-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Tin tức
Khoa học về màu sắc được giải thích bằng nghệ thuật ( Phần 1)
Từ buổi bình minh của lịch sử thị giác, khi con người bắt đầu khai thác sắc tố từ thiên nhiên để ghi dấu trên đá, màu sắc đã vượt khỏi chức năng trang trí đơn thuần để trở thành công cụ biểu đạt cảm xúc, tâm trạng và bản sắc cá nhân. Việc con người phản ứng một cách sâu sắc với màu sắc không phải là điều mới mẻ — suốt hàng thế kỷ qua, tác động tâm lý của màu sắc đã là đối tượng nghiên cứu nghiêm túc của cả nghệ thuật lẫn khoa học. Lý thuyết màu sắc, khái niệm chỉ tập hợp các quy tắc điều phối việc sử dụng màu trong nghệ thuật và thiết kế, lần đầu được ghi nhận trong tác phẩm của nhà nhân văn, họa sĩ và kiến trúc sư người Ý Leon Battista Alberti vào năm 1435. Gần một thế kỷ sau, Leonardo da Vinci phát triển một hệ thống phân cấp màu sắc mang tính triết lý và biểu tượng riêng. Tuy nhiên, phải đến đầu thế kỷ 18, khi nhà toán học Isaac Newton công bố bánh xe màu trong cuốn Opticks (1704), lý thuyết màu sắc mới chính thức có cơ sở khoa học, đặt nền móng cho cách hiểu hiện đại về mối liên hệ giữa ánh sáng, màu sắc và nhận thức con người.
Isaac Newton, Quang học.
Ngày nay, nghệ sĩ, nhà thiết kế và chuyên gia thương hiệu đều sử dụng màu sắc như một ngôn ngữ thị giác mang tính chiến lược, với mục đích kích hoạt những cảm xúc cụ thể từ người xem. Các thương hiệu như Whole Foods hay Starbucks lựa chọn sắc xanh lá cây để truyền tải hình ảnh tươi mới, tự nhiên và lành mạnh – phản ánh phong cách sống xanh đang lên ngôi. Trong khi đó, màu tím – sắc màu từng dành riêng cho hoàng tộc – vẫn được dùng để tạo cảm giác sang trọng trong thiết kế nội thất và thời trang cao cấp. Cũng giống như nhà khoa học sử dụng công thức, nghệ sĩ vận dụng màu sắc theo quy luật cảm xúc – nơi từng lựa chọn đều có thể thay đổi cách người xem cảm nhận một không gian, một hình ảnh hay một nhân vật.
Thông qua bảng màu được lựa chọn kỹ lưỡng, nghệ sĩ có thể dẫn dắt cảm xúc khán giả mà không cần bất kỳ ngôn từ nào. Mỗi gam màu, mỗi sắc độ, đều gợi lên một phản ứng tâm lý – đôi khi rất trực tiếp, đôi khi tinh tế và ám ảnh. Từ đó, lý thuyết màu sắc không chỉ tồn tại trên giấy hay trong bài giảng mà còn được viết tiếp bởi chính các tác phẩm hội họa, nơi nghệ sĩ phát triển hệ ngôn ngữ riêng để đánh thức cảm xúc sâu kín nơi người xem.
Tâm lý học màu sắc là gì?
Tâm lý học màu sắc nghiên cứu mối liên hệ giữa các sắc thái màu và hành vi của con người, đồng thời khám phá cách mà màu sắc tác động đến chúng ta trong mọi mặt của cuộc sống. Từ khả năng nhận thức đến thói quen mua sắm của người tiêu dùng, mỗi người có phản ứng cảm xúc khác nhau đối với màu sắc, tùy thuộc vào sắc độ, độ bão hòa và độ sáng của chúng.
Phản ứng của con người đối với màu sắc mang tính cá nhân sâu sắc, xuất phát từ những trải nghiệm riêng và các yếu tố văn hóa. Ví dụ, ở Hoa Kỳ, màu vàng thường gắn với mặt trời và vì vậy được xem là màu sắc vui tươi và tràn đầy năng lượng. Ngược lại, ở Pháp, màu vàng lại mang đến cảm giác ghen tuông và phản bội, và thậm chí còn được vẽ trên các ngôi nhà của tội phạm vào thế kỷ thứ 10.
Tác động tâm lý của màu lạnh
Màu xanh lam
Màu xanh lam mang những ý nghĩa đa dạng tùy vào từng nền văn hóa. Ở các quốc gia phương Tây, màu này thường được coi là êm dịu và thanh bình, vì nó liên quan đến các yếu tố thiên nhiên như bầu trời và nước. Màu xanh lam cũng được biết đến với khả năng giảm huyết áp và làm chậm nhịp thở, lý giải tại sao nó thường được sử dụng trong thiết kế nội thất cho những không gian mà khách hàng dành nhiều thời gian. Đồng thời, màu xanh lam mang đến cảm giác an toàn, tin cậy và uy quyền, lý do mà nhiều sở cảnh sát, ngân hàng và công ty thẻ tín dụng chọn màu này làm màu chủ đạo trong logo của mình.
Tranh sơn mài "Hoa sen (xanh)" - Họa sĩ Phan Cẩm Thượng
Tuy nhiên, ở nhiều nền văn hóa khác, ý nghĩa của màu xanh lam lại rất khác biệt. Trong văn hóa Ấn Độ, màu xanh lam tượng trưng cho sự bất tử và gắn liền với Krishna, vị thần Hindu đại diện cho tình yêu và sự thiêng liêng. Ở các quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp và Albania, người dân đeo bùa mắt quỷ màu xanh lam để bảo vệ bản thân khỏi nguy hiểm. Trong khi ở Ukraine, màu xanh lam được cho là mang lại sự chữa lành.
Pablo Picasso, 1902-03, La Soupe
Ngoài ra, màu xanh lam cũng có thể gợi lên cảm giác u buồn hay xa cách. Những từ ngữ như "blues", "blue funk", hay "blue Monday" đều ám chỉ sự u ám. Trong giai đoạn "thời kỳ xanh" (1901-1904) của Pablo Picasso, ông đã sử dụng các sắc thái xanh lam và xanh lục lam trong các tác phẩm của mình, phản ánh cảm giác cô đơn và u sầu. Màu xanh lam bụi bặm, tối tăm trong các tác phẩm của ông đã truyền tải nỗi đau và sự tan vỡ, và những chủ đề trong tranh của ông cũng thường gắn với những người bị xã hội bỏ rơi.
Màu xanh lá cây
Màu xanh lá cây luôn gắn liền với thiên nhiên, cỏ cây tươi tốt và mang đến cảm giác thư giãn, yên tĩnh. Nó thường được liên kết với sự may mắn, sức khỏe và thịnh vượng. Chính vì vậy, trong nhiều tình huống căng thẳng, người ta thường tìm đến "phòng xanh" để xoa dịu tâm trí. Người ta tin rằng màu xanh có khả năng làm giảm căng thẳng và mang đến sự thư giãn.
Claude Monet, Flowered Riverbank, Argenteuil, 1877
Tính tự nhiên và yên bình của màu xanh lá được thể hiện rõ trong các tác phẩm của Claude Monet, người rất đam mê làm vườn. Sắc xanh lá cây nổi bật trong bức tranh Cầu bắc qua ao hoa súng (1899), khi ông mô tả cây cầu gỗ vòm bắc qua ao nước, với không gian bao phủ bởi thảm thực vật xanh tươi. Monet từng chia sẻ rằng: "Màu sắc là nỗi ám ảnh, niềm vui và sự dày vò của tôi mỗi ngày".
Tranh sơn dầu "Chim thiên đường" - Hoạ sỹ Hoàng Huệ Phương
Tím
Tranh bột màu "Hoa chuối rừng" - Hoạ sỹ Phạm Hoàng Hà
Màu tím được xem là một nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho sự sáng tạo và trí tưởng tượng. Gắn liền với hoàng gia trong lịch sử, bởi chỉ những người giàu có mới có thể sở hữu những món đồ được nhuộm bằng sắc tố tím đắt tiền. Các sắc thái tím nhẹ mang đến cảm giác bình yên và tĩnh lặng, trong khi đó màu tím đậm lại gợi lên sự huyền bí và sắc thái tưởng tượng. Đặc biệt, "văn xuôi màu tím" mô tả những tác phẩm đầy sự tưởng tượng và dễ bị phóng đại.
Georgia O’Keeffe, Petunias, 1925.
Nghệ sĩ Georgia O'Keeffe là người nổi bật trong việc sử dụng màu tím trong các tác phẩm của mình. Bức tranh Purple Leaves (1922) và Petunia (1925) là những ví dụ tiêu biểu, thể hiện sự sống động của sắc tím tự nhiên. O'Keeffe từng chia sẻ về việc sử dụng màu sắc trong Petunias: "Tôi quyết định rằng nếu tôi có thể vẽ bông hoa này ở quy mô lớn, bạn sẽ không thể bỏ qua vẻ đẹp của nó."
Nguồn: In Good Taste
Biên dịch: Trang Lê