-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Tin tức
Lịch sử Queer bị lãng quên của năm tượng đài hậu hiện đại Mỹ ( Phần 2 )
Queer trong nước Mỹ thời McCarthy
Vào thời điểm đó, nước Mỹ đang bị chi phối bởi cái gọi là “Nỗi sợ màu tím” (Lavender Scare) – một cuộc thanh trừng người đồng tính phản ánh cơn cuồng loạn chống cộng McCarthy. Các công chức, giáo viên, họa sĩ và nghệ sĩ bị sa thải hoặc giám sát. Trong bối cảnh ấy, sự thân mật được mã hóa trong triển lãm này trở nên cực kỳ cấp tiến. Một bức thư năm 1951 từ Rauschenberg gửi Twombly đã nói lên tất cả: “Một ngày yên bình không sợ hãi” nằm ở mép giấy.
Không giống như những nhóm nghệ sĩ khác, năm người này chưa bao giờ lập ra một phong trào với tuyên ngôn rõ ràng. Sự liên kết của họ mang tính riêng tư, phi chính thức và hiện diện công khai nhưng không ai để ý. Trong khi ảnh hưởng của họ đến hội họa, âm nhạc và múa hiện đại – cũng như hậu hiện đại – được ghi nhận đầy đủ, thì các mối quan hệ cảm xúc và tình dục thúc đẩy những ảnh hưởng đó lại ít được ghi nhận – và thường bị cố tình xóa bỏ.
( Five Friends. John Cage, Merce Cunningham, Jasper Johns, Robert Rauschenberg, Cy Twombly )
Cage và Cunningham là bạn đời và đối tác sáng tạo từ đầu những năm 1940. Rauschenberg và Twombly gặp nhau năm 1951 và tham gia cùng họ tại Black Mountain, nơi Cage và Cunningham giảng dạy. Hai họa sĩ đã tiếp thu các lý thuyết ngẫu nhiên của Cage, và ông cũng sưu tập tác phẩm của họ. Johns gia nhập nhóm vào năm 1954.
Thế nhưng, khát khao queer hiện diện khắp nơi – nếu bạn biết nơi để tìm. Bed (1955), một tác phẩm mượn từ MoMA, đặc biệt gợi cảm. Một chiếc giường treo trên tường, gối được khâu ở giữa, dường như mang phong cách vẽ của cả Twombly và Rauschenberg – mỗi người một nửa. Chiếc gối – nơi tựa đầu – có thể đại diện cho một tâm trí chung; chiếc giường chưa dọn – cho một đam mê chia sẻ. “Một bó hoa của những khoảnh khắc đẹp nhất trên giường,” là cách Rauschenberg gọi tác phẩm này.
Chuyến du hành của Rauschenberg và Twombly qua châu Âu và Bắc Phi được ghi lại bằng những bức ảnh gelatin bạc đầy âu yếm. Trong Cy and Roman Steps, đôi chân của nghệ sĩ đi xuống từng khung hình, cho đến khi máy ảnh dừng lại ở phần khóa quần.
( Robert Rauschenberg Cy + Relics, Rome, (ca. 1952)
Khiêu vũ bên bờ thế giới
Triển lãm tiếp tục theo cách ấy – mang đến vô số lối vào để hiểu cách ảnh hưởng và hợp tác diễn ra giữa họ. Triển lãm ở cường độ cao đến mức khiến người xem nghẹt thở – qua từng phòng, ta thấy một nhóm nghệ sĩ đồng điệu cả trí tuệ lẫn cảm xúc. Họ cũng cống hiến hết mình cho những hướng đi mới mang tính cách mạng trong hội họa và nghệ thuật.
Trong một phòng triển lãm toàn màu đen, phần lớn nhất được dành cho Đoàn múa Merce Cunningham, nơi John Cage là giám đốc âm nhạc, Rauschenberg là giám đốc nghệ thuật, và sau này Johns cũng đảm nhiệm vai trò chủ chốt.
( Exhibition View. Five Friends. John Cage, Merce Cunningham, Jasper Johns, Robert Rauschenberg, Cy Twombly )
Thẩm mỹ mang tính “camp” của Cunningham – sở thích phô diễn thị giác, phi giới tính, và cường điệu biểu diễn – được hình thành và hỗ trợ bởi những người bạn kia. Những bức tranh “Combine” đầu tiên của Rauschenberg – đóng góp mang tính biểu tượng của ông cho lịch sử nghệ thuật – chính là đạo cụ sân khấu cho Cunningham. Nhiều bộ trang phục của ông cho vũ đoàn vừa nghịch ngợm, đôi khi được đan bằng tay, đôi khi như được vẽ bằng cọ. Cách dàn dựng sân khấu của Johns cho Walkaround Time mang tính vật lý cấp tiến không khác mấy tranh của ông, và bộ trang phục cho Second Hand bao gồm mọi màu của cầu vồng – một hành động quyền lực ông cũng thường thực hiện trong tranh. Âm thanh bất ngờ của Cage làm nền cho lối biên đạo ngẫu hứng và trừu tượng của Merce. Vũ đạo ấy chưa bao giờ chỉ là của riêng ông – mà là của họ.
Mọi điệu nhảy đều có hồi kết. Cũng có những chia ly. Rauschenberg và Johns chia tay năm 1961, kết thúc mối quan hệ lãng mạn và hợp tác nghệ thuật. Johns hầu như không phát biểu công khai về việc chia tay, nhưng dư âm của nó vang vọng trong một số tác phẩm, bao gồm In Memory of My Feelings – Frank O’Hara, một bức tranh kiềm chế, chất chứa tang thương được vẽ năm 1961, gợi nhớ đến cả mất mát và khao khát – một cách ám chỉ nhà thơ đồng tính Frank O’Hara. Đó là lời tuyên bố cá nhân gần nhất mà Johns từng thể hiện và nó bất ngờ làm mềm đi biểu tượng nặng nề trong các tác phẩm khác của ông. Một chiếc thìa và một chiếc nĩa treo buộc với nhau ở trung tâm bức tranh.
“Tất cả chúng tôi làm việc trong sự cam kết tuyệt đối,” Rauschenberg từng nói về các hợp tác ấy, “[và] chia sẻ mọi cảm xúc mãnh liệt và, tôi nghĩ, đã tạo ra những điều kỳ diệu – chỉ vì tình yêu.”
Five Friends: John Cage, Merce Cunningham, Jasper Johns, Robert Rauschenberg, Cy Twombly đang được trưng bày tại Bảo tàng Brandhorst đến hết ngày 17 tháng 8. Triển lãm sẽ được chuyển đến Bảo tàng Ludwig ở Cologne vào mùa thu năm nay.
Nguồn : The Overlooked Queer History of Five Titans of American Postmodernism
Biên dịch : Bảo Long