-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Tin tức
Julien Domercq – Người quản lý nghệ thuật của thế kỷ 21 (Phần 2)
Hậu Ấn Tượng
Vào tháng 11 năm 2020, anh rời Dallas trong hòa khí và tìm đến vùng nông thôn nước Pháp để tạm dừng và suy ngẫm. Giữa khủng hoảng toàn cầu, quyết định từ bỏ một công việc ổn định là đầy rủi ro – nhưng chẳng bao lâu sau, một cuộc gọi bất ngờ từ Christopher Riopelle tại Phòng trưng bày Quốc gia đã mở ra một chương mới: một lời mời làm đồng giám tuyển cho triển lãm After Impressionism: Inventing Modern Art – dự án lớn nhất mà Julien từng tham gia.
Triển lãm đầy tham vọng này truy vết những bước chuyển lớn của nghệ thuật châu Âu từ sau buổi hoàng hôn của trường phái Ấn tượng vào năm 1886 đến cận kề Thế chiến I. Ý tưởng do MaryAnne Stevens khởi xướng, với mục tiêu kể lại câu chuyện không chỉ qua các tên tuổi lớn như Van Gogh, Gauguin, Cézanne hay Matisse, mà còn bao gồm các nghệ sĩ tiên phong tại Barcelona, Brussels, Vienna và Berlin – những trung tâm đang trỗi dậy vào đầu thế kỷ 20.
Tuy nhiên, cuộc chiến tại Ukraine nổ ra vào đầu năm 2022 đã khiến kế hoạch mượn tác phẩm từ Bảo tàng Pushkin (Nga) đổ bể. Mọi thứ gần như trở lại vạch xuất phát. Trong vòng một năm, Julien và MaryAnne bắt đầu một cuộc chạy đua toàn cầu – gõ cửa từng bộ sưu tập tư nhân và viện bảo tàng để tập hợp 100 tác phẩm. “Đó là liều thuốc giải hoàn hảo sau Covid,” Julien chia sẻ. “Rất căng thẳng, nhưng cũng vô cùng xúc động khi thấy mọi người thực sự muốn giúp đỡ.”
Triển lãm ra mắt vào năm 2023 là một thành công vang dội – không chỉ vì quy mô, mà vì chiều sâu học thuật và tính độc đáo. Một phần ba tác phẩm đến từ các bộ sưu tập tư nhân, trong đó có bốn bức Van Gogh chưa từng được công chúng châu Âu chiêm ngưỡng trong hơn nửa thế kỷ. Julien mô tả trải nghiệm ấy như một minh chứng cho khả năng sáng tạo vượt giới hạn của bảo tàng hiện đại: “Khán giả không thấy được mọi nỗ lực phía sau, nhưng khi họ đứng lặng người trước một bức chân dung Lập thể của Picasso chưa từng rời Mỹ trong 50 năm, bạn biết rằng tất cả đều xứng đáng.”
Van Gogh
Sau thành công vang dội của After Impressionism, Julien Domercq nhanh chóng bắt tay vào dự án tiếp theo – một triển lãm lớn về Vincent van Gogh, được lên kế hoạch khai mạc vào tháng 9 năm 2024, nhân dịp kỷ niệm 200 năm thành lập Phòng trưng bày Quốc gia. Đây sẽ là một trong những sự kiện quan trọng nhất của bảo tàng trong thập kỷ.
“Chúng tôi có thể mượn một số lượng đáng kinh ngạc các tác phẩm tiêu biểu của Van Gogh,” Julien chia sẻ, “nhưng điều đặc biệt nhất là cách kể chuyện.” Triển lãm sẽ giới thiệu Van Gogh không chỉ như một họa sĩ hậu Ấn tượng, mà như một nghệ sĩ của trí tưởng tượng – một người đọc nhiều, suy tư sâu sắc và đầy tham vọng thẩm mỹ. “Ông ấy là nghệ sĩ được đọc nhiều nhất thế kỷ 19. Các bức thư của ông đầy những ám ảnh văn chương. Chúng tôi muốn khắc họa Van Gogh như một nghệ sĩ tri thức, với một thế giới nội tâm mạnh mẽ,” Julien nói. Nhiều tác phẩm chưa từng được trưng bày trước đây sẽ lần đầu tiên được giới thiệu trong triển lãm này – một minh chứng cho cách tiếp cận sáng tạo và học thuật sâu sắc mà Julien luôn theo đuổi.
Gate Cambridges
Nguồn gốc của tư duy ấy, anh cho biết, bắt đầu từ Cambridge. Là một cựu sinh viên Gates Cambridge, Julien không ngần ngại nhấn mạnh vai trò định hình của môi trường học thuật này: “Cambridge và Gates Cambridge đã rèn cho tôi thói quen suy nghĩ đa ngành và vượt khỏi khuôn khổ lịch sử nghệ thuật thuần túy – điều mà các bảo tàng đôi khi còn thiếu.”
Thêm vào đó, lý tưởng phục vụ cộng đồng của Gates Cambridge cũng để lại ảnh hưởng sâu sắc. “Tôi được bao quanh bởi những người đang thay đổi thế giới. Điều đó khiến tôi tự hỏi: mình có thể làm gì thông qua nghệ thuật? Làm sao để triển lãm không chỉ là trưng bày, mà là mở ra những cách nhìn mới, trao quyền cho người xem, và – nếu may mắn – giúp họ nhìn thấy chính mình trong tác phẩm?”
Hiện tại, Julien đang bước vào một chương mới tại Học viện Nghệ thuật Hoàng gia (Royal Academy), nơi anh giữ vai trò giám tuyển các triển lãm liên quan đến nghệ thuật châu Âu cổ điển, thế kỷ 18 và 19. Tại đây, anh lần đầu tiên có cơ hội xây dựng các chương trình triển lãm dài hạn, mang dấu ấn cá nhân và chiều sâu học thuật rõ rệt.
“RA không chỉ là một không gian triển lãm,” Julien chia sẻ, “nó còn là một trường nghệ thuật. Nghệ thuật được tạo ra ngay trong toà nhà. Điều đó làm mọi thứ rung động thêm một chút. Có cảm giác như các tác phẩm được ‘sống’ trong một môi trường đúng nghĩa.”
Biên dịch: Phương Anh
Nguồn: Gate Cambridges