-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Tin tức
Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng: "Nếu không viết sách, tôi đã có thể có tới ba, bốn cái nhà..."
Theo nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng: "trừ đôi lần nhận được hỗ trợ khiêm tốn từ hội Mỹ thuật và Liên hiệp Văn học Nghệ thuật, vài giúp đỡ của bè bạn, tôi tự lo về kinh phí nghiên cứu. Số tiền cứ lặt vặt, nhưng tổng cộng lại rất lớn. Tiền đầu tư cho một cuốn sách có thể xây được một cái nhà. Nếu không viết sách có lẽ tôi có thể có đến ba bốn cái nhà..."
Nhà nghiên cứu Pham Cẩm Thượng viết thư pháp tại Quốc Tử Giám.
Vì sao nhiều người biết đến ông với tư cách là nhà phê bình/ nghiên cứu hơn là một họa sĩ?
Cái này cũng dễ hiểu. Ở nước ta người ta không coi những người tự học là họa sỹ.
Tôi cũng không gửi tranh đến gallery, triển lãm chung trong nước. Ít người biết tôi vẽ, người biết thì chê, thậm chí có cho cũng không xem. Lúc trẻ tôi hơi chạnh lòng, bây giờ thì rất vui mừng, nếu ai bảo tranh mình xấu như... Thật sự. Nghệ thuật là một thứ tự thức, khó chia sẻ. Nếu một bức tranh vừa đưa ra, tất cả ồ lên khen đẹp, thì có thể là tuyệt tác hoặc là thứ vứt đi.
Nghiên cứu mỹ thuật, phê bình nghệ thuật, và sáng tác… ba công việc này đã bổ trợ nhau như thế nào?
Thực chất muốn làm phê bình nghiên cứu, thì ít nhất phải biết sáng tác chút ít, mới nắm được ngôn ngữ và xử lý chất liệu kỹ thuật. Tất nhiên có những người không hề biết vẽ nhưng thẩm mỹ rất cao, đó là ông Đức Minh và ông Thái Bá Vân. Ông Đức Minh có thể phát hiện ra bức tranh chưa ai thấy đẹp và công nhận. Đó là một biệt tài.
Định nghĩa tác phẩm của ông là gì? Ông không coi tranh của ông là tác phẩm, vì sao?
Vẽ xong hay viết xong một vài hôm là tôi đã thấy chán, ít khi thấy cái nào mình làm ra hài lòng mãi. Tôi thấy mình mới là bắt đầu, chưa làm được gì ra hồn. Một thứ gọi là tác phẩm thì ít nhất phải đạt giá trị dân tộc hay nhân loại, hay nghệ thuật thuần túy.
Ông vẽ nhiều thể loại, trên nhiều chất liệu, sự ham hở tìm kiếm phương thức thể hiện luôn thấy ở ông trong quá trình sáng tác, những lúc như thế, ông cảm thấy gì?
Mỗi người họa sỹ chỉ có thể mạnh về một chất liệu, nhưng để phục vụ nghiên cứu, phê bình, tôi phải thế nghiệm tất cả. Mỗi thứ biết một tý là đạt yêu cầu. Sau khi hoàn thành cuốn Đồ họa cổ Việt Nam cùng hai người bạn, tôi bỏ liền năm năm làm tranh khắc gỗ thể hiện lại các kỹ thuật Đồ họa Phật giáo. Tôi muốn biết đến nơi đến chốn cái mà mình nghiên cứu.
Khi đi đường, đến một chỗ rẽ, tôi thích đâm vào con đường mình chưa đi bao giờ. Trong mọi việc khác tôi cũng thích khám phá như vậy. Nếu thấy hay thì dừng lại khai thác cho sâu, không hay với mình thì cho qua luôn.
Và chính bởi hứng thú nên đề tài về Phật giáo và người nông dân hiền hòa luôn xuất hiện trong tranh của ông?
Phật giáo cho người ta nhận thức được bản thân mình, quan hệ giữa con người với con người, con người với tự nhiên, bằng cả một hệ thống triết học và nghệ thuật. Tôi không học vẽ ngày nào ở trường, mà học từ nghệ thuật Phật giáo. Phật giáo cho tôi mọi điều, nhất là về thái độ sống và nghệ thuật. Tôi nghĩ rằng không bao giờ có thể khai thác hết những gì học từ đạo Phật. Đời sống của người nông dân là một hiện thực khác của xã hội Việt Nam. Cho đến nay, những vấn đề nông dân, nông nghiệp, tính cách người nông dân vẫn chi phối sự phát triển của dân tộc. Tôi thấy hai đề tài đó đạo Phật và nông dân là quá lớn cho một người làm nghệ thuật.
Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng.
Luôn có thể thấy tính dân gian cũng như phương thức “cổ điển” với chất “nông dân” rõ ràng trong các tác phẩm của ông, ông có thể giải thích điều này?
Là người làm nghệ thuật ai cũng muốn tạo ra một cái riêng. Tôi thấy nghệ thuật Việt Nam luôn trượt theo các phong cách nghệ thuật phương Tây, mà bỏ qua những bút pháp phương Đông và dân tộc. Có thể những bút pháp này đã luống thời, đã hết những vấn đề của nó về ngôn ngữ để các nghệ sỹ dùng được. Tôi không nghĩ thế, và muốn viết và vẽ như một người Việt thuần túy. Có nhiều người cho rằng bây giờ mặc com lê là bình thường, còn mặc áo the khăn xếp mới là lạ mắt. Nhìn qua thì lập luận như vậy cũng đúng. Lại có ý kiến cho rằng nên hiện đại, bắt kịp với nhịp sống cách làm cách nghĩ của nhân loại hiện tại, thực tế thì phần lớn thanh niên đã như vậy. Cũng không có gì sai. Tôi chỉ là một cách suy nghĩ, không cho rằng mình đúng nhất. Tôi thích nghệ thuật dân gian và cổ điển thì làm theo thế thôi. Tôi muốn tìm ra những điểm chung của hai dòng sông song hành này. Số phận con người luôn là vấn đề của nghệ thuật, với tôi số phận người nông dân là đặc trưng nhất, nó phản ánh sự thất thiệt và nhọc nhằn trong cả thế kỷ qua.
Muốn gặp ông, nhiều khi phải lên chùa Bút Tháp. Với bộ đồ nâu sòng, chân đất bước đi khoan thai, nụ cười độ lượng, giọng trầm nhỏ nhẹ, tâm tư tĩnh tại, nếu không có mái tóc trắng và bộ râu dài trắng thì ông không khác gì một vị sư. Ông bắt đầu sống ở chùa từ bao giờ? Vì sao ông lựa chọn cách sống này?
Tôi lai vãng đến các ngôi chùa khắp nơi và nhiều lần. Tôi từng có những thời gian dài sống ở chùa Thầy, chùa Tây Phương, chùa Mía, chùa Kiến Sơ và đặc biệt chùa Bút Tháp. Có một thời gian dài chùa Bút Tháp không có sư trụ trì, nên tôi cũng muốn góp phần trông nom di tích này. Năm 1994, 1995, tôi ở đó nhiều lần và biên soạn cuốn Nghệ thuật Phật giáo Bút Tháp, xuất bản năm 1996. Năm 1999, tôi cùng Lê Quốc Việt đến Bút Tháp làm tranh khắc gỗ, sống cùng với các vị sư và vài người địa phương, tình cảm rất nồng hậu. Năm 2003, Việt rời Bút Tháp sau khi lập gia đình. Các vị sư và tiểu do có những vấn đề Phật giáo riêng mà cũng từ bỏ ngôi chùa. Tôi còn ở lại đến năm 2005 với bà vãi và anh quét chùa. Thật là tan đàn xẻ nghé. Hôm nọ tôi thấy con chó cuối cùng, sống cùng với chúng tôi trong chùa 17 năm qua chỉ còn trơ xương. Nó đứng không vững và không nhận ra tôi nữa, vài ngày sau thì chết. Nghĩ lại những tháng năm xưa, mỗi người một thân phận tụ vào ngôi chùa này, bây giờ mỗi người lại một phương , nên tôi viết một tản văn Đàn chim xao xác. Thực ra bây giờ tôi vẫn gắn bó với nơi này, dù không sống trong chùa nữa. Tôi không đi tu, hay cao đạo gì đó, mà muốn nghiên cứu sâu vùng Thuận Thành, Luy Lâu, đây là trung tâm văn hóa cổ Việt Nam có nhiều di sản trong vòng 2000 năm qua, nơi có những ngôi chùa sớm nhất. Chùa Bút Tháp là di tích nguyên vẹn của thế kỷ 17, giá trị nhất trong các ngôi chùa cổ nước ta, nên tôi muốn tham gia vào việc bảo tồn di sản này. Hiện thì nhiều chi tiết hỏng hóc từng ngày, nên cần có người hiểu biết để gìn giữ, cái nhỏ thì chúng tôi tu sửa ngay, cái lớn chúng tôi báo với ngành văn hóa của nhà nước. Ở vùng Bút Tháp tôi cũng sáng tác được nhiều và cũng tự nhiên được Phật ban cho lộc để sinh sống.
Ông đến với Phật giáo như một lẽ tự nhiên, với một thời gian dài nghiên cứu đạo Phật, ông ngộ ra điều gì từ đó? Những “ngộ” này đã thay đổi cách nghĩ, cách sống của ông thế nào?
Bà ngoại tôi mê đạo Phật đến mức khi chết hoàn toàn tay không. Bà bán cả căn nhà của mình ở quê để tiền cho chùa làm ma chay. Hoàn toàn tay không về với cát bụi. Lúc đó nhiều người trong họ có ý chê trách. Sau này, tôi hiểu dần bà ngoại, nhưng chắc không làm được như vậy. Tôi biết một bà già, vợ một vị tướng đã mất, bà cũng hoàn toàn tay không, ở nhờ cô con gái, và chỉ giữ một cái ba lô của chồng cùng vài hộp huân chương. Bà nói: Tao giữ cho ông mày khỏi mang một tiếng xấu nào. Tôi thấy Đạo Phật từ những con người đó, rồi mới đến việc đọc Kinh Phật.
Luôn thấy ông trong trạng thái phiêu diêu, điềm tĩnh và cân bằng, nhìn cuộc sống bằng con mắt trong trẻo kể cả khi có những chuyện nghiêm trọng xảy ra với ông, thế nào để ông làm được điều đó?
Một phần do lớn tuổi thôi. Thực ra lớn tuổi không nhất thiết là phải sống lâu, mà quan trọng là giác ngộ cuộc sống, trước tiên là hiểu bản thân mình. Đạo Phật cũng cho rằng nếu người ta không hiểu bản thân mình, thì chẳng hiểu được cái gì cả. Cái cá nhân mình là rất quan trọng, đó là một thực thể tinh thần, chứ không phải thực thể vật chất mà chúng ta vỗ béo, uống nhiều bia rượu, đòi hỏi mát xa. Cái cá nhân này nếu hiểu ra rất phong phú tới mức không cần học gì bên ngoài, không cần dùng thuốc vẫn khỏe mạnh. Khi tôi tập dưỡng sinh, thầy tôi bảo rằng tập trung suy nghĩ tìm cho ra nguyên nhân của bệnh tật, tự khắc nó khỏi, nếu không khỏi thì tìm cách chung sống với nó. Bởi vì khi hiểu ra bệnh tật có nguyên nhân từ đâu tức là cơ thể đã tự chữa cho mình và báo cho mình thông tin đó. Nhiều năm sau khi thầy mất tôi mới hiểu điều này. Tôi thấy con người chẳng qua như hạt bụi trôi trong vũ trụ, một hạt bụi có tri giác thế thôi. Nên trôi đến đâu, tan đi lúc nào, có gì quan trọng, gặp người này người kia cũng chỉ giống như va chạm vào hạt bụi khác. Có gì mà quá yêu, quá ghét, mâu thuẫn, khó ở, lo lắng… để tự chuốc khổ vào bản thân mình.
Thưa ông, tôi còn nhớ tháng 7 năm 2012, ông bắt đầu nghiên cứu về Văn hoá – tập tục, ngay sau khi ông phát hành cuốn sách nghiên cứu quan trọng “Văn minh vật chất người Việt”., Giờ hẳn ông đã có tư liệu đồ sộ để chuẩn bị cho ra mắt một cuốn sách mới?
Sau khi hoàn thành cuốn Văn minh vật chất của người Việt và xuất bản năm 2012, tôi còn nhiều tài liệu ghi chép liên quan đến cuốn sách và rất nhiều ghi chép trong đầu. Tôi cũng phải cám ơn cô - nhà văn Quỳnh Trang - đã đưa ra gợi ý này mà tôi phát triển được thành một chuyên mục trong suốt từ tháng 7-2012 đến 12-2014. Trừ một vài tuần tôi bận không viết được, hoặc giả có người viết khác cùng tham gia, thì tôi cố gắng viết bài đều đặn, cũng thật không dễ, vì vốn liếng ban đầu cũng cạn dần, phải đi nghiên cứu thêm rất nhiều thứ khác liên quan. Thực ra đến nay, giống như một công việc đã vào nhịp có thể kéo dài, bởi nguồn văn hóa thực tế còn rất mênh mông chưa ai khai thác hết. Nhưng sức người có hạn, tiền bạc có hạn, nên dừng ở đây là đẹp. Con gái tôi cũng nói : Văn hóa tập tục cũng hay, nhưng cứ cổ mãi thì chán, nên thay đổi, làm cái gì mới hơn. Ý kiến của người trẻ cũng xác đáng.
Số lượng bài viết và vấn đề tập hợp lại cũng nhiều, tuy nhiên trong quá trình ghi chép, tôi chưa làm kỹ, chưa chú giải, viết thành sách thì cần rất nhiều thời gian để làm tư liệu cho cẩn thận.
Từng bài báo, trong đó không chỉ có trách nhiệm, mà còn có sự say mê về văn hoá tập tục nữa? Ông tìm thấy những thú vị gì qua việc nghiên cứu các nền văn hoá và tập tục?
Số phận tôi hình như phải đi lang thang. Ngày nhỏ có bài thơ thầy tử vi dành cho tôi như thế này: Nhất sinh hành sự tự phiêu bồng / Tổ phụ sản nghiệp tại mộng trung / Nhược bất quá phòng cải danh tính / Dã đương di tẩu nhị tam thông. Nghĩa là: Cuộc đời phơ phất như ngọn cỏ trước gió / Của cải tổ tiên chỉ ở trong giấc mộng / Nếu không thay đổi chỗ ở, tên họ / Thì làm việc gì cũng hai ba lần mới xong. Ngẫm lại càng ngày càng thấy đúng, nên tôi cứ đi và nhặt nhạnh các vốn văn hóa dọc đường cho vui cuộc đời của mình.
Trên đường nhặt nhạnh vốn văn hoá ấy, ngoài việc làm vui cuộc đời mình, và góp nghĩa tình cho quê hương đất nước, ông thấy nổi cộm nên vấn đề gì làm ông trăn trở và cần giải quyết?
Như trên tôi đã nói đời sống văn hóa truyền thống còn rất nhiều vấn đề bỏ ngỏ, không ai nghiên cứu, trong khi đời sống ấy đang mai một dần. Tôi nghĩ các cơ quan văn hóa, những nơi đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ, làm đề tài nhà nước… nên hướng ra khu vực này, thay vì những nghiên cứu vu vơ như cái đẹp trong nghệ thuật, cảm xúc nghệ thuật, chất thơ trong hội họa… chả để làm gì, chả đóng góp được gì.
Với 54 dân tộc, 54 mô hình văn hóa và các nhóm ngôn ngữ khác nhau, cho đến nay ta vẫn rất mù mờ, và chỉ nắm được trên mặt hành chính. Đó là điều mà tất cả các nước quanh ta đã làm rất tốt, còn ta thì không. Ví dụ ở Nhật tôi thấy bảo tàng dân tộc có ở tận huyện. Bộ Nhật Bản nông nghiệp đại toàn thư mấy chục tập, trong khi Việt Nam là một nước nông nghiệp lâu đời chưa hề có cuốn sách nào tra cứu được công cụ, giống má, phục trang cho ra hồn. Đáng tiếc tôi vừa già vừa không có một nguồn kinh phí nào để làm việc đó.
Dù gặp nhiều khó khăn, tôi biết ông sẽ không ngừng lại đam mê nghiên cứu, khi còn sức lực. Sau loạt bài nghiên cứu Văn hoá tập tục này, ông đang thực hiện và có những dự định gì cho việc nghiên cứu tiếp theo?
Tôi sẽ thu thập những gì đã đi và ghi chép để làm vài cuốn sách cuối cùng, và còn dành thời gian vẽ tranh, việc tôi thích. Có lẽ người ta không cần sống nhiều tuổi mà cần sống được nhiều!