Tin tức

Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng: "Từ tục tôi giữ trong sách là di sản văn hoá"

Tác giả quyển sách ‘Tập tục đời người’ cho biết việc giữ và viết nguyên văn từ tục trong sách là tôn trọng sự thật, và cần thiết vì đó là những giá trị của lịch sử.

Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng đã có buổi gặp mặt với độc giả để giới thiệu quyển sách Tập tục đời người - Văn hoá tập tục của người nông dân Việt Nam thế kỷ 19 - 20 (gọi ngắn là Tập tục đời người) tại đường sách TP.HCM.  

Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng trong buổi giao lưu

Ngoài những vấn đề nghiên cứu về phong tục, tập quán như: đám cưới, ma chay, trồng lúa, nguồn gốc người miền Nam... thì một câu chuyện được quan tâm không kém là việc quyển sách có chứa nhiều từ tục, được viết nguyên văn. Vấn đề này đã gây ra nhiều luồng quan điểm trái chiều giữa các nhà nghiên cứu.

Trả lời về câu chuyện từ tục được sử dụng nguyên văn trong sách, nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng cho biết đây không phải là lần đầu tiên xảy ra tranh luận xoay quanh tác phẩm của ông. “Trong quyển "Văn minh vật chất" đã có trường hợp tương tự. Có nhiều người kêu ca vì tôi không viết tắt những từ tục như thông lệ”, nhà nghiên cứu nói.

Một số từ tục xuất hiện trong sách "Tập tục đời người"

Ông lý giải cụ thể: “Đây là sách nghiên cứu chứ không phải tác phẩm văn chương. Vì thế, những từ ngữ không phải do suy nghĩ, sáng tạo, hay ho hay không hay ho để đưa vào. Sách nghiên cứu nên tôn trọng thực tế. Nhiều tác giả cứ viết tắt những từ này, thôi thì để tôi tiên phong. Từ tục này, theo tôi là một di sản về ngôn ngữ, chứ không phải tục tĩu như chúng ta thường hiểu. Tục hay không tục, phải tuỳ thuộc hoàn cảnh chúng được sử dụng. Nói tục là điều không nên nhưng khi nghiên cứu, nếu cần từ tục thì phải viết”.

Theo nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng, những từ tục có tính khái quát rất cao trong đời sống, mang đầy đủ âm thanh, mùi vị, tính chất... Chúng thực đến mức người ta sợ, không muốn dùng hoặc để chúng xuất hiện trên sách báo. “Tôi muốn cung cấp để người đọc có thể hiểu về dân tộc mình. Tiếng Việt có họ từ rất phong phú: đít, đ* (chỉ bộ phận sinh dục của người phụ nữ), đách, địu (động từ chỉ việc cõng con trên lưng)... Nếu không viết đúng, đủ thì chắc chắn sẽ không ai biết tiếng Việt có những họ từ, hệ từ liên quan mật thiết với nhau như vậy. Vấn đề này, tôi sẽ tiếp tục trình bày trong một công trình khác”, tác giả sách "Tập tục đời người " chia sẻ.

Các diễn giả trong buổi giao lưu

Cũng theo ông, độc giả, công chúng nên tử bỏ thói quen rằng tiếng Hán-Việt mới là sang trọng, còn từ thuần Việt là bậy bạ, nôm na. Trước quan điểm của PGS. TS Phan An - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ rằng việc sử dụng từ tục như thế đôi khi sẽ gây ra những tác dụng phụ, phản văn hoá, nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng bác bỏ.

Ông nói: “Sách nghiên cứu phải trung thực, tôn trọng sự thật. Trong sách, tôi đều chú thích rõ, không bịa ở đâu ra cả. Dân gian đã nói như thế trong quá trình lịch sử sinh sống. Viết văn, chúng ta có thể bịa, nhưng nghiên cứu khoa học thì không thể. Ngày xưa, có những báo cáo từ làng gửi cho thực dân Pháp, họ còn dùng từ l*n hoặc đ* để nói về những người phụ nữ. Đó là sự thật, là lịch sử cần được tôn trọng”. Nhà nghiên cứu còn khẳng định quá trình kiểm duyệt sách tại Việt Nam rất kỹ lưỡng, gắt gao nên sẽ không để lọt những tác phẩm phản văn hoá, phản giáo dục.

“Những người đọc cũng nên hiểu rằng tôi đang cung cấp sự thật, chứ không phải thái độ không văn hoá. Trắng là trắng, đen là đen”, tác giả nhắn nhủ đến độc giả.

Phan Cẩm Thượng ký tặng sách cho độc giả

Nguồn: https://www.phunuonline.com.vn/nha-nghien-cuu-phan-cam-thuong-tu-tuc-toi-giu-trong-sach-la-di-san-van-hoa--a117987.html

Viết bình luận của bạn:

Tranh vẽ theo yêu cầu. Chúng tôi nhận đặt vẽ tranh theo yêu cầu với thể loại và chất liệu đa dạng. Hãy để những bức tranh nói lên phong cách của bạn.

Tải ứng dụng ngay

Google Play App Store
popup

Số lượng:

Tổng tiền:

icon icon icon