh về đời sống của người Việt nửa đầu thế kỷ 20, đặc biệt trong cuộc kháng chiến chống Pháp.

Tựa đề sách rất quan trọng và ấn tượng: Tấm gương phản chiếu xã hội Việt Nam, xin họa sĩ lý giải cụm từ này?

Có nhiều họa sĩ vẽ đẹp, nhưng không có nhiều nghệ sĩ là tấm gương phản chiếu xã hội, hai việc đó cũng khác nhau. Thời kỳ Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và chín năm kháng chiến chống Pháp, chúng ta chưa phát hiện được nghệ sĩ nào bao quát đời sống xã hội sâu sắc đến như thế, còn rõ hơn cả những tác phẩm văn học mà tôi được đọc, có thể đây là cảm giác của những người làm mỹ thuật chúng tôi.

Nhưng qua những gì ông Vân vẽ, tôi thấy được thân phận của con người, đặc biệt là người nông dân trong cuộc chiến. Tôi có đọc loạt bài của Lênin viết về Tolstoy với nhan đề “Tolstoy - tấm gương phản chiếu cách mạng Nga”. Tôi nghĩ là ở Việt Nam, Tô Ngọc Vân cũng làm được như vậy.

Trong từng bức ký họa chi tiết đều có những dòng nhận xét khá cụ thể, đó là ý kiến của cá nhân ông hay là một tập thể? Ông có sự giúp đỡ nào của các đồng nghiệp không?

Để tiến hành cuốn sách, trước tiên tôi nhờ hai bạn trẻ là Nguyễn Hoàng Yến và Phan Tường Linh đến nhà họa sĩ Tô Ngọc Thành ghi chép bất kỳ tư liệu nào mà ông Thành có thể kể được, trước tiên là giải thích những gì ông Vân vẽ. Ngoài cung cấp ít nhiều thông tin, ông Thành cho tôi xem rất nhiều tư liệu, ghi chép, thư từ, nhật ký, bản kiểm thảo, giấy công tác, giấy quyết định của chính ông Tô Ngọc Vân giữ và viết. Đây đều là tài liệu gốc đáng quý từ chính họa sĩ - là người rất có ý thức về cá nhân mình.

Tôi còn đi hỏi vài người từng biết Tô Ngọc Vân như họa sĩ Mai Long, học trò ông Vân trong khóa kháng chiến, nhà văn Nguyên Ngọc về Đại hội văn hóa văn nghệ Việt Bắc năm 1948, ông Lại Nguyên Ân về văn bản học, hỏi nhà lịch sử quân sự Hồ Sơn Đài về những đơn vị bộ đội ông Vân đến vẽ...

Những tham khảo này không nhiều lắm, vì câu chuyện ông Vân đã qua lâu rồi, vài người có gợi ý tôi nên hỏi nhà văn Tô Hoài và nhà văn Vũ Tú Nam nhưng tôi không làm, vì nghĩ thôi tự mình tìm những dấu vết của ông Tô Ngọc Vân cũng được. Tôi dành thời gian tìm lại những địa điểm mà ông Vân di chuyển trong kháng chiến chống Pháp, đặc biệt ở Thái Nguyên và Phú Thọ.

Công trình Tô Ngọc Vân 421 trang, trong đó ông đã loại bỏ 28 bức ký họa mà theo cá nhân ông thiếu độ xác tín rằng của họa sĩ.

28 ký họa, tôi không tin chắc rằng ông Vân đã vẽ nên loại bỏ không in vào sách, vì chất lượng vẽ rất thấp, chỉ na ná giống ông Vân vẽ. Nhà sưu tập cũng nhất trí với tôi việc này. Còn một số bức khác tôi chấp nhận theo kiểu người phương Tây làm là nghi vấn nhưng có thể tham khảo về họa sĩ và đề là Artist Studio, tức là bức họa đó xuất phát từ xưởng vẽ của họa sĩ nhưng không khẳng định do chính họa sĩ vẽ ra, nhưng có giá trị tham khảo vấn đề xã hội từ đó.

Để làm được điều đó, tôi nghiên cứu rất kỹ phong cách và bút pháp của Tô Ngọc Vân, tìm ra được những đặc điểm riêng mà chỉ chính ông làm được.

Bìa cuốn sách Tô Ngọc Vân - tấm gương phản chiếu xã hội Việt Nam 1906-1954

Công trình này tiến hành trong hai năm, lại hai lần sang tận Thái Lan để trực tiếp thẩm tra từng trang tài liệu gốc của họa sĩ Tô Ngọc Thành. Theo tôi đây là một công trình lớn. Vậy chủ quan, nếu ở tầm nghiên cứu, Nhà nước phải chi phí khoảng bao nhiêu ở các công trình tương tự, và cá nhân ông thực tế được trang trải bao nhiêu để dành cho công trình này?

Tôi không giấu gì việc này. Tôi chỉ có thể đi hai lần sang Bangkok để xem tư liệu, lần đầu để làm sách, lần cuối để đối chiếu xem mình có sai gì không, các chi phí cho chuyến đi nằm trong tiền nhà sưu tập trả một lần nên đi nhiều thì tự tốn thôi. Ông Tira trả cho chi phí biên soạn sách là 9.000 USD, tức khoảng 180 triệu đồng.

Chia ra cho hai năm làm việc, đi lại, tư liệu, coi như tôi nhận lương 10 triệu đồng/tháng để làm việc. Số tiền đó hoàn toàn hết sau khi cuốn sách in xong. Nhưng tôi thấy việc làm của ông Tira là vì nền văn hóa Việt Nam, Tô Ngọc Vân cũng xứng đáng như vậy, nên tôi không thấy thiệt thòi gì cả vì mình cũng đã làm được một việc tốt.

Tôi có hai lần được Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam cho 10 triệu đồng và hai lần của Hội Mỹ thuật cho 5 triệu đồng. Tổng cộng là 30 triệu cho cả 30 năm nghiên cứu, ngoài những đồng nhuận bút ít ỏi, nên số tiền của ông Tira với tôi là quá lớn rồi. Tôi không biết Nhà nước đầu tư cho các công trình nghiên cứu là bao nhiêu. Với số công trình tôi đã xuất bản mà không có đầu tư gì, tôi nghĩ đã được trời và tổ tiên thương rồi.

Cuốn sách, một công trình đồ sộ về Tô Ngọc Vân, đã ra đời, nhưng tác động của nó như thế nào? Có ai quan tâm tới nó không?

Sách in ra phần lớn thuộc về ông Tira, ngoài biếu một ít ở buổi giới thiệu, nhà xuất bản chỉ nhận 100 cuốn để bán, giá hơn 1 triệu đồng, cũng ít ai muốn mua. Có nhiều người biết, nhưng thật sự quan tâm, tôi nghĩ không nhiều. Báo chí, truyền hình cũng đưa tin giới thiệu rất trang trọng, nhưng rồi cũng như mọi chuyện khác thôi. Văn hóa chưa thật sự có được quan tâm theo chiều sâu và tâm hồn. Tôi không chắc Bộ Văn hóa, hội mỹ thuật, trường mỹ thuật biết có cuốn sách này.

Ông suy nghĩ thế nào nếu như một nền hội họa với những người như Tô Ngọc Vân lại được người nước ngoài, những nhà sưu tập tranh nước ngoài quan tâm nhiều hơn trong nước?

Trong họp báo, tôi nói khi sách hoàn thành tôi không thấy vui mà chỉ thấy buồn. Gọi là một danh họa mà tất cả sưu tập, xuất bản sách, gìn giữ đều do một người nước ngoài, trong khi trong nước ít ai quan tâm. Việc bộ ký họa đó của Tô Ngọc Vân ra nước ngoài là điều đáng tiếc với văn hóa Việt Nam - một kho tàng giàu có đang trở nên trống rỗng. Phải chăng đời sống văn hóa đang xuống cấp hiện nay vì cái kho trống rỗng này.

Sau Tô Ngọc Vân, ông có dự kiến nghiên cứu ai nữa trong phạm vi nghiên cứu và phê bình hội họa?

Nếu có người đặt viết sách như ông Tira, tôi vẫn có thể làm, còn để tự nhiên thì tôi dường như không còn khả năng (kinh tế) nữa. Tôi sẽ viết một vài cuốn cuối cùng về đời sống thôi, giống như cuốn "Văn minh vật chất của người Việt", vì tư liệu được chuẩn bị từ lâu rồi.

Nguồn: https://sachhay.org/diem-sach/ChiTiet/2696/nha-phe-binh-m-thuat-phan-cam-thuong-mot-kho-tang-giau-co-dang-tro-nen-trong-rong

Viết bình luận của bạn:

Tranh vẽ theo yêu cầu. Chúng tôi nhận đặt vẽ tranh theo yêu cầu với thể loại và chất liệu đa dạng. Hãy để những bức tranh nói lên phong cách của bạn.

Tải ứng dụng ngay

Google Play App Store
popup

Số lượng:

Tổng tiền:

icon icon icon