-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Tin tức
Một bức tranh mang tính biểu tượng của Wayne Thiebaud sẽ được đưa ra đấu giá lần đầu tiên sau 60 năm
Pie a la Mode từng góp mặt trong triển lãm Pop Art đầu tiên vào năm 1962.
Wayne Thiebaud, Pie a la Mode (khoảng năm 1961). Ảnh: Bonhams.
Không nhiều thứ có thể đại diện cho văn hóa Mỹ rõ ràng hơn một miếng bánh ngọt kèm một viên kem mát lạnh. Đó là món ăn gợi nhớ tuổi thơ, luôn được để nguội dần trên hiên nhà của bà ngoại, hay đang chờ sẵn trên bàn ăn trong một quán ven đường vào chiều Chủ nhật lười biếng. Tuy nhiên, Pie a la Mode (1961) của Wayne Thiebaud lại mang chút cảm giác mơ hồ hơn. Như thường lệ, chất liệu sơn trong tranh của ông khiến người ta phải thèm thuồng: phần bánh thì chắc chắn, kem thì dày mịn, hòa quyện với nhân trái cây đỏ thẫm đang tan chảy. Nhưng bối cảnh của chiếc bánh lại kém hấp dẫn: nó đứng một mình, bị đẩy về tận phía sau khung tranh trước một bức tường đen trống trải, không có thìa, cũng chẳng có người.
Wayne Thiebaud thường được xếp cùng nhóm với các họa sĩ Pop Art thời hậu chiến như Roy Lichtenstein, Edward Ruscha và Andy Warhol – những người lên tiếng phê phán chủ nghĩa tiêu dùng bùng nổ tại Mỹ. Quả thực, Pie a la Mode từng được trưng bày trong triển lãm New Painting of Common Objects năm 1962 do Walter Hopps giám tuyển tại Bảo tàng Nghệ thuật Pasadena – một sự kiện được xem là cái nhìn toàn diện đầu tiên về Pop Art tại Mỹ.
Wayne Thiebaud, 2003. Ảnh: Lawrence K. Ho/Los Angeles Times qua Getty Images.
Thế nhưng, không giống như các đồng nghiệp vốn sử dụng tính phẳng để phản ánh truyền thông đại chúng và thương hiệu hóa, Thiebaud lại trung thành với chiều sâu, tạo hình các món đồ ngọt như những nhân vật có tâm hồn, như thể ta từng biết đến và gắn bó về mặt cảm xúc. “Tôi chưa bao giờ xem mình là một nghệ sĩ Pop chính thống,” Thiebaud từng nói trong một cuộc phỏng vấn. “Thực ra, tôi rất quan tâm đến việc kết hợp giữa Hiện thực và Trừu tượng.” Ông từng là học trò trung thành của Edward Hopper, và điều đó hiện rõ trong tranh. Những chiếc bánh, kem và bánh ngọt cô lập của Thiebaud trông như phần phóng to từ một góc trong tranh của Hopper, nhưng được tái hiện bằng bảng màu rực rỡ đặc trưng của nước Mỹ thập niên 1960.
Pie a la Mode là tác phẩm tiêu điểm trong phiên đấu giá Nghệ thuật Thế kỷ 20 và 21 của nhà đấu giá Bonhams, dự kiến diễn ra ngày 14 tháng 5 tại New York. Bonhams mô tả đây là “một trong những bức tranh quan trọng nhất của Thiebaud trong thập niên 1960”. Bức tranh này lần đầu xuất hiện trên thị trường sau sáu thập kỷ nằm trong bộ sưu tập tư nhân và được ước tính trong khoảng từ 1,2 triệu đến 1,8 triệu USD.
Để tham khảo, vào năm 2005, một bức tranh sơn dầu vẽ một chiếc bánh đơn lẻ từ năm 1961 đã được bán với giá 486.400 USD tại Christie’s. Kỷ lục cho các tranh vẽ bánh của Thiebaud là 4 triệu USD, đạt được vào năm 2011 tại Sotheby’s New York với một tác phẩm miêu tả nhiều chiếc bánh được xếp trên quầy, theo cơ sở dữ liệu giá Artnet Price Database.
Willem de Kooning, East Hampton VII (khoảng năm 1968). Ảnh: courtesy Bonhams.
Phiên đấu giá gồm 25 lô hàng này mang tính bao quát, trải dài qua nhiều trào lưu nghệ thuật của thế kỷ trước. Nổi bật là hai bức tranh trừu tượng rực rỡ của Willem de Kooning (người Thiebaud từng kết thân trong một chuyến thăm New York vào thập niên 1950). Figure (1965–1966) và East Hampton VII (khoảng 1968) được sáng tác sau khi de Kooning chuyển về sống tại East Hampton – nơi khiến ông xem xét lại kỹ thuật cọ vẽ và cách pha trộn sơn. Figure được ước tính từ 500.000 đến 700.000 USD, còn East Hampton VII ở mức 400.000 đến 600.000 USD.
Alexander Calder, The Cross (khoảng năm 1948). Ảnh: courtesy Bonhams.
Ngoài ra, còn có The Cross (khoảng 1948) của Alexander Calder – một bức tranh sơn dầu hiếm hoi gợi lại mô-típ từ tác phẩm điêu khắc động Snake and the Cross năm 1936 của ông. Bonhams cho biết Calder đã lần đầu đến thăm Brazil vào năm đó và “chắc chắn đã tận mắt chứng kiến tượng Chúa Cứu Thế khổng lồ hình thánh giá” nhìn xuống thành phố Rio de Janeiro. The Cross được ước tính từ 750.000 đến 1,25 triệu USD.
Một bức tranh điển hình của Fernando Botero – The Bed (1982) – khắc họa một phụ nữ khỏa thân đang sửa tóc với những đường nét đầy đặn đặc trưng, có mức ước tính tối đa là 1 triệu USD. Tác phẩm đồng điêu bằng đồng của Joel Shapiro – Untitled (1996) – với hình ảnh đôi tay dang rộng được định giá từ 250.000 đến 350.000 USD. Trong khi đó, bức Oh Happy Day (1966) của Ernie Barnes – phản ánh những khoảnh khắc then chốt trong phong trào dân quyền – có mức ước tính cao nhất là 500.000 USD.
Nguồn: An Iconic Wayne Thiebaud Painting Heads to Auction for the First Time in 60 Years
Biên dịch: Huyền Trịnh