-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Tin tức
Nét mộc Việt trong tranh dân gian Đông Hồ
Giản dị mà giàu hình tượng, mộc mạc mà thấm đẫm tinh thần dân tộc – tranh Đông Hồ không chỉ là một dòng tranh dân gian, mà còn là tấm gương phản chiếu đời sống, tâm hồn và khát vọng của người Việt suốt nhiều thế kỷ.
Bức tranh Đàn gà mẹ con vẽ khung cảnh gà mẹ đang chăm nom cho đàn con của mình. Tranh biểu trưng cho sự đầm ấm gia đình, sinh sôi nảy nở, con cháu sum vầy
Làng Đông Hồ – nằm bên dòng sông Đuống êm đềm, thuộc tỉnh Bắc Ninh – là nơi khởi nguồn của dòng tranh này. Dân gian kể rằng tranh đã có từ thời Lý, thế kỷ XI, nhưng tư liệu chính thống lại cho thấy thời Lê Kính Tông (1600–1619) mới là giai đoạn tranh phát triển rực rỡ. Dù nguồn gốc còn chưa ngã ngũ, nhưng nét độc bản trong đường nét, bố cục và tinh thần biểu đạt đã khiến tranh Đông Hồ trở thành một phần không thể thiếu của văn hóa dân gian Việt Nam, đặc biệt mỗi độ Tết đến xuân về.
Không giống tranh Hàng Trống rực rỡ hay tranh Kim Hoàng tỉa tót cầu kỳ, tranh Đông Hồ mang vẻ thanh tịnh và mộc mạc nhờ vật liệu tự nhiên. Giấy điệp – nền tranh đặc trưng – được làm từ bột vỏ sò điệp trộn với hồ gạo hoặc sắn, quét lên giấy dó bằng chổi lá thông. Giấy sau khi phơi có ánh long lanh ngà ngà, giúp màu in nổi bật và bền theo thời gian. Màu sắc tranh được chế từ các nguyên liệu gần gũi quanh làng: than tre cho màu đen, sỏi son cho màu đỏ, hoa dành dành cho sắc vàng, lá chàm cho sắc xanh... Chính sự thuần khiết ấy tạo nên nét duyên riêng – trầm lắng mà không kém phần sinh động.
Sản xuất giấy điệp thủ công bằng cách quét hỗn hợp được trộn từ hồ dán và bột vỏ sò qua nhiều lớp bằng chổi lá thông
Kỹ thuật in tranh cũng là cả một nghệ thuật. Ván in được khắc trên gỗ thị hoặc gỗ thừng mực – thấm màu vừa đủ, giúp lớp in đều và rõ nét. Mỗi màu trong tranh tương ứng với một bản khắc riêng, được in nối tiếp nhau, đòi hỏi sự chính xác tuyệt đối về vị trí và áp lực tay. Lớp nét đen được in cuối cùng, định hình và hoàn thiện tổng thể bức tranh. Sự thủ công tỉ mỉ, điêu luyện ấy cho phép tranh vừa mang tính lặp lại (in được nhiều bản), vừa giữ được cái hồn riêng biệt của từng sản phẩm.
Khuôn khắc được thực hiện tỉ mỉ bởi các nghệ nhân, đảm bảo các lớp in đúng hình và vị trí in
Các khuôn khắc nét với đa dạng chủ đề khác nhau
Tranh Đông Hồ được chia thành nhiều dòng chủ đề, từ tranh thờ, tranh lịch sử, truyện tranh dân gian đến những đề tài sinh hoạt thường nhật. Người ta tìm thấy trong đó tiếng cười hóm hỉnh của “Đám cưới chuột”, sự yên ấm trong “Đàn gà mẹ con”, nỗi hoài mong đủ đầy của “Vinh hoa – Phú quý”, hay khát vọng bền lâu trong “Lý ngư vọng nguyệt”. Mỗi bức tranh đều mang đậm tinh thần dân gian – dung dị nhưng sâu sắc, gần gũi mà giàu triết lý sống.
Trong văn hóa dân gian Việt Nam, Táo quân gắn với huyền tích “hai ông một bà” bao gồm thần Bếp, thần Nhà và thần Đất
Tranh vẽ cảnh đám cưới của cặp đôi chuột, đang dâng sính lễ lên cho mèo, mong cầu một cuộc sống bình yên sau lễ cưới. Bức tranh Đám cưới chuột là tiếng lòng của nhân dân đối với xã hội phong kiến áp bức thuở xưa
Vinh Hoa – Phú Quý là cặp tranh nổi tiếng của dòng tranh Đông Hồ. Miêu tả hai em bé ôm gà vịt, tranh được coi như lời chúc tụng mưu cầu vinh hoa, tài lộc, mong muốn gia đình có một cuộc sống ấm no, giàu sang
Không chỉ có hình, tranh Đông Hồ còn có chữ – những câu thơ, câu đối được viết bằng Hán hoặc chữ Nôm, vừa bổ nghĩa nội dung, vừa cân đối bố cục. Chữ và hình soi chiếu nhau, cùng hướng tới một mỹ cảm hài hòa: đẹp cả mắt nhìn lẫn tâm trí. Đó là nơi cái đẹp và cái thiện hội tụ, khơi gợi những điều tốt lành, tròn đầy trong tâm tưởng người xem.
Cặp tranh Ông Tơ – Bà Nguyệt. Chữ bên tranh trái ghi: “Phỉ nguyền sánh phượng” và “Bách niên giai lão”. Chữ bên tranh phải ghi: “Đẹp phận thừa long” và “Quân tử hảo cầu”. Tranh là sự chúc phúc cho cặp đôi nam, nữ đến độ cập kê sẽ tìm được ý chung nhân, gắn kết lâu dài suốt quãng đời còn lại
Tranh Lý ngư vọng nguyệt. Cá chép là loài vật có khả năng bơi ngược dòng, tượng trưng cho sự nỗ lực, ý chí vươn lên, thể hiện ước vọng về một cuộc sống tốt đẹp, hạnh phúc, viên mãn
Tranh Chăn trâu thổi sáo sử dụng đa dạng các loại nét từ nét đơn tạo hình, nét băm thân sen, nét xoè từ mảng tóc của bé trai hay nét gợi khối chi của trâu
Tranh Đàn lợn âm dương thể hiện ước vọng về một cuộc sống an lành, bình yên, không có tai ương, bệnh tật. Bức tranh thường được treo trong nhà vào dịp Tết Nguyên Đán, mang ý nghĩa cầu chúc một năm mới an khang, thịnh vượng, đông con, nhiều cháu
Một trong những đặc điểm nổi bật của tranh Đông Hồ là tính phồn thực – được thể hiện tinh tế qua hình tượng các con vật, trẻ nhỏ, cặp đôi sum vầy... ẩn chứa ước vọng sinh sôi, phát triển, mùa màng bội thu và gia đình no ấm. Đường nét trong tranh dứt khoát mà uyển chuyển, khi nhẹ nhàng, khi khoẻ khoắn, sử dụng đa dạng các loại nét – nét đơn, nét băm, nét gợi khối – tạo nên một thứ ngôn ngữ tạo hình đậm chất Việt, không thể trộn lẫn.
Ngày nay, giữa guồng quay hiện đại, tranh Đông Hồ không còn phổ biến như trước. Nhưng ở nơi làng cổ bên sông Đuống, vẫn còn những bàn tay nghệ nhân miệt mài khắc gỗ, quét giấy, in màu – như giữ gìn một phần ký ức tinh khôi của dân tộc. Tranh không chỉ để trưng, mà còn để gợi nhớ, để kể lại một thời, để nuôi dưỡng lòng yêu quê, yêu đất, yêu cội nguồn văn hóa và là nguồn cảm hứng bất tận cho thế hệ trẻ, cho những người yêu nghệ thuật.
Phân cảnh trong MV Bắc Bling, ca sĩ Hoà Minzy đã hoá thân thành tạo hình 4 thiếu nữ gợi nhắc đến bộ tranh Tố Nữ nổi tiếng của dòng tranh Đông Hồ