-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Tin tức
Hành trình nửa thế kỷ của nguời giữ hồn phỗng đất ở vùng Kinh Bắc
Nghề cha truyền không chỉ là miếng cơm manh áo, mà là máu thịt, là tâm can
( Vợ chồng nghệ nhân Phùng Đình Giáp.)
Làng Đông Khê rộng lớn, lối xóm quanh co như mê cung cổ tích, khiến chúng tôi thoáng ngập ngừng khi tìm về mái nhà xưa nơi nghệ nhân Phùng Đình Giáp sống và nắn hình tuổi thơ bằng đất. Nhưng thật bất ngờ, chỉ cần nhắc tên ông – “nghệ nhân phỗng đất cuối cùng” – người dân nơi đây liền vui vẻ dẫn lối, như thể họ cũng đang gìn giữ một phần ký ức của làng quê này.
Đón khách trong căn nhà đượm màu thời gian, ông Giáp kể như rút ruột rút gan: “Ngày trước, cứ mỗi dịp Trung Thu, cả làng Đông Khê – không riêng gì nhà tôi – lại náo nức nặn phỗng đất. Mẹt tre đựng đầy những ông phỗng nhỏ xinh, rực rỡ sắc màu bày bán ở khắp các chợ quê như chợ Dâu, chợ Keo, chợ Hồ… Phỗng đất là món quà trung thu không thể thiếu của con trẻ. Nhưng rồi thời thế đổi thay, tập tục xưa mai một, người ta không còn mặn mà với phỗng nữa. Cả làng giờ chỉ còn mình tôi bền bỉ giữ nghề này.”
( Một bộ phỗng đất đầy đủ )
Khi được hỏi điều gì khiến ông gắn bó mãi với phỗng đất dù chẳng “nuôi sống” được mình, ông Giáp mỉm cười, đôi mắt ánh lên niềm xúc động: “Từ năm lên tám, tôi đã theo cha, theo ông học nặn. Nó không chỉ là nghề, mà là tuổi thơ, là hồn cốt tôi. Tôi không nỡ để mất đi bộ phỗng đất – nơi ông cha gửi gắm bao điều tử tế, những đạo lý và giá trị truyền thống cho hậu thế.”
Ông nâng niu giải thích từng chi tiết: một bộ phỗng thường gồm năm hình tượng. Em bé ôm hoa – hình ảnh của lớp măng non; ông già – biểu tượng của thế hệ đi trước. Ở trung tâm là ông sư – hiện thân của đạo đức, lương tâm. Rồi chim bồ câu – biểu trưng cho khát vọng hòa bình; rùa thiêng – gắn liền với tín ngưỡng và biển cả Việt Nam. Trong đó, vị trí ông sư mang ý nghĩa đặc biệt: ông đứng giữa, kết nối quá khứ và tương lai, nhắc nhở về đạo lý “tre già măng mọc”.
“Ngày xưa, cứ thấy mẹ đi chợ là trẻ con đòi cho bằng được bộ phỗng. Mấy anh chị lớn thì háo hức chọn mua đem về cho các em. Rồi lại dạy nhau hiểu ý nghĩa từng hình tượng trong bộ phỗng. Cứ thế, một món đồ chơi truyền thống trở thành chiếc cầu nối các thế hệ”, ông Giáp kể, ánh mắt rưng rưng.
Khơi dậy hơi thở cổ truyền qua từng nắm đất
Không dễ để làm ra một bộ phỗng hoàn chỉnh. Từng công đoạn – từ tìm đất, làm nguyên liệu, nhào nặn đến tô màu – đều đòi hỏi sự kỳ công, khéo léo và đôi bàn tay đẫm tình quê. Đặc biệt, đất làm phỗng – gọi là “đất thó” – ngày nay lại càng khó kiếm.
“Loại đất này dính tốt, mịn màng, không loại nào thay thế được. Phải đào sâu khoảng 2,5 – 3 mét mới lấy được lớp đất sạch, mịn từ 20 – 30cm. Sau đó, đem phơi khô, giã nhỏ, sàng lọc thật kỹ đến khi đạt được độ nhuyễn và mát tay, màu xám nhạt là đạt chuẩn”, ông Giáp tiết lộ.
Thấy đâu có người đào giếng, đào ao là ông lại tất tả đến xin nhờ vài gánh đất. Nếu không, ông lại cử con cháu ra đồng, vào ao sen lúc cạn nước để xúc từng nắm đất đem về. Cẩn thận, nhẫn nại như thể gom từng mảnh ký ức đất trời để lưu giữ nghề.
Bên cạnh đất, một nguyên liệu không kém phần quan trọng là giấy. Bà Điều – vợ ông – ngồi cạnh tiếp lời: “Ngày trước, nhà tôi dùng giấy bản, giấy dó của làng Đống Cao, giờ hiếm nên chuyển sang giấy báo. Giấy được ngâm nước khoảng hơn một tuần đến khi nhão, sau đó trộn cùng đất thó. Vừa dùng tay nhào, vừa chày đập cho tới khi thành hỗn hợp dẻo, mịn, không dính tay là đạt.”
Phần chuẩn bị nguyên liệu thường do bà Điều đảm nhận, còn khâu nặn hình – quan trọng nhất – thì ông Giáp đảm đương. Không cần quá hoa mỹ hay cầu kỳ, chỉ cần giữ được cái “chất dân gian” là được. Dưới tay ông, từng hình hài dần hiện ra – mềm mại, không góc cạnh, mang nét mộc mạc, hồn hậu.
Phỗng sau khi nặn được phơi khô kỹ, tránh nước tuyệt đối. Sau đó, ông phủ một lớp hồ điệp trắng – trộn cùng hồ nếp và nước theo tỷ lệ bí truyền – rồi lọc kỹ qua khăn cho thật mịn. Bước cuối là tô màu: đỏ, vàng, xanh, đen – những tông màu truyền thống, vừa gần gũi vừa sống động.
Đặc biệt, phỗng đất không hề được nung. “Chỉ cần phơi nắng là cứng cáp. Nếu không ngâm nước thì bền lắm. Cái quý giá của bộ phỗng không chỉ ở tạo hình mà còn ở cái hồn đất quê mình, đất từ ruộng đồng Kinh Bắc, tô vẽ bằng điệp – loại chất liệu làm nên tranh Đông Hồ trứ danh. Cái bản sắc ấy không nơi nào có được”, ông Giáp nói.
Ký ức sống dậy từ bàn tay và trái tim người thợ
Dù thời hiện đại với vô vàn đồ chơi bắt mắt, phỗng đất vẫn sống nhờ vào tình yêu nghề không đổi của ông Giáp. Có thời điểm, ông mang cả gánh phỗng ra chợ quê nhưng chẳng đứa trẻ nào đoái hoài. Nhưng ông không nản, vẫn cần mẫn nặn từng con phỗng mỗi dịp Trung Thu để tặng con cháu trong họ.
( Ngoài bộ phỗng đất xuất hiện trong mỗi dịp Trung Thu, ông Giáp còn dùng bàn tay tài hoa nặn ra bộ 12 con giáp.)
Hai con trai ông – dù từng được cha dạy nghề từ nhỏ – nhưng rồi vì cuộc sống mưu sinh nên chẳng đứa nào theo nghề. “Tôi gìn giữ hết sức mình. Còn các con, có tiếp nối hay không là tùy chúng. Chỉ mong chúng hiểu được ý nghĩa của bộ phỗng – không chỉ là trò chơi, mà là một di sản văn hóa”, ông tâm sự.
Những năm gần đây, món đồ chơi dân gian này dần được “hồi sinh”. Người ta tìm về nhà ông Giáp để đặt hàng, đưa con cháu đến xem nặn phỗng. Có người xúc động làm cả bài thơ tặng ông:
“Chỉ từ đất sét làm nên
Nào là phỗng đất lại thêm chim, rùa
Thời gian dầu dãi nắng mưa
Giữ gìn nghề tổ sớm trưa miệt mài.”
Nguồn : Người Đưa Tin
Biên soạn : Bảo Long