-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Tin tức
Hành trình khám phá nghệ thuật hình học: Từ cảm hứng thị giác đến giá trị sưu tầm ( Phần 1)
Bạn có quen thuộc với nghệ thuật hình học không? Cho dù bạn bị mê hoặc bởi những đường nét mạnh mẽ của Wassily Kandinsky hay bị thu hút bởi sự phối hợp hình khối và màu sắc trong các tác phẩm của Piet Mondrian, nghệ thuật hình học là nơi hội tụ đầy đủ những yếu tố cần thiết để tạo nên một tác phẩm vừa tối giản vừa cuốn hút, phù hợp với mọi không gian sống hay làm việc.
Chính vì thế, nghệ thuật hình học vẫn duy trì sức hút mạnh mẽ cho đến ngày nay, đặc biệt khi thị trường hiện đại cung cấp vô vàn lựa chọn giúp bạn dễ dàng khơi gợi niềm yêu thích đối với dòng nghệ thuật độc đáo này. Tại sao không bắt đầu hành trình khám phá nghệ thuật hình học cùng The Artling – nơi có thể trở thành người đồng hành lý tưởng trong bước đầu (hoặc bước tiếp theo) của bạn trên con đường sưu tầm?
Nghệ thuật hình học là gì?
Nghệ thuật hình học, hay còn gọi là nghệ thuật trừu tượng hình học, là phong cách sử dụng các hình dạng cơ bản như hình khối, đường thẳng, màu sắc nhằm tạo ra sự đối lập với nghệ thuật hiện thực – vốn tìm cách tái hiện tự nhiên một cách trung thành. Có thể thấy rõ điều này trong trường phái Lập thể của Pablo Picasso, nơi hình thể con người được trừu tượng hóa hoàn toàn. Việc sử dụng các dạng hình học trong nghệ thuật phản ánh quan điểm phá bỏ sự phụ thuộc vào hiện thực khách quan.
Các yếu tố thường thấy trong nghệ thuật hình học bao gồm các đường thẳng, đường cong, hình vuông, hình tròn, hình tam giác – được sắp đặt một cách trừu tượng để nhấn mạnh đặc tính hai chiều của chất liệu nghệ thuật. Là một nhánh của nghệ thuật trừu tượng, phong cách này không gắn với tính biểu tượng rõ ràng và có thể bắt gặp từ thời cổ đại qua các họa tiết trang trí trong nghệ thuật tôn giáo và thiết kế thủ công truyền thống.
Lịch sử của nghệ thuật hình học
Nghệ thuật hình học chính thức được định hình vào năm 1915 khi Kazimir Malevich – họa sĩ người Nga – khai sinh ra chủ nghĩa Tối cao. Đây là phong trào nghệ thuật trừu tượng tôn vinh sự thuần túy của cảm xúc và lý tưởng tâm linh. Chịu ảnh hưởng từ các dòng nghệ thuật như Ấn tượng, Tượng trưng và Biểu hiện, Malevich đã lược giản mọi yếu tố hình ảnh cho đến khi chỉ còn những hình khối cơ bản và vài sắc màu – mà theo ông, đó mới là cốt lõi của biểu đạt nghệ thuật.
Kazimir Malevich, "Chủ nghĩa siêu việt động", 1915 hoặc 1916.
Sự tiến triển của nghệ thuật trừu tượng trong thế kỷ 20 chứng kiến những cái tên như Paul Klee và Wassily Kandinsky tiếp tục mở rộng biên giới của nghệ thuật hình học. Nhờ có phong trào Bauhaus, cả hai nghệ sĩ này đã phát triển nguyên tắc sáng tác riêng, đối lập với logic của nghệ thuật hiện thực, tập trung vào sự chuyển động, nhịp điệu và cảm xúc nội tại – tương phản với tư duy tối giản và tĩnh tại của Malevich.
Wassily Kandinsky, "Untitled", 1916-1949.
Paul Klee, "Berglandschaft", 1918.
Tiếp nối sau đó là phong trào De Stijl (1917) do Piet Mondrian và Theo van Doesburg khởi xướng. Họ, giống như những người đi trước, tin vào việc quay về với những yếu tố cơ bản nhất. Tuy nhiên, họ mang lại một làn gió mới bằng cách sử dụng các màu cơ bản như đỏ, xanh dương và vàng kết hợp với những hình dạng và đường nét sắc sảo. Không chỉ dừng ở hội họa, họ còn mở rộng triết lý này sang các lĩnh vực như thiết kế nội thất, đồ họa và nghệ thuật sắp chữ, khẳng định rằng nghệ thuật hình học có thể lan tỏa trên mọi phương diện của đời sống.
Piet Mondrian, "Bố cục màu đỏ, xanh và vàng", 1937-1942.
Theo van Doesburg, "Xây dựng không gian-thời gian III", 1924.
Nhờ vậy, nghệ thuật hình học trở thành một bệ phóng để thử nghiệm và đổi mới. Ngày nay, dấu ấn của nó vẫn hiện diện rõ ràng trong thiết kế đương đại – nơi các đường nét, hình khối và màu sắc không chỉ mang tính thẩm mỹ mà còn trở thành tuyên ngôn thị giác.
Điều gì khiến nghệ thuật hình học trở nên độc đáo?
So với các phong cách nghệ thuật thiên về mô tả thực tại như tượng hình hay hiện thực, nghệ thuật hình học có thể bị xem là “thiếu chiều sâu” bởi tính tối giản trong yếu tố hình ảnh. Tuy nhiên, chính sự tối giản đó lại mở ra không gian để nghệ sĩ truyền đạt những ý tưởng mang tính khái quát và chiều sâu nội tâm. Thay vì miêu tả một cảnh vật cụ thể, nghệ sĩ sắp xếp các hình khối và màu sắc để thể hiện một ý niệm – khiến cho mỗi người xem có thể có một cách diễn giải riêng biệt.
Bạn có thể hiểu nghệ thuật hình học như một cánh cửa dẫn đến sự tĩnh tại và tập trung – khi màu sắc tinh khiết hoặc các họa tiết lặp lại tạo nên cảm giác thiền định, hoặc sự sắp đặt đầy dụng ý của các đường nét gợi lên cảm hứng sáng tạo cho những hoạt động hàng ngày. Chính ở đó, nghệ thuật hình học bộc lộ sức mạnh tinh tế nhưng đầy nội lực của mình.
Nghệ thuật hình học dễ dàng chinh phục cảm tình của người xem và là cách tuyệt vời để thu hút sự chú ý của cả gia đình. Chính vì thế, chúng trở thành lựa chọn hoàn hảo cho những không gian sinh hoạt chung – nơi bạn có thể thư giãn và quây quần bên những người thân yêu sau một ngày dài.
Biên dịch: Trang Lê