Tin tức

Câu chuyện về Bảo vật quốc gia – Bức tranh về thiếu nữ Hà Nội của Tô Ngọc Vân (P1)

Bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam hiện đang lưu giữ đến 59 bức tranh nổi tiếng của họa sĩ Tô Ngọc Vân. Nằm trong đó, bức tranh “Hai thiếu nữ và em bé” luôn khiến nhiều người xem phải dừng lại rất lâu để ngắm nhìn tại phòng tranh số 9 nằm trên tầng hai của viện bảo tàng. Được công nhận là bảo vật quốc gia vào năm 2013, bức tranh là một trong những tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu cho giai đoạn đầu sự nghiệp của họa sĩ.

Bức tranh “Hai thiếu nữ và em bé” của họa sĩ Tô Ngọc Vân hiện đang nằm trong bộ sưu tập bảo vật quốc gia tại Bảo Tàng Mỹ Thuật Việt Nam

Ra đời năm 1944, “Hai thiếu nữ và em bé” khắc họa một góc cuộc sống tại phố thị Hà Nội vào những năm 1940. Bên hiên nhà, nơi mành tre được cuộn cao và bụi hồng liên miên nở đầy hoa màu hồng nhạt trong vườn, hai cô gái trẻ ngồi cạnh một cậu bé và tâm sự cùng nhau.

Trên tác phẩm này, họa sĩ đã sử dụng các mảng màu liền mạch với sự hài hòa tuyệt đối về các sắc thái màu sắc từ màu vàng đất nổi bật pha chút cam ấm áp, kết hợp tinh tế với màu trắng, hồng nhạt, hồng cánh sen, xanh lá. Bức tranh là sự hòa quyện đầy cảm xúc giữa tinh thần phương Đông và phong cách nghệ thuật phương Tây thời bấy giờ.

Ba nhân vật được đặt trong bố cục theo chiều dọc hình tam giác - một cách sắp xếp cổ điển của hội họa phương Tây. Một cô gái trong tà áo dài vàng ấm áp ngồi trên chiếc chõng tre, tay cầm bông hoa màu hồng, tóc búi sau gáy gọn gàng. Nhân vật còn lại, mặc áo dài trắng, ngồi trên sàn với tấm lưng cong duyên dáng và chiếc kẹp màu hồng nổi bật trên mái tóc đen. Ở góc dưới cùng bên phải, một cậu bé mặc áo đỏ đang ngồi chơi.

Chân dung họa sĩ Tô Ngọc Vân

Theo tiết lộ của ông Tô Ngọc Thành, con trai họa sĩ nổi tiếng Tô Ngọc Vân, cô gái mặc áo vàng là cô giáo Mai - bạn của vợ ông Vân, cô gái áo trắng là cháu Thắng – cháu của họa sĩ và cậu bé đang ngồi chơi trên sàn nhà chính là Thành lúc đó mới 4 tuổi. Tác phẩm được sáng tác khi họa sĩ sinh sống trong một ngôi nhà trên phố Khâm Thiên, Hà Nội.

Cũng theo chia sẻ của ông Thành, ban đầu bức tranh được đặt tên là “Thiếu nữ và hoa phù dung” với ngụ ý so sánh cuộc đời người phụ nữ với đóa hoa phù dung sớm nở chóng tàn của họa sĩ. Hai nhân vật trong tranh thực chất là đang ngồi ngẫm nghĩ về số phận của mình. Thời bấy giờ, họ thuộc tầng lớp tiểu tư sản: không giàu cũng không nghèo và gặp nhiều gian khổ.

Tác phẩm khi đó thuộc quyền sở hữu của giáo sư Nguyễn Tấn Di Trọng, bạn thân của họa sĩ Tô Ngọc Vân. Khoảng năm 1965, giáo sư Di Trọng nhượng lại bức họa cho Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam với giá 200 đồng. Đến tận bây giờ, bức họa này vẫn đang nằm trong bộ sưu tập nghệ thuật những bảo vật quốc giá quý báu nhất của bảo tàng.

Xem thêm phần 2 tại đây

 

Biên dịch: Minh Hậu

Biên tập: Thu Huyền

Nguồn: Bảo vật quốc gia Tranh thiếu nữ Hà Nội của Tô Ngọc Vân | hanoitimes.vn

Viết bình luận của bạn:

Tranh vẽ theo yêu cầu. Chúng tôi nhận đặt vẽ tranh theo yêu cầu với thể loại và chất liệu đa dạng. Hãy để những bức tranh nói lên phong cách của bạn.

Tải ứng dụng ngay

Google Play App Store
popup

Số lượng:

Tổng tiền:

icon icon icon