Tin tức

Lui Shou-Kwan và di sản nghệ thuật thuỷ mặc (Phần 1)

Chui Tse-hung (Xu Zixiong, sinh năm 1936), một trong những nhân vật chủ chốt của Phong trào tranh thuỷ mặc mới ở Hongkong, nhớ lại thời gian tham gia các lớp học ngoại khóa do hoạ sĩ Lui Shou-kwan (Lü Shoukun, 1919–1975) giảng dạy tại Đại học Trung Hoa Hongkong vào năm 1969. 

Đáng tiếc là tôi không thể đăng ký khóa học vì quá đông. Tôi đã phải nhường chỗ cho học sinh mới, và đã hai lần tôi phải ngồi nghe giảng ở một góc cầu thang bên ngoài lớp học. Tôi nhớ có lần, có một học sinh hỏi mượn tranh của thầy Lui để chép. Ông Lui gõ lên bảng và nói: “Các em đến để học vẽ chứ không phải để vẽ tranh của Lui Shou-kwan.”

Poon Chun-wah (Pan Zhenhua, sinh năm 1936), sinh viên của Lui, nhớ lại bài học đầu tiên của mình, khi Lui lần đầu chỉ trích "sự cứng nhắc và lỗi thời trong phương pháp giảng dạy hội họa trong xã hội," sau đó chuyển sang giảng về "cách tìm kiếm bản thân". Sự khác biệt giữa Lui và phương pháp giảng dạy thông thường được Lawrence Tam (Tan Zhi Cheng, 1933–2013) giải thích rõ nhất. Ông đã học từ năm nghệ sĩ khác nhau trong giai đoạn từ 1961 đến 1966. Tất cả, ngoại trừ Lui, đều tuân theo phương pháp truyền thống của Trung Quốc, chủ yếu là sao chép các bản phác thảo và tranh mẫu của giảng viên.

1. Lui Shou-kwan (1919–1975), Zen, 1970, mực và màu trên giấy, 152 x 82 cm. Bộ sưu tập tư nhân

Có thể đôi chút mang dấu vết của cảm xúc cá nhân, những kí ức này là bằng chứng rõ ràng cho phương pháp giảng dạy độc đáo và sự ảnh hưởng rộng lớn của Lui. Sinh ra và lớn lên tại Quảng Châu, Lui Shou-kwan chuyển đến Hongkong vào năm 1948, trong giai đoạn mà chiến thắng khó khăn của Trung Quốc trước Nhật Bản được tiếp nối bởi nhiều xung đột dân sự. Sau Thế chiến thứ hai, Hongkong chứng kiến một làn sóng người tị nạn và nhập cư từ Trung Quốc, nhiều trong số họ, như Lui, có mối liên hệ mật thiết với di sản văn hóa Trung Hoa. Lui có thể hoàn toàn biết cách vẽ theo phong cách hội họa thuỷ mặc truyền thống tinh tế của Trung Quốc, nhưng thay vào đó, ông dành hết sự nhiệt tâm của mình cho việc hiện đại hóa và quốc tế hóa nghệ thuật thuỷ mặc, sâu sắc khám phá nguồn gốc văn hóa và triết học của nó. Sự tinh tế về văn hóa của ông là ngoại lệ đối với một cựu sinh viên khoa luật, và tính đổi mới của ông cũng đặc biệt so với những học giả mang phong cách cổ điển. Trong bộ "Thiền" đặc trưng của mình, hoàn thành vào cuối những năm 1960 và đầu những năm 1970, Lui kết hợp sự hấp dẫn thị giác của tranh thuỷ mặc với trải nghiệm tâm linh, được biểu hiện bằng hình ảnh nụ sen nở từ trong ao nước u ám (1, 2). Sức hút của các bức tranh của ông là ngay lập tức, không chỉ dành cho những người hiểu biết sâu sắc về triết học Thiền.

2. Lui Shou-kwan (1919–1975), Zen, 1969, mực và màu trên giấy, 139 x 69 cm. Bộ sưu tập tư nhân

Điều đặc biệt về cái tên nghệ thuật của Lui là tầm ảnh hưởng lâu dài thông qua giáo dục. Mặc dù ông qua đời sớm vào năm 1975, lúc 56 tuổi, nhưng các học trò và người hâm mộ vẫn tiếp tục làm sống lại nghệ thuật thuỷ mặc của ông, biến nó thành biểu tượng văn hóa của Hongkong, Trung Quốc và ngoài ra, phù hợp với nhu cầu xác định bản sắc trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng gia tăng. Họ thậm chí đã dự đoán sự xuất hiện của các nghệ sĩ từ lục địa, nơi mà hầu hết phải đợi đến cuối những năm 1970 với sự nới lỏng chính sách văn hóa của họ. Được biết đến nhiều với danh xưng "những họa sĩ thuỷ mặc mới", họ đã mở rộng phạm vi của nghệ thuật này, kết hợp một cách độc đáo các hình thức không truyền thống như các yếu tố thiết kế, màu sắc nhân tạo, sáng tạo cá nhân, thư pháp và thậm chí các phương tiện không sử dụng thuỷ mặc, để kể tên một vài (3).

3. Kan Tai-keung (sinh 1942), Thung lũng, 1974, mực và màu trên giấy, 89 x 89 cm. Bộ sưu tập của Bảo tàng Nghệ thuật Hongkong. 

Để nghiên cứu sâu hơn về những ảnh hưởng đa dạng của những họa sĩ thuỷ mặc mới từng học từ Lui Shou-kwan, ta cần xem xét sự kéo dài của tác động của ông đến nghệ thuật của họ. Lui không chỉ là một hoạ sĩ mà còn là một giáo viên nghệ thuật có sự ảnh hưởng sâu rộng. Ý tưởng và phương pháp giảng dạy của ông đã truyền cảm hứng và dẫn đường cho sự phát triển nghệ thuật sau này một cách đặc biệt như thế nào?

Những phần tiếp theo của bài viết sẽ chia sẻ câu chuyện giảng dạy ban đầu của Lui, khám phá vai trò của ông trong giáo dục nghệ thuật và tập trung vào phương pháp giảng dạy có hệ thống của ông. Những yếu tố này đã truyền cảm hứng cho thế hệ họa sĩ vẽ thuỷ mặc mới, để lại dấu ấn sâu sắc trong lịch sử nghệ thuật Hồng Kông và Trung Quốc.

Xem tiếp phần 2

Xem tiếp phần 3

Biên dịch: Phương Anh

Nguồn: Arts of Asia

Viết bình luận của bạn:

Tranh vẽ theo yêu cầu. Chúng tôi nhận đặt vẽ tranh theo yêu cầu với thể loại và chất liệu đa dạng. Hãy để những bức tranh nói lên phong cách của bạn.

Tải ứng dụng ngay

Google Play App Store
popup

Số lượng:

Tổng tiền:

icon icon icon