VN EN

Tin tức

Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng: "Nhiều thói tục đang có xu hướng làm thụt lùi dân tộc"

Sau 6 năm phát hành cuốn "Văn minh vật chất của người Việt", đầu năm 2018, nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng tiếp tục giới thiệu đến bạn đọc một công trình khảo cứu khá đồ sộ, dày hơn 600 trang mang tên: Tập tục đời người.

Nhà nghiên cứu Phan Cẩm thượng cho biết, cả V"ăn minh vật chất của người Việt" và "Tập tục đời người " đều nằm trong một bộ sách gồm bốn cuốn, dự kiến sẽ hoàn thành trong 4 đến 5 năm nữa.

“Cuốn 'Văn minh vật chất của người Việt' nói về sinh hoạt vật chất ngày thường trong lịch sử của người Việt, còn cuốn Tập tục đời người nói về sinh hoạt tinh thần, thông qua phong tục tập quán, chứ không phải các hệ tư tưởng” – ông chia sẻ với Thể thao & Văn hóa – “Tôi chỉ đề cập đến một số tập tục điển hình, còn toàn bộ tập tục, ông Phan Kế Bính đã làm tốt lắm rồi. Tôi so sánh, phân tích các biểu tượng, sự hình thành tập tục, và cùng tập tục ở nhiều sắc tộc khác nhau, như thế nào. Tập tục tưởng chừng cố định, đứng yên, nhưng thực chất là luôn biến đổi, thậm chí biến mất, nhường chỗ cho những tập tục mới, nên không thể mặc định nó”.

Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng

Chưa cần đọc, chỉ cần ngắm nhìn công trình và cầm “Tập tục đời người” trên tay đủ biết ông đã dành công sức, trí lực cho nó như thế nào. Nghe nói, ông đã mất 20 năm và khoảng “vài cái nhà” cho “đứa con tinh thần” này, cùng với đó là những khó khăn mà ông đã kinh qua khi đi thực địa và khảo cứu các nguồn tài liệu?

Tôi từng nói vậy. Nhưng cũng có người phê phán rằng ai viết sách mà chả hao người tốn của, nên không muốn nói về vấn đề này nữa. Tài liệu thì tất nhiên phải làm từ lâu, ít nhất từ năm 1990 - 1992, đến nay chỉ ngồi viết thôi.

Nhưng khi viết cần có một cục tiền, không phải làm gì trong một năm mới làm được, điều này cũng khó. Khi nói viết sách, người ta thường nghĩ đến trí tuệ, học thức, vốn văn hóa… nhưng tôi thấy có ba cái cần trước tiên: tiền, sức khỏe, sự kiên trì. Không có ba cái đó, thì chả có sách vở gì cả. Trong những nghiên cứu, phần liên quan đến âm nhạc luôn khó khăn, vì tôi không có chuyên môn về mặt này. Các phần khác thì tương đối dễ dàng.

Bìa cuốn sách "Tập tục đời người"

Trong lời dẫn công trình này, câu kết ông viết: “Tập tục có thể là sức sống truyền thừa, lại có thể là sự bại vong của dân tộc”. Vậy theo quan sát của ông, tập tục nào của dân tộc ta vẫn còn có giá trị thúc đẩy sự phát triển nhân văn của dân tộc và tập tục nào cần bỏ đi hay thay đổi?

Người Việt rất trọng đời sống tình cảm và gia đình, nên những tập tục liên quan đến đời sống tính cảm và gia đình đều đáng duy trì và gìn giữ.

Tuy nhiên nhiều thói tục khác có xu hướng làm thụt lùi dân tộc, như trọng bằng cấp, biếu xén, lễ tết, hôn nhân, ma chay… rất phức tạp và tốn kém không cần thiết.

Trong sách tôi cũng nói rằng: chiến tranh, nhà mất, người chết, của cải tan nát, nhưng sau đó cái gì làm người ta nhanh chóng tái lập cuộc sống, đó chính là văn hóa tập tục.

Bìa cuốn sách “Văn minh vật chất của người Việt

Một mình làm công trình khảo cứu cỡ của một viện nghiên cứu như thế này, ông đã thu thập được những góp ý gì? Ông ứng xử với những góp ý cho những công trình khảo cứu nói chung của mình như thế nào?

Tôi có vài người bạn, thường khi xong công trình là đưa họ đọc, như nhà văn Nguyên Ngọc, họa sỹ Nguyễn Quân, nhà thơ Đỗ Trung Lai, họa sỹ Phan Bảo, nhà văn Hoàng Giá và vài bạn trẻ khác.

Tất cả đều có góp ý thành văn bản, hoặc chữa trực tiếp vào sách. Ít nhất trong sách có hai lời giới thiệu và một phần phụ lục của những tác gia trên, mà tôi coi như những người thầy.

Chọn người góp ý sẽ quyết định bước đi lâu dài của mình, dù rằng trong đó, không phải ai cũng đúng cái chuyên môn mà mình đang làm, nhưng ý tưởng, sự nhìn nhận có tính toàn thể với văn hóa Việt Nam, quá khứ và tương lai của nó.

Được biết sau “Văn minh vật chất của người Việt” và “Tập tục đời người” ông sẽ thực hiện thêm 2 công trình nối tiếp nữa. Ông sẽ vẫn làm một mình và nếu được, ông có thể gợi mở đôi điều về nội dung khảo cứu của công trình tiếp theo?

Không có gì bí mật cả.

Thực ra cuốn đầu tiên tôi viết là “Mày là Kẻ nào?”. Câu này trong tiếng Việt cổ có nghĩa là “Anh từ đâu đến?”, “Kẻ” ở đây là vùng đất. Tôi nghiên cứu sự di chuyển và hình thành các địa vực trên đất nước. Bắt đầu sớm, nhưng giờ vẫn chưa xong, do vấn đề khó.

Cuốn nữa là “Thế kỷ 19”, tôi coi đây là thế kỷ mà Việt Nam trở thành một quốc gia khác với quốc gia phong kiến trước đó, thời gian bản lề của dân tộc.

Nguồn: https://thethaovanhoa.vn/van-hoa/nha-nghien-cuu-phan-cam-thuong-nhieu-thoi-tuc-dang-co-xu-huong-lam-thut-lui-dan-toc-n20180119125135619.htm

Viết bình luận của bạn:

Tranh vẽ theo yêu cầu. Chúng tôi nhận đặt vẽ tranh theo yêu cầu với thể loại và chất liệu đa dạng. Hãy để những bức tranh nói lên phong cách của bạn.

Tải ứng dụng ngay

Google Play App Store
popup

Số lượng:

Tổng tiền:

icon icon icon