-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Tin tức
Câu chuyện đằng sau những bức tự hoạ kinh điển của Van Gogh
Vincent Van Gogh, Chân dung tự hoạ của hoạ sĩ, 1888
Rất ít hoạ sĩ đã tạo ra nhiều chân dung tự họa như Vincent Van Gogh. Trong số những bậc tiền bối vĩ đại của Vincent, chỉ có người đồng hương Hà Lan của ông là Rembrandt đã vẽ nhiều hơn một chút trong suốt một sự nghiệp dài hơn gấp bốn lần (ông có hơn 40 bức tranh, so với 35 bức của Van Gogh). Giống như Rembrandt, cái nhìn của chúng ta về ngoại hình của Van Gogh gần như hoàn toàn bị chi phối bởi những bức chân dung tự họa. Chỉ có một bức ảnh duy nhất của khuôn mặt Vincent còn tồn tại, được chụp khi ông 19 tuổi.
Khi nhìn vào những bức tranh chân dung tự họa của Van Gogh, ta như hy vọng có thể hiểu được phần nào tính cách và suy nghĩ của ông. Điều này là do hầu hết chúng ta đều bị cuốn hút bởi cuộc đời phi thường của ông cũng như bởi những sáng tác tuyệt vời của ông.
Van Gogh, Chân dung tự hoạ với chiếc mũ phớt, 1887
Vincent cảm thấy rằng tranh chân dung, và có lẽ là cả chân dung tự họa, có thể làm được điều mà nhiếp ảnh không thể. Ông tỏ ra không thích công nghệ nhiếp ảnh mới được phát triển vào thời điểm đó, điều này có lẽ giải thích tại sao chúng ta không có bất kỳ bức ảnh nào của ông trong tuổi trưởng thành. Như Vincent đã nói với em gái mình là Wil: "Bản thân anh vẫn thấy những bức ảnh thật kinh khủng và không thích có bất kỳ bức nào, đặc biệt là ảnh của những người mà anh biết và yêu thương."
Trong một số bức tranh, chẳng hạn như “Chân dung tự họa với tai băng bó”, nghệ sĩ đang khám phá nội tâm và thể hiện một khía cạnh của cuộc đời mình. Được vẽ chưa đầy một tháng sau khi ông tự cắt tai mình, ông đã có thể vẽ góc còn lại của khuôn mặt để che đi vết thương, nhưng người hoạ sĩ không che giấu những nỗi đau mà mình đã trải qua. Ý nghĩa chính xác của của quyết định này phải đã rõ ràng với Vincent, nhưng vẫn còn mơ hồ với chúng ta ngày nay. Đó có phải là một lời kêu cứu không? Hay nó đại diện cho quyết tâm quay lại sáng tác của người hoạ sĩ? Hoặc có thể nó là cả hai.
Van Gogh, Chân dung tự hoạ với tai băng bó, 1889
Một lý do nữa Van Gogh vẽ chân dung tự họa là vì thiếu người mẫu. Ông luôn cảm thấy khó khăn khi tìm người sẵn sàng làm mẫu cho mình vẽ, có lẽ là do tính cách khó gần của ông. Van Gogh cũng dường như có ác cảm với việc vẽ những người bạn thân và gia đình. Khi không có người mẫu, cách đơn giản nhất để một nghệ sĩ chân dung phát triển là vẽ chính mình, vì người hoạ sĩ chỉ cần sử dụng một chiếc gương.
Trong những dịp khác, ông làm chân dung tự họa để thử nghiệm các khám phá kỹ thuật khác nhau, chẳng hạn như tương phản màu sắc hoặc cách vẽ cọ. Những tác phẩm ít tham vọng hơn này đôi khi chỉ là những bài tập nghiên cứu. Điều này có thể giải thích vì sao Van Gogh chuyển từ những tông màu tối ở Paris sang những tông màu sáng hơn trong những bức hoạ mà chúng ta yêu thích ngày hôm nay. Nhưng những bức chân dung tự họa ở Paris cũng bao gồm một số ví dụ rất tuyệt vời.
Nguồn: The Art Newspaper