VN | EN

Tin tức

Bức tranh sơn mài của hoạ sĩ Alix Aymé được lấy cảm hứng từ chính người thầy của mình?

Nữ hoạ sĩ Alix Aymé, tên thật là Alix Angèle Marguerite Hava, sinh năm 1894 tại Marseille, Pháp. Alix Aymé đã nuôi dưỡng một niềm đam mê sâu sắc với văn hóa châu Á. Bà đã khám phá Thượng Hải vào năm 1920, đến Hà Nội vào đầu năm 1921, thăm Vân Nam (đầu năm 1921), Huế (1927), Viêng Chăn, Luang Prabang và Campuchia (đầu năm 1929), và ở Nhật Bản, Mãn Châu, Bắc Kinh (1936). Ở mọi nơi, và đặc biệt là tại Hà Nội – nơi bà đã sống lâu nhất – bà tìm kiếm tâm hồn, sức mạnh mê hoặc và sự khác biệt trong văn hóa châu Á.

Alix Aymé, Khoảng Năm 1938-1940

Bức tranh sơn mài biểu tượng của Alix Aymé vẽ nên một cảnh tượng mười người phụ nữ quây quần quanh một ao nước, tạo nên một không gian huyền ảo, hơn là hiện thực. Những thiếu nữ trong tranh người mặc trang phục, người khỏa thân hoặc bán khỏa thân, tạo nên một buổi tụ họp nhẹ nhàng, hòa quyện như một vũ điệu thiên nhiên. Mỗi tư thế đều toát lên vẻ đẹp riêng: một người ngồi chơi vĩ cầm, một người khác nhìn chăm chú, mê mẩn, như lạc vào cõi mơ. Một thiếu nữ cầm chiếc bình huyền bí, trong khi hai người ngâm mình trong ao nước, ngây ngất như hòa vào dòng chảy. Một người trùm khăn nô đùa, trong khi một người khác nghỉ ngơi, thư giãn trong vẻ đẹp khoả thân. Một nhân vật ngồi yên, đắm chìm trong suy tư, và hai người khác trò chuyện, ánh mắt giao thoa. Những mái tóc nâu, tóc vàng, mỗi kiểu dáng, mỗi khuôn mặt đều mang một nét riêng biệt, từ phương Đông đến phương Tây. Những chiếc váy rực rỡ sắc màu, với họa tiết phong phú, đối lập với áo dài truyền thống, tạo nên hình ảnh đầy tự do và cá tính.

Ở trung tâm bức tranh là ao nước tĩnh lặng, lấp lánh sắc vàng và trắng, bao quanh bởi lớp sơn mài đỏ ở các góc. Nước không chỉ là vật thể mà như một phần sống động của không gian huyền ảo này. Chín người phụ nữ như hòa vào trong cảnh vật, duy chỉ một người cầm bình bước đến từ phía bên phải. Tất cả tạo nên một không gian như khu vườn thiên đường, nơi con người và thiên nhiên hòa quyện hoàn hảo, với màu sắc mềm mại và thảm thực vật kỳ ảo bao quanh, tách biệt khỏi thế giới bên ngoài, tạo nên một vũ trụ riêng biệt, mơ màng và huyền bí.

Bức tranh này là một minh chứng tuyệt vời cho tài năng của Alix Aymé trong việc sử dụng sơn mài, chất liệu mà bà bắt đầu làm quen từ năm 1923 tại trường dạy nghề Hà Nội. Bức tranh thể hiện sự tinh tế trong việc phối hợp các màu sắc chủ đạo như đỏ chu sa, vàng lá, trắng, cùng với khả năng sử dụng bạc, chì, và kẽm. Mỗi lớp màu đều được sắp đặt một cách có chủ ý, thể hiện sự tôn kính của bà đối với Maurice Denis – người thầy vĩ đại của trường phái Nabis. Ông từng nói: "Trước khi trở thành một hình ảnh hay câu chuyện, một bức tranh cơ bản là một bề mặt phẳng, được phủ đầy màu sắc theo một trật tự nhất định." Chính nguyên lý này đã thấm vào từng chi tiết trong tác phẩm sơn mài của Alix Aymé, nơi mỗi mảng màu, mỗi hình khối đều đầy cảm xúc và nghệ thuật.

Màu sắc trong tranh không chỉ đơn thuần phản ánh thiên nhiên mà còn khắc họa sự hòa quyện giữa con người và môi trường xung quanh. Đất son là màu của cây cối và bụi rậm, đỏ là màu của mặt đất, trắng phản chiếu ánh sáng từ ao nước, còn đen – màu tóc và thân cây – gắn kết con người với thiên nhiên. Sự kết hợp này, vượt lên trên ý nghĩa đơn thuần, còn ám chỉ sự hòa hợp giữa hai nền văn hóa: Pháp và Việt Nam. Alix Aymé đã khéo léo đưa ra câu trả lời cho sự hòa quyện này, tuy kín đáo nhưng rõ ràng. Nếu phân tích bức tranh, ta thấy phần bên trái tượng trưng cho nước Pháp cổ điển, với không gian gợi nhớ thời kỳ Phục Hưng, trong khi phần bên phải là thiếu nữ Việt Nam, nơi hai nền văn hóa gặp gỡ. Nhân vật tóc vàng ở bên phải có thể coi là biểu tượng của nước Pháp, và giữa họ là cuộc đối đầu, dự báo một sự xung đột tiềm tàng.

Cảnh tượng với những hình ảnh gợi cảm của cơ thể khỏa thân, sự mê hoặc của nước, và kiểu tóc của người phụ nữ tóc vàng, mang đậm nét châu Á, với đôi mắt nhắm hờ như chìm đắm trong thiền định, tạo nên một không gian căng thẳng giữa hai thế giới dường như không thể hòa hợp. Đây là một thông điệp nghệ thuật mạnh mẽ mà Alix Aymé đã khéo léo lồng ghép vào tác phẩm, như một lời tuyên ngôn đầy ẩn ý.

Cả  bức tranh của Alix Aymé và "Nàng thơ" (1893) của Maurice Denis đều chia sẻ những yếu tố chung về không gian và hình ảnh: một khu rừng gần như thiêng liêng, những thiếu nữ hay nàng thơ trong những chiếc váy thanh thoát, có khi bán khỏa thân, tạo nên một phong cách chung đầy tính nghệ thuật. Cảnh vật trong tác phẩm sơn mài của Alix Aymé cũng rất gần gũi với hình ảnh đó. Tuy nhiên, điều đặc biệt trong tác phẩm của bà là sự xuất hiện của một nàng thơ "thứ mười" – một hình tượng mà Maurice Denis đã khéo léo gắn vào trung tâm bức tranh của mình, quay lưng lại với mọi thứ xung quanh. Vậy, ai là "nàng thơ thứ mười" trong tác phẩm của Alix Aymé? 

Biên tập: Phương Anh

Tài liệu tham khảo và trích dẫn: 

1. Auguttes

2.https://ngdieutam.wordpress.com/2015/05/24/cac-nu-than-maurice-denis-1870-1943/

3. https://www.alixayme.com/

 

Viết bình luận của bạn:

Tranh vẽ theo yêu cầu. Chúng tôi nhận đặt vẽ tranh theo yêu cầu với thể loại và chất liệu đa dạng. Hãy để những bức tranh nói lên phong cách của bạn.

Tải ứng dụng ngay

Google Play App Store
popup

Số lượng:

Tổng tiền:

icon icon icon