Tin tức

DẤU ẤN KINH BẮC QUA MỘT CUỐN SÁCH

Hoạ sĩ Phan Cẩm Thượng là tác giả nhiều cuốn sách nổi tiếng, như Đồ hoạ cổ Việt Nam, Chùa Dâu và nghệ thuật Tứ Pháp, Chùa Bút Tháp, Nghệ thuật ngày thường và mới đây nhất là cuốn Văn minh vật chất của người Việt (Nhà xuất bản Tri thức tháng 6-2011). Thành công của ông mang đậm dấu ấn Kinh Bắc. 

Hoạ sĩ Phan Cẩm Thượng sinh năm 1956 ở Hà Nội, quê gốc Hải Phòng và quê ngoại Bắc Ninh. Hồi nhỏ ông sống nhiều thời gian ở quê ngoại, chịu ảnh hưởng nhiều của người ông ngoại với vốn Hán học và văn hoá cổ. Sau này ông đã để tâm huyết tìm hiểu nghệ thuật cổ Việt Nam và tiếp đó là văn hoá, văn minh người Việt. Xác định Kinh Bắc là trung tâm văn minh người Việt nên ông đã xắn quần lội bộ tới hầu hết từng làng quê Bắc Ninh để tìm hiểu và thu thập kiến thức. Ngay điều này thôi thì đã đáng khâm phục rồi, vì thực tế ít có người Bắc Ninh nào làm được việc đó.

Một điều đáng khâm phục nữa là do phải va chạm với chữ Hán trong quá trình tác nghiệp, Hoạ sĩ Phan Cẩm Thượng đã để tâm học thêm chữ Hán và học bằng cách đọc bộ truyện Tam quốc bằng nguyên bản. Đây là bộ sách ông hâm mộ từ nhỏ, đọc bản tiếng Việt đến nhớ nằm lòng nên rất tiện trong việc đọc nguyên bản. Để nghiên cứu và viết sách kĩ hơn, hoạ sĩ Phan Cẩm Thượng đã tự nguyện từ bỏ công việc giảng dạy, làm báo để về ở hẳn chùa Bút Tháp trong thời gian nhiều năm liền.

Sau khi in xong cuốn Chùa Bút Tháp (giải thưởng Hội Mĩ thuật Việt Nam) ông liền viết cuốn Nghệ thuật ngày thường dày hơn 800 trang. Cuốn sách này ông bàn luận được nhiều vấn đề. Nhưng vấn đề văn minh người Việt vẫn chưa nói hết được nên ông viết tiếp cuốn Văn minh vật chất của người Việt, dày hơn 600 trang khổ rộng. Viết lời giới thiệu sách này hoạ sĩ Nguyễn Quân đã gọi đây là “cuốn sách lạ” vì khó xếp vào thể loại nào. Sách lạ nhưng là sách hay vì phương pháp khảo cứu và phong cách viết đặc sắc.Phan Cẩm Thượng đã chọn một cách tiếp cận rất riêng, rất độc đáo của mình là không viết lịch sử chiến tranh, lịch sử các triều đại mà là viết lịch sử xây dựng, sáng tạo nghệ thuật tức là viết cái nhân loại sáng tạo ra để tồn tại.

Như trong lời cuối sách ông viết: “Cuốn sách này không có tham vọng là lịch sử của đời sống vật chất Việt Nam mà chỉ là một câu chuyện về đời sống ấy, tôi biết gì thì kể lại, một quá khứ không ít trong tôi, phần nào học được nghe được, nhìn thấy, còn lại chủ yếu do tổ tiên tin cậy mà truyền lại không qua một lối học tập nào. Họ dạy tôi cách đọc một đồ vật mà nhìn ra cuộc sống của người đang sử dụng nó”.

Cuốn sách hay không chỉ ở phương pháp nghiên cứu, phong cách viết mà còn ở sức nặng vấn đề tác giả đặt ra và kiến giải. Như nhận xét cuộc sống của người Việt, văn minh vật chất của người Việt đều gắn liền với đất, với cây mọc từ đất bởi “Họ không có một kĩ năng nào ngoài canh tác lúa trên ruộng, không có đất tức là chết. Họ không chạy theo vua khi thua trận, mà giữ đất trong tất cả các trường hợp chiến tranh”. Từ nhận xét này mà tác giả cảnh báo tốc độ phát triển nóng hiện nay: “Và các bạn có thấy rằng văn minh vật chất của bốn nghìn năm tiền công nghiệp đã tan biến chỉ trong bốn mươi năm manh nha phát triển công nghiệp. Một sự đánh đổi đơn giản, cái giá rất hời, nhưng những giá trị tinh thần cũ tan biến như thế nào ta chưa ý thức được”. Rồi tác giả tự đặt câu hỏi và tự trả lời: “Tôi tự hỏi vì sao người ta ra đến nông nỗi này, vì sao vật chất mà ta sử dụng không còn có ý nghĩa văn minh nữa mà chỉ là một đồ vật hữu dụng thuần tuý. Xưa kia người theo học thuyết Lão Trang thì cho rằng cơ giới sẽ sinh ra cơ tâm, càng nhiều phương tiện thì con người càng xa với cái bản thể của mình”. Cách kiến giải thì lấy ngay lời của người xưa, rất thâm thuý, lời của hiền giả Lê Quý Đôn viết trong sách Kiến văn tiểu lục: “Lưu cái khôn khéo thừa không dùng hết để trả cho tạo hoá, lưu bổng lộc thừa không dùng hết để trả cho triều đình, lưu tài hoá còn thừa không dùng hết để trả cho bách tính, lưu phúc trạch còn thừa không dùng hết để trả cho con cháu”.

Dấu ấn Kinh Bắc thể hiện trên từng trang viết của hoạ sĩ Phan Cẩm Thượng và ngay cả các dẫn chứng cũng được lấy ngay từ Bắc Ninh, Kinh Bắc vào trong từng vấn đề. Các đường thời cổ đều hướng về trung tâm Luy Lâu, mộ Hán ở Luy Lâu, đường làng lát gạch ở Từ Sơn, cầu đá ở thành Luy Lâu, thuyền nan vùng Gia Lương, ca dao vùng Thuận Thành nói về nết ăn ở, cỗ bàn ở Đình Bảng, khảo sát mùa vụ ở Siêu Loại cổ, kiến trúc chùa Bút Tháp, chùa Dâu, chùa Phật Tích, mộc bản in chùa Dâu, kinh đồng chùa Bút Tháp...

Rõ ràng qua những thành công của cá nhân hoạ sĩ Phan Cẩm Thượng mà địa danh Bắc Ninh Kinh Bắc càng được quảng bá rộng rãi hơn, có sức lan toả văn hoá hơn, sâu lắng hơn.

Phạm Thuận Thành

Nguồn: Báo Bắc Ninh

https://sachhay.org/diem-sach/ChiTiet/1960/dau-an-kinh-bac-qua-mot-cuon-sach

Viết bình luận của bạn:

Tranh vẽ theo yêu cầu. Chúng tôi nhận đặt vẽ tranh theo yêu cầu với thể loại và chất liệu đa dạng. Hãy để những bức tranh nói lên phong cách của bạn.

Tải ứng dụng ngay

Google Play App Store
popup

Số lượng:

Tổng tiền:

icon icon icon