-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Tin tức
Đuổi Theo Ánh Sáng: Mùa Hè Trong Mắt Nghệ Sĩ và Nhà Sưu Tập
Ánh sáng mùa hè: Chất xúc tác cho cảm hứng và khám phá
Khi mùa hè trải dài, ánh sáng vàng óng và hơi ấm thấm qua mọi ngóc ngách của cảnh quan, thắp lên những nguồn cảm hứng mới trong xưởng vẽ của nghệ sĩ. Ánh sáng ấy không chỉ chi phối bảng màu và kỹ thuật, mà còn mở ra những chủ đề mới – tràn đầy sức sống, tự nhiên và thậm chí đôi lúc hoang dại. Các nhà sưu tập, từ những người lang thang giữa các hội chợ nghệ thuật đến người mê khám phá các tác phẩm online, cũng cảm nhận được năng lượng mùa vụ ấy. Họ bị cuốn hút bởi các bức tranh bừng nắng, rực rỡ màu sắc và gợi lên niềm vui sống giữa những tháng hè.
Giữa lúc ánh mặt trời kéo dài thời khắc ban ngày, bài viết này mời bạn ngồi lại, thảnh thơi tận hưởng tinh thần mùa hè, đồng thời khám phá những chuyển động nghệ thuật từ xưởng vẽ đến sàn đấu giá – nơi ánh sáng trở thành nhân vật chính. Từ những bức tranh plein air rực lửa, đến nhịp sống sưu tập trong những tháng nóng bỏng nhất trong năm, mùa hè hé mở một thế giới thị giác không thể cưỡng lại.
Nghệ sĩ và bảng màu mùa hè
Một trong những phép màu của mùa hè là khả năng biến đổi cảnh vật thành một vũ trụ sắc màu – nơi mỗi chiếc lá, mỗi bóng nắng đều trở thành yếu tố thị giác sinh động. Các nghệ sĩ, đặc biệt từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20, đã nắm bắt hiện tượng ấy bằng những bảng màu mang tính điện hóa – một cuộc trình diễn ánh sáng và cảm xúc.
Pierre Bonnard – Sân thượng hay Sân thượng ở Grasse
Pierre Bonnard là gương mặt tiêu biểu cho cách màu sắc có thể trở thành ngôn ngữ riêng để miêu tả mùa hè. Thành viên của nhóm Les Nabis, Bonnard không bị ràng buộc bởi tính mô tả thực tế mà chọn cách khai thác cảm xúc thông qua màu sắc. Trong La Terasse, ou Une Terrasse en Grasse (1912), ông dùng tím để miêu tả bóng râm, đối lập với các mảng xanh sáng như phát sáng từ bên trong. Không cần tới chi tiết, chỉ cần màu sắc cũng đủ để truyền tải cảm giác về một buổi chiều hè đắm ánh nắng.
Georges Braque, người thường được gắn liền với Chủ nghĩa Lập thể, cũng có những giai đoạn chịu ảnh hưởng của bảng màu Dã thú (Fauvism). Trong L’Estaque (1908), ông sử dụng những tông màu mạnh – từ đỏ sẫm đến xanh dương thẫm – để tạo nên một phong cảnh trừu tượng nhưng vẫn tràn đầy cảm giác về ánh sáng và hơi nóng của một chiều hè nơi bờ biển Địa Trung Hải. Dưới tay ông, cảnh vật như được lọc qua lớp thị giác say mê ánh nắng.
Những nghệ sĩ nắm bắt tinh thần mùa hè
Không chỉ dừng ở màu sắc, nhiều nghệ sĩ còn đi sâu hơn vào việc khắc họa cảm xúc và khoảnh khắc đặc trưng của mùa hè – từ những hoạt động bình dị đến nỗi nhớ lấp lánh.
Fairfield Porter – Cô gái giữa phong cảnh.
Fairfield Porter, họa sĩ hiện thực thế kỷ 20 của Mỹ, nổi bật với khả năng ghi lại những nghi lễ đời thường của mùa hè Bờ Đông: đọc sách trên hiên nhà, tản bộ trong vườn, những bữa trưa đầy nắng. Girl in a Landscape (1965) là ví dụ điển hình, với các mặt phẳng màu đầy cử chỉ miêu tả ánh sáng ban trưa như đang đập vào mắt. Porter kết hợp trực giác màu sắc với sự yên tĩnh của bố cục, tạo nên cảm giác vừa thoáng qua vừa vĩnh cửu.
Mùa hè ra khỏi khung cửa: Vẽ giữa nắng trời
Mùa hè đến, ánh sáng ngập tràn thúc đẩy cả nghệ sĩ lẫn người thưởng ngoạn rời bỏ không gian trong nhà để hoà mình vào thế giới ngoài trời. Các họa sĩ, đặc biệt là những người theo đuổi hội họa plein air, càng thấy rõ sức hút của việc sáng tác trực tiếp trong thiên nhiên. “Plein air” – nghĩa là “ngoài trời” trong tiếng Pháp – đã trở thành thực hành nghệ thuật được yêu chuộng vào những tháng dài ngày, nơi ánh sáng di chuyển như một nhạc trưởng không ngơi nghỉ trên bề mặt cảnh vật.
Peter Doig – Bên dòng sông.
Phong cách này lần đầu được phổ biến bởi các họa sĩ Barbizon như Jean-Baptiste-Camille Corot, người rời Paris để vào rừng Barbizon tìm kiếm khoảnh khắc ánh sáng len lỏi qua tán cây. Đến cuối thế kỷ 19, những tên tuổi lớn như Claude Monet và Pierre-Auguste Renoir đã nâng plein air thành một tuyên ngôn: vẽ nhanh, sống thật, và ghi lại cái thoáng qua. Ánh sáng không chờ đợi, và bàn tay nghệ sĩ cũng không thể do dự.
Ngày nay, plein air vẫn là một truyền thống sống động. Hàng loạt lễ hội vẽ tranh ngoài trời được tổ chức khắp nơi vào mùa hè, nơi các nghệ sĩ – từ nghiệp dư đến lão luyện – tìm cách “bắt giữ” ánh sáng. Nhưng sự quyến rũ ấy đi kèm thách thức: nghệ sĩ phải hành động như người du mục thị giác, bám sát mặt trời bằng từng nét cọ nhanh và quyết đoán. Những tác phẩm plein air trung thực với thời khắc đến mức dường như bạn vẫn có thể ngửi thấy mùi cỏ, nghe thấy tiếng ve, và cảm nhận vệt nắng đang khô trên bức tranh.
Mùa hè trong chất liệu: Tái thiết ngôn ngữ tạo hình
Không phải mọi nghệ sĩ đều rời khỏi studio, nhưng mùa hè vẫn len lỏi vào tranh qua cách họ thay đổi chất liệu và bề mặt làm việc để tương thích với không khí sôi động của mùa. Sự thay đổi ấy không chỉ là một lựa chọn kỹ thuật – nó còn là một phản ứng thẩm mỹ đối với ánh sáng và tính tức thời.
Kate Gottgens – Người tắm.
Màu nước và phấn màu trở thành lựa chọn lý tưởng vì tính linh hoạt và khả năng biểu đạt nhẹ nhàng. Màu nước, với đặc tính trong suốt và lan toả, giúp tái hiện những mặt nước rung rinh, những tán lá phản chiếu nắng trời. Phấn màu, với kết cấu bột và khả năng chồng lớp nhẹ, lại phù hợp để vẽ nên làn sương mờ buổi sớm hay những dải hoàng hôn tím cam như tan chảy.
Trong khi đó, vải bố vải lanh được ưa chuộng hơn vải bố truyền thống. Nhẹ hơn, phản quang hơn, vải lanh giúp các lớp màu mỏng tỏa sáng và giữ được vẻ tươi mới tự nhiên. Khi nghệ sĩ từ bỏ lớp lót nặng nề và mở lòng với sự ngẫu hứng, thì vải lanh trở thành người bạn đồng hành tuyệt vời – như bề mặt vẫn còn thở dưới từng nhát cọ.
Ánh sáng qua con mắt nhà sưu tập
Không chỉ nghệ sĩ thay đổi theo mùa, các nhà sưu tập cũng dịch chuyển cảm quan của mình theo đường đi của mặt trời. Mùa hè là thời điểm bùng nổ của các hội chợ nghệ thuật, các buổi “xưởng mở”, nơi những tác phẩm mới ngập tràn màu sắc được giới thiệu trong ánh sáng tự nhiên – không đèn chiếu, không tường trắng vô cảm, chỉ có nghệ thuật và trời xanh.
Đối với người sở hữu nghệ thuật, mùa hè còn là lúc tái sắp xếp. Những bức tranh trầm màu có thể được cất đi, nhường chỗ cho cảnh biển xanh biếc, ánh hoàng hôn cam hồng, hay bãi cỏ nhấp nhô. Việc “xoay vòng” tác phẩm không chỉ làm mới không gian sống, mà còn mang lại cảm giác hồi sinh cho thị giác – như thể mùa hè cũng thấm vào tường, vào ánh nhìn, vào hơi thở.
Và mùa hè cũng là thời điểm lý tưởng để kiểm tra, bảo dưỡng và phục hồi tranh – khi độ ẩm và ánh sáng trở thành yếu tố cần được kiểm soát cẩn trọng. Như cây cối được cắt tỉa mùa hè để bung nở mùa thu, tranh cũng cần được chăm sóc để tiếp tục toả sáng qua thời gian.
Nguồn: In Good Taste
Biên dịch: Trang Lê
(Xem phần 2)
Nguồn: In Good Taste
Biên dịch: Trang Lê