-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Tin tức
Nét Việt xưa trong tranh Phan Cẩm Thượng
Triển lãm tranh của họa sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa Phan Cẩm Thượng diễn ra tại không gian nghệ thuật The Muse Artspace (47 Tràng Tiền, Hà Nội) thu hút sự chú ý bởi lối vẽ đậm chất mỹ thuật cổ cùng nhiều thông tin quý về văn hóa, tập tục của người Việt từ thế kỷ 17. Qua bộ tranh, người xem không chỉ thấy được một phần đời sống mà còn cả tâm tình của người Việt xưa, nhất là những người phụ nữ.
"Con rồng", mầu tự nhiên trên giấy dó.
Hơn 20 tác phẩm tranh giấy dó khổ 60x120 cm được họa sĩ sáng tác trong ba năm gần đây. Các tác phẩm miêu tả các nhân vật quý tộc và sinh hoạt cung đình (thông qua trang phục, trang sức, hoa văn, đầu tóc, mũ mão, giày dép), từ nguồn cảm hứng của tác giả sau khi nghiên cứu các bộ tượng ở chùa Mật (Thanh Hóa) và chùa Bút Tháp (Bắc Ninh). Phan Cẩm Thượng là một cái tên nổi bật trong giới mỹ thuật với nhiều công trình nghiên cứu, phê bình có giá trị về mỹ thuật cổ và văn hóa dân gian. Sau vài triển lãm cá nhân nhỏ từ cuối những năm 1990, mãi đến tận bây giờ, ông mới lại mở triển lãm tranh vẽ bằng mầu tự nhiên trên giấy dó - loại mầu mà theo thời gian càng lúc càng đằm, thấm. Dù đã sáng tác qua nhiều chất liệu khác như sơn mài, khắc gỗ, vẽ gốm, sơn dầu, lụa… họa sĩ Phan Cẩm Thượng khẳng định, ông thấy gắn bó nhất với chất liệu này.
Tại triển lãm, khán giả có dịp tiếp cận những hình ảnh mang âm hưởng cung đình phong kiến Việt Nam từ 4 thế kỷ trước, cảm nhận văn hóa cổ qua tinh thần đương đại. Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam Lương Xuân Ðoàn nhận xét: "Hình tượng rồng, phượng, mây cuộn như bật ra từ những đồ án hoa văn cổ để xuất hiện trên tranh của ông Phan Cẩm Thượng một cách đặc trưng nhưng cũng rất riêng. Họa sĩ khai thác rất nhiều ngôn ngữ trang trí trong mỹ thuật cổ nhưng nhờ sự duyên dáng trong nét vẽ đã đem lại cho người xem cảm giác hết sức nhẹ nhõm, không căng thẳng, gây sốc thị giác hay tạo nên va đập". Họa sĩ Phan Cẩm Thượng sử dụng phần lớn là các mầu tự nhiên của Việt Nam như vàng hoa hòe, vàng nghệ, củ nâu, xanh chàm, hồng gạch, đen mực, một số mầu Trung Quốc như chu sa (son), thái thanh lam (xanh nước biển)... cùng một số mầu của phương Tây.
Về nội dung, phần lớn nhân vật trong tranh là phụ nữ tầng lớp quyền quý, song cũng chất chứa những tâm tư như cô đơn, chờ đợi... Chẳng hạn như bức "Con rồng" vẽ tà áo phượng của cô gái như bay lơ lửng trong không trung, hư hư thực thực. Bức tranh không có vua mà chỉ có tấm áo bào thêu rồng và người phụ nữ - có lẽ là một phi tần, gợi nhiều suy tưởng về sự buồn tủi cũng như khao khát thông thường của các cung phi khi mà hậu cung luôn có hàng trăm người, không phải ai cũng may mắn được vua lâm hạnh (tới ngủ). Hoặc bức "Quận chúa áo xanh" tái hiện quận chúa Lê Thị Ngọc Duyên và quận chúa Trịnh Thị Ngọc Cơ thuộc hoàng tộc Lê-Trịnh được thờ ở chùa Bút Tháp, phần nào gửi gắm ý niệm của quý tộc thế kỷ 17 "gửi thân tâm vào cửa Phật".
Các bức tranh được tác giả vẽ dựa trên nghiên cứu văn hóa kết hợp với tưởng tượng, hư cấu. Bức "Soi gương" tạo hình các thiếu nữ bên chiếc gương, ngụ ý nên soi lại mình, chỉnh trang tính cách, gìn giữ đức hạnh. Ðó là một hình ảnh vô cùng kinh điển trong văn học, mỹ thuật cổ phương đông. Họa sĩ Phan Cẩm Thượng cho biết thêm, ở tác phẩm này ông sử dụng mầu nhân chỉ (mầu huyết dụ non) là một mầu nổi tiếng trong các mầu tự nhiên, đặc biệt vì được lấy từ một loại sâu. Một tác phẩm thú vị khác là bức "Tiền kiếp" với hai phụ nữ trong tranh nằm nghiêng về bên trái, nghĩa là hướng về quá khứ. Người phía sau tóc đen dài và mặc trang phục cổ xưa, người phía trước tóc ngắn và mặc đồ hiện đại, nhưng cùng là một bản thể. Tranh đề cập triết lý của Phật giáo là những gì diễn ra trong kiếp này có liên quan duyên nợ của kiếp trước. Những hình tượng như váy áo, gương lược, đôi hài, son phấn vừa có tính ước lệ vừa là tả thực, dù ở thế kỷ 17 hoặc 21 thì chúng ta vẫn luôn có thể nhìn thấy các hình ảnh, các ký hiệu và lối thẩm mỹ này.
Theo bà Vân Vi, giám tuyển của triển lãm, tranh Phan Cẩm Thượng có tạo hình riêng biệt. "Mỗi họa sĩ đều có một cội nguồn văn hóa. Cái gốc văn hóa ấy quyết định cách nhìn trong nghệ thuật của họ như một phẩm chất tự nhiên. Với ông Thượng thì đó là văn hóa cổ. Những bức tranh trong triển lãm này mang cảm hứng từ những nhân vật trong thế kỷ thứ 17, cùng các tập tục trang phục và mật mã văn hóa ẩn chứa bên trong. Bố cục tranh hầu hết là vô hướng, và "ngẫu hứng trong có lý". Ðôi khi là những tà áo bay ngược xuôi, những chân tay mọc ra ở những chỗ bất thường, trông có vẻ lạ lùng nhưng đều là những sự tính toán về cân bằng thị giác, tạo nên một bản hòa sắc mang tính thẩm mỹ dân tộc, làm hiển hiện lên trong mắt ta điều gì đó thân quen nhưng lại đã từ lâu không thấy. Ðiểm cuối cùng không thể không đề cập, tuy là nội dung có tính chất văn hóa cổ, sử dụng hệ mầu tự nhiên, nhưng tổng hòa lại mang chiều hướng hiện đại, mới - chứ không hề cũ" - giám tuyển Vân Vi phân tích thêm.
Phan Cẩm Thượng sinh năm 1957, tốt nghiệp Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam và từng giảng dạy tại trường, Khoa Lý luận và Lịch sử mỹ thuật (1984-2002). Ông là họa sĩ, nhà nghiên cứu, nhà phê bình... đã có hơn 30 năm theo đuổi việc khảo cứu mỹ thuật cổ. Ông từng xuất bản nhiều tác phẩm như "Ðiêu khắc cổ Việt Nam", "Ðồ họa cổ Việt Nam", "Mỹ thuật của người Việt", "Họa sĩ trẻ Việt Nam", "Nghệ thuật ngày thường", "Văn minh vật chất của người Việt"... Cuốn sách lý luận phê bình mỹ thuật "Chùa Dâu và nghệ thuật Tứ pháp" từng đoạt giải nhất Giải thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 2003.
Triển lãm tranh Phan Cẩm Thượng 2022 mở cửa đến hết ngày 9/5.
(theo nhandan.vn)
Nguồn : https://baoninhbinh.org.vn/net-viet-xua-trong-tranh-phan-cam-thuong/d20220425145749821.htm