-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Tin tức
Làm thế nào một kiệt tác gần 400 năm tuổi đã từng bị đánh cắp lại tìm về được bộ sưu tập nghệ thuật của Đại học Toronto
Hành trình của bức tranh của Anthony van Dyck sau vụ trộm năm 1951 “có sự liên quan đến một số nhân vật có tầm ảnh hưởng nhất trong giới nghệ thuật Anh và Mỹ,” theo nhà sử học Meredith Hale.
Chân dung Wolfgang Wilhelm vùng Pfalz-Neuburg – bức tranh của Anthony van Dyck. Ảnh: Quỹ Di sản Sống Buccleuch
Suốt hơn hai thập kỷ, Đại học Toronto đã vô tình trở thành nơi lưu giữ một tác phẩm bị đánh cắp của bậc thầy hội họa Flemish thế kỷ 17.
Phát hiện này là lời giải cho một bí ẩn kéo dài hơn 70 năm, được công bố tuần này trên tạp chí British Art Journal.
Chân dung Wolfgang Wilhelm vùng Pfalz-Neuburg, bức tranh do Anthony van Dyck – họa sĩ cung đình của Vua Charles I nước Anh – thực hiện, là một trong loạt phác thảo sơn dầu được lưu giữ trong cùng một bộ sưu tập ở Anh từ năm 1682. Cho đến khi bức tranh bị đánh cắp vào tháng 7 năm 1951 tại tòa nhà Boughton House, Northamptonshire.
Hành trình của bức chân dung hoàng tử kể từ đó đã được lần ra qua công việc điều tra tỉ mỉ của Meredith Hale, giảng viên cao cấp về lịch sử nghệ thuật tại Đại học Exeter, Anh. Bà là chuyên gia về các tác phẩm nghệ thuật của Van Dyck, người qua đời năm 1641.
Hale cho biết bức tranh đã qua tay “một số nhân vật có ảnh hưởng nhất trong giới nghệ thuật Anh và Mỹ.”
“Tôi đã dựng lại hành trình của bức tranh trong 73 năm qua, khi nó được mua bán qua các chuyên gia, nhà bảo tồn, nhà đấu giá, thương nhân và nhà sưu tập từ London đến Toronto,” Hale viết trong nghiên cứu của mình. Câu chuyện này, bà nhận định, cho thấy cả sự phức tạp trong tác phẩm của Van Dyck lẫn “sự táo bạo của kẻ trộm, người đã khoác lên mình vỏ bọc của chuyên môn và uy tín.”
Ba thập kỷ sau vụ trộm, bức tranh cuối cùng thuộc sở hữu của Đại học Toronto vào năm 1981, sau khi được để lại bởi di sản của Tiến sĩ Lilian Malcove.
Hale nhanh chóng minh oan cho Malcove và Đại học Toronto, đồng thời hé lộ vai trò của một số nhân vật đã khuất từng là “trụ cột” trong giới nghệ thuật.
“Trường đại học hoàn toàn không biết gì về xuất xứ đáng ngờ của bức tranh, và ngay cả người hiến tặng cũng vậy,” Hale nói trong một cuộc phỏng vấn qua email.
Malcove sinh ra trong một gia đình di cư từ Nga sang Canada năm 1905. Bà học y khoa tại Manitoba và chuyên về tâm thần học. Song song đó, bà sưu tập các tác phẩm nghệ thuật, từ biểu tượng tôn giáo Nga, tranh của các bậc thầy cổ điển, đến nghệ thuật đương đại.
Đại học Toronto tiếp nhận bức tranh sau khi bà qua đời.
“Vào thời điểm đó, trường đại học không có lý do gì để nghi ngờ về xuất xứ của bức tranh,” trường này tuyên bố qua email.
Sau khi bằng chứng mới về lịch sử của bức tranh xuất hiện, “trường ngay lập tức mở các cuộc thảo luận để trả lại tác phẩm cho chủ sở hữu,” đồng thời xác nhận bức tranh đã giữ một vị trí khiêm tốn trong bộ sưu tập.
“Trong 10 năm qua, bức chân dung không được trưng bày trong không gian triển lãm của Bảo tàng Nghệ thuật của trường,” trường Đại học Toronto cho biết. “Chúng tôi không xác định được liệu nó đã từng được trưng bày trước đó hay chưa.”
Hale, chuyên gia về nghệ thuật Hà Lan giai đoạn 1550–1700, chỉ tiếp cận trường đại học sau khi đã nghiên cứu kỹ hành trình của bức tranh.
“Họ cũng muốn tìm ra sự thật không kém gì tôi và đã vô cùng rộng lượng khi cho phép tôi nghiên cứu tác phẩm và truy cập vào kho lưu trữ của họ,” Hale nói.
Ở trung tâm của vụ việc là Leonard Gerald Gwynne Ramsey, cựu biên tập viên của tờ The Connoisseur – một tạp chí nghệ thuật đã ngừng xuất bản, đồng thời là thành viên của Hội Cổ vật học. Ông qua đời cách đây 35 năm.
Tháng 7 năm 1951, Ramsey đến Boughton House để làm nghiên cứu cho một cuốn sách. Chủ nhân của ngôi nhà, Công tước Buccleuch đời thứ 8, đang lâm bệnh nên ông được để lại một mình, Hale giải thích. Không lâu sau đó, The Connoisseur đăng một bài viết minh họa về Boughton House và bộ sưu tập của nó – nhưng đáng chú ý là không nhắc đến tranh Van Dyck.
Hai năm sau, Ramsey viết thư cho một nhà sử học nghệ thuật nổi tiếng để đề nghị bán “hai bức Van Dyck nhỏ”.
Ông viết: “Tôi phải kiếm tiền bằng cách nào đó để mua rèm cửa mới cho ngôi nhà mà chúng tôi vừa chuyển đến!”
Đến năm 1954, bức tranh được đem đấu giá tại Christie’s, London. Hale nhận định khả năng cao là nó đã được một nhà sưu tập nổi tiếng mua lại rồi nhanh chóng bán cho một thương nhân nghệ thuật ở New York.
Malcove cuối cùng đã mua nó từ thương nhân này vào năm 1955 với giá 2.700 USD, sau đó bà cho Bảo tàng Fogg Art của Đại học Harvard mượn trưng bày.
Sự thật về vụ trộm có thể đã vĩnh viễn bị chôn vùi, nếu không có một sự kiện tình cờ.
Năm 1957, Mary Montagu Douglas Scott, nữ công tước Buccleuch và Queensberry, vô tình ghé thăm Bảo tàng Harvard. Bà lập tức nhận ra bức tranh bị đánh cắp.
Hale sau đó đã hé lộ cách Ramsey cố gắng che đậy nguồn gốc của bức tranh trong suốt cuộc đời ông ta.
Có lúc, Ramsey tuyên bố ông đã mua nó từ một khu chợ ở Hemel Hempstead.
Thậm chí, ông còn nỗ lực gieo rắc hoài nghi về tính xác thực của bức tranh, Hale lưu ý.
Cuối cùng, giáo sư Harvard điều tra tuyên bố của nữ công tước không thể chứng minh bức tranh ở bảo tàng là bức bị đánh cắp từ bộ sưu tập của bà. Năm 1960, quyết định được đưa ra: bức tranh sẽ được trả lại cho Malcove.
Chỉ sau khi quyết định này đã được thông qua, Ramsey mới thừa nhận ông có đến Boughton House vào năm 1951.
Tháng 1 năm 2024, bức tranh được trả lại cho Boughton House, khép lại một hành trình kéo dài 73 năm.
Biên dịch: Huyền Trịnh