-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Tin tức
Họa sĩ kiện nhà phê bình có tên tuổi và giành chiến thắng
Hoạ sĩ James Whistler không thích nhận xét của nhà phê bình John Ruskin về bức tranh của mình nên hoạ sĩ đã kiện nhà phê bình nghệ thuật này ra tòa.
Vào mùa hè năm 1877, nhà phê bình nghệ thuật người Anh John Ruskin đã tham dự cuộc triển lãm khai mạc Phòng trưng bày Grosvenor ở London. Trong số các bức tranh được giới thiệu tại triển lãm, một loạt các tác phẩm nghệ thuật hiện đại đã bị Viện Nghệ thuật Học viện Hoàng gia theo định hướng truyền thống từ chối, có một bức tranh của họa sĩ người Mỹ James Abbott McNeill Whistler có tựa đề “Nocturne in Black and Gold, the Falling Rocket” (Dạ khúc vàng đen, tên lửa đang rơi”. Đây là một bức tranh theo phong cách trừu tượng vẽ về một khu công nghiệp với pháo hoa rực rỡ trên bầu trời, lấy cảm hứng từ các bản in khắc gỗ của Nhật Bản. Bức tranh này đã gợi ra phản ứng mạnh mẽ từ Ruskin, nhưng không phải theo chiều hướng tích cực.
James Whistler là hoạ sĩ đã vẽ bức tranh “Nocturne in Black and Gold, the Falling Rocket” (1877). Photo: Dia.org
“Trước đây tôi đã từng thấy được và nghe thấy được một phần nào đó về sự ngạo mạn của Cockney,” Ruskin viết trong một bài phê bình gay gắt đăng trên Fors Clavigera, tạp chí định kỳ hàng tháng của chính ông nhắm vào độc giả thuộc tầng lớp lao động, “nhưng chưa bao giờ mong đợi được nghe một yêu cầu hai trăm người ném sơn vào mặt công chúng.” Những lời này đánh dấu sự khởi đầu của một chương đáng chú ý của lịch sử nghệ thuật, vì hoạ sĩ Whistler không chỉ kiện Ruskin về tội phỉ báng mà cuối cùng hoạ sĩ còn thắng kiện.
Phiên tòa vốn bị trì hoãn một năm vì sức khỏe của Ruskin giảm sút đã nhận được sự chú ý rộng rãi của các phương tiện truyền thông. Trong khi bên công tố lập luận rằng những bình luận của Ruskin đã làm tổn hại đến danh tiếng và triển vọng thương mại của Whistler, thì bên bào chữa đã thuê nghệ sĩ đồng nghiệp Edward Burne-Jones - người có tác phẩm mà Ruskin đã đánh giá tích cực - để thuyết phục bồi thẩm đoàn rằng Nocturne là một tác phẩm nghệ thuật thiếu sót đáng bị Ruskin chỉ trích.
Burne-Jones gọi bức tranh là một “bức phác họa đẹp”, nhưng nói rằng “chỉ điều đó thôi thì chưa đủ để tạo nên một tác phẩm nghệ thuật hay. Bức tranh ấy thiếu hình thức cũng như màu sắc cần thiết.”
Mặc dù tòa án ra phán quyết có lợi cho Whistler nhưng vụ việc đã gây hại cho hoạ sĩ nhiều hơn là đem lại những điều có lợi. Mặc dù yêu cầu bồi thường thiệt hại lên tới 1.000 bảng Anh - số tiền mà Linda Merrill, tác giả cuốn “A Pot of Paint: Aesthetics on Trial in Whistler” kiện Ruskin, suy đoán sẽ được dùng để trả các khoản nợ tích lũy do lối sống xa hoa của hoạ sĩ - thì thực tế hoạ sĩ Whistler chỉ nhận được chút ít tiền bồi thường mọn, buộc Whistler phải bán bớt bất động sản ở London và bắt đầu cuộc sống mới ở Venice và kiếm tiền hoa hồng.
Một bức chân dung tự họa của Ruskin, một nghệ sĩ đồng thời là một nhà phê bình nghệ thuật. Ảnh: Robert Hewison
Ruskin cũng phải chịu đựng nhiều điều bất lợi. Phiên tòa đã kết thúc sự nghiệp của Ruskin với tư cách là một trong những nhà phê bình hàng đầu đất nước và khiến cho trạng thái tinh thần của ông sa sút thêm. Tình trạng này kéo dài cho đến khi ông qua đời vào năm 1900. Sau khi trải qua một đợt suy nhược thần kinh khác, ông từ chức giáo sư mỹ thuật tại Đại học Oxford với tuyên bố rằng “Tôi không thể giữ một vị trí mà ở đó tôi không còn có quyền phán xét.”
Nguồn: https://news.artnet.com/art-world/whistler-critic-case-2446952
Biên dịch: Huyền Trịnh