-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Tin tức
Lụa Vạn Phúc – Hồn Lụa Nghìn Năm Giữa Lòng Hà Nội
Nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 10km, làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) từ lâu đã được biết đến như một biểu tượng của nghề dệt lụa truyền thống Việt Nam, với bề dày hơn 1.000 năm lịch sử. Lụa Vạn Phúc không chỉ nổi tiếng bởi chất lượng vượt trội mà còn bởi sắc màu độc đáo và hoa văn tinh tế, mang đậm nét văn hóa Việt.
Những năm trở lại đây, Vạn Phúc đã vinh dự được công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia, một dấu mốc quan trọng ghi nhận nỗ lực gìn giữ và phát huy nghề dệt lụa truyền thống của địa phương. Con đường dẫn vào làng trở nên rực rỡ hơn bao giờ hết với những chiếc ô, cánh diều đầy màu sắc trải dài hàng trăm mét, cùng những khung cửi, con tằm và tranh vẽ mô tả quá trình dệt lụa được sắp đặt công phu. Tất cả tạo nên một không gian vừa thơ mộng vừa sống động, tôn vinh nghề lụa đã làm nên tên tuổi của vùng đất này.
Lụa Vạn Phúc – Di sản trường tồn cùng thời gian
Theo sử sách, nghề trồng dâu nuôi tằm và dệt lụa ở Vạn Phúc đã xuất hiện từ hơn một thiên niên kỷ trước. Dưới thời phong kiến, lụa Vạn Phúc từng được chọn để may trang phục cho hoàng tộc triều Nguyễn, khẳng định vị thế cao quý của sản phẩm nơi đây. Năm 1931-1932, lụa Vạn Phúc lần đầu tiên được giới thiệu tại các hội chợ ở Marseille và Paris (Pháp), nhận được sự tán thưởng nồng nhiệt từ công chúng quốc tế. Đến những năm 1960-1980, lụa làng nghề tiếp tục được xuất khẩu sang các nước Đông Âu. Từ năm 1990, sản phẩm lụa Vạn Phúc đã có mặt trên thị trường toàn cầu, đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ trong ngành dệt lụa truyền thống.
Nghề dệt lụa – Công phu và tinh tế
Dù công nghệ dệt may hiện đại ngày càng phát triển, những người thợ lành nghề ở Vạn Phúc vẫn kiên trì với phương pháp dệt thủ công truyền thống. Nghệ nhân Trần Thị Ngọc Lan chia sẻ:
"Để tạo ra một tấm lụa chất lượng cao, mỗi khung cửi chỉ có thể dệt được 5-7 mét vải mỗi ngày, và mỗi thợ dệt chỉ vận hành được một máy. Quá trình hoàn thiện lụa gồm nhiều công đoạn tỉ mỉ như tẩy trắng, nhuộm màu, đòi hỏi sự khéo léo và kiên nhẫn."
Hiện nay, làng Vạn Phúc sản xuất khoảng 70 loại lụa, gấm, đũi với hoa văn đa dạng. Mỗi năm, làng cung cấp ra thị trường hơn 1 triệu mét lụa cao cấp, mang về doanh thu hơn 4 triệu USD. Vạn Phúc cũng vinh dự được Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam công nhận là "Làng dệt lụa lâu đời nhất vẫn còn hoạt động" và được UBND thành phố Hà Nội xếp hạng "Điểm đến Du lịch Thành phố".
Vạn Phúc – Điểm đến lưu giữ hồn Việt
Không chỉ nổi bật với nghề dệt lụa, Vạn Phúc còn lưu giữ những nét đẹp văn hóa cổ truyền của làng quê Bắc Bộ như cây đa, sân đình, giếng nước. Những năm gần đây, làng đã phát triển du lịch cộng đồng với các tour trải nghiệm, giúp du khách khám phá quy trình sản xuất lụa và tận hưởng không gian yên bình, mang đậm hơi thở của thời gian.
Nguồn tham khảo: Vạn Phúc Silk Village celebrates timeless craft
Biên dịch: Hoàng Linh