-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Tin tức
Bộ sưu tập của hai nhà buôn nghệ thuật hàng đầu, Barbara Gladstone và Daniella Luxembourg, sẽ được đưa lên sàn đấu giá tại New York
Nhà đấu giá Sotheby’s sẽ bán các tác phẩm từ bộ sưu tập của Barbara Gladstone, người qua đời năm ngoái, và hơn một chục tác phẩm từ ngôi nhà ở New York của Daniella Luxembourg.
Ngôi nhà của Daniella Luxembourg tại New York, với các tác phẩm của Fontana (trên lò sưởi) và Calder. Ảnh: Sotheby’s
Sotheby’s sẽ bán các tác phẩm từ bộ sưu tập của hai nhà buôn nghệ thuật nổi tiếng — Barbara Gladstone, người đã qua đời năm ngoái ở tuổi 89, và Daniella Luxembourg — tại New York trong tháng này.
Gladstone, sinh năm 1935, bắt đầu mở phòng tranh của riêng mình vào năm 1980, khi bà 40 tuổi, đã hai lần ly hôn và có ba người con trai. Bà đã phát triển phòng tranh của mình để đại diện cho hơn 70 nghệ sĩ và di sản nghệ thuật vào thời điểm qua đời, với sáu địa điểm đặt tại New York, Brussels, Los Angeles và Seoul. Tuy nhiên, trong podcast The Art World: What if…?! phát hành vào tháng 3 năm 2024, Gladstone khẳng định phòng tranh của bà không phải là một "mega-gallery" (phòng tranh siêu lớn): “Chúng tôi vẫn duy trì một mối quan hệ rất cá nhân với các nghệ sĩ, và đó là điều tôi không bao giờ muốn thay đổi.” Gladstone thành lập phòng tranh của mình trong một thời đại rất khác. Bà nói rằng lúc đó thế giới nghệ thuật nhỏ bé hơn rất nhiều. Và khi được người dẫn chương trình Charlotte Burns hỏi rằng nếu bắt đầu một phòng tranh vào thời điểm hiện tại, bà sẽ làm gì khác đi, Gladstone chỉ trả lời ngắn gọn: “Có lẽ tôi sẽ không làm điều đó.”
Hai nhà đấu giá Christie’s và Sotheby’s cạnh tranh để giành quyền bán
Bộ sưu tập của Gladstone đã được Christie’s và Sotheby’s cạnh tranh trong vài tuần, nhưng Sotheby’s đã xác nhận với The Art Newspaper vào giữa tháng 4 rằng họ vừa giành được hợp đồng ký gửi. Sotheby’s sẽ giới thiệu 11 lô từ bộ sưu tập của Gladstone trong phiên đấu giá buổi tối nghệ thuật đương đại ngày 15 tháng 5 tại New York, bao gồm một trong chỉ bốn bức Black Flowers năm 1964 của Andy Warhol (ước tính từ 1,5 triệu đến 2 triệu USD), một bức tranh y tá (Nurse painting) của Richard Prince từ triển lãm năm 2003 tại Gladstone Gallery (ước tính từ 4 triệu đến 6 triệu USD), và một tác phẩm của Sigmar Polke được đích thân tặng cho Gladstone (ước tính từ 700.000 đến 1 triệu USD). Bộ sưu tập còn bao gồm các tác phẩm của các nghệ sĩ khác mà bà đã hợp tác trong suốt sự nghiệp lâu dài của mình — Victor Man, Mike Kelley, Carroll Dunham và Elizabeth Peyton — cùng với nghệ sĩ thuộc phong trào Arte Povera của Ý là Alighiero Boetti. Đây đều là những tác phẩm mà Gladstone từng sống cùng; như bà từng nói: “Tôi bị ám ảnh bởi những thứ tôi sở hữu đến mức không thể tưởng tượng được chúng sẽ ở đâu khác ngoài bên tôi.”
Theo Artnet News, Gladstone “đã để lại một di chúc yêu cầu tất cả tác phẩm nghệ thuật của bà phải được bán trong một khoảng thời gian hợp lý nhất có thể, theo lời một người thân cận với di sản của bà.” Nguồn tin này nói thêm rằng vì “thị trường thứ cấp của nhiều nghệ sĩ trong số này đang ở các giai đoạn khác nhau”, các tác phẩm sẽ được phân chia để bán đấu giá, bán tư nhân và qua phòng tranh của Gladstone.
Trong khi Gladstone chủ yếu hoạt động ở thị trường sơ cấp, Luxembourg — sinh tại Israel năm 1950 — chủ yếu bán các tác phẩm hậu chiến thuộc thị trường thứ cấp tại các không gian ở London và New York. Bà thành lập phòng tranh Luxembourg + Co (ban đầu là Luxembourg & Dayan) vào năm 2009 và hiện điều hành cùng con gái Alma.
Trong phiên đấu giá buổi tối nghệ thuật đương đại ngày 15 tháng 5, Sotheby’s sẽ bán 15 tác phẩm hậu chiến trị giá hơn 30 triệu USD từ ngôi nhà phố của Luxembourg tại New York, bao gồm các tác phẩm của các nghệ sĩ Ý như Lucio Fontana, Salvatore Scarpitta và Michelangelo Pistoletto. Gần như tất cả các tác phẩm trong bộ sưu tập này được mua tại đấu giá khoảng 20 năm trước, vào đầu đến giữa thập niên 2000, đôi khi với mức giá kỷ lục, như tác phẩm Helikon (1959) của Scarpitta, được mua với giá 185.600 euro (đã bao gồm phí) tại Sotheby’s Paris năm 2005, và Maria Nuda (1967) của Pistoletto, được mua tại Christie’s London năm 2005 với giá 366.400 bảng Anh (đã bao gồm phí). Tác phẩm của Scarpitta hiện được ước tính ở mức 800.000 đến 1,2 triệu USD và tác phẩm của Pistoletto từ 1 triệu đến 1,5 triệu USD.
“Tôi luôn hướng tới việc sưu tập những tác phẩm nắm bắt được tinh túy của nghệ sĩ trong giai đoạn đỉnh cao,” Luxembourg chia sẻ với The Art Newspaper. Bà từ chối chọn ra tác phẩm yêu thích nhất, nhưng chia sẻ: “Có lẽ tác phẩm hoành tráng nhất là Fine di Dio (1963) của Fontana, không chỉ vì nó phản ánh mạnh mẽ cách tiếp cận vật chất của ông, mà còn nhờ cách ông cắt toan một cách rất riêng biệt. Lớp bụi kim cương tạo thêm chiều sâu ba chiều cho bề mặt.” Đây được kỳ vọng là lô đấu giá đắt giá nhất, với ước tính từ 12 triệu đến 18 triệu USD.
Bộ sưu tập đã được Sotheby’s bảo đảm, tuy nhiên “sẽ có sự tham gia của bên thứ ba,” theo lời Lisa Dennison, Chủ tịch Sotheby’s khu vực châu Mỹ. Sự bất ổn dữ dội xoay quanh tình hình thuế quan của Mỹ vốn luôn thay đổi khiến việc ký gửi tác phẩm tại các phiên đấu giá lớn trong tháng 5 tại New York trở nên rủi ro. Thế nhưng, Dennison cho biết: “Điều thú vị là Daniella lại chọn bán vào thời điểm này. Tôi nghĩ bà ấy rất tin tưởng vào chất lượng tác phẩm, vào mức định giá của chúng tôi và vào chính sách bảo đảm. Vì thế, đây là một cuộc bán mang tính chủ động, và với chính sách bảo đảm, bà ấy được bảo vệ khỏi rủi ro giảm giá.”
Biên dịch: Huyền Trịnh